Y học và nỗ lực chữa “vết thương lòng” phụ nữ bị xâm hại

(PLO) - Theo ước tính của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, có gần 1/5 phụ nữ trên thế giới từng bị cưỡng hiếp hay có nguy cơ bị cưỡng hiếp một lần trong đời mình.
Hình minh họa
Hình minh họa

Bác sĩ Muriel Salmona, nhà tâm thần học châu Âu, chuyên gia về chấn thương tâm lý, tác giả cuốn “Sách đen về các bạo lực tình dục”, lý giải những di hại ghê gớm của hành động bạo lực tình dục, sự thờ ơ của xã hội khiến các nạn nhân thường rơi vào tình trạng không lối thoát, và mơ ước của ngành y chữa lành vết thương lòng cho các nạn nhân.

Những trói buộc với nạn nhân 

Bác sĩ Muriel Salmona cho hay bạo lực tình dục gây ra các cơ chế sinh học thần kinh, hóa học cũng như các triệu chứng về thể chất và tâm lý, thường xuyên mang lại nỗi đau đớn và thường khiến nạn nhân rơi vào trạng thái tê liệt như  nhược cơ, mất ký ức, mặc cảm tội lỗi, xấu hổ, mất tự tin, sợ hãi…

Bác sĩ Muriel Salmona
Bác sĩ Muriel Salmona

Bác sĩ Muriel Salmona bày tỏ sự phẫn nộ của bà thời trẻ, khi chứng kiến “sự thờ ơ và vô cảm của nhiều bác sĩ trước các bệnh nhân, nạn nhân của bạo lực, nhất là các nạn nhân của bạo lực tình dục”. Theo Muriel Salmona, tình hình hiện nay trong lĩnh vực này không thay đổi đáng kể.

Những bằng chứng về nỗi đau khổ của nạn nhân rất thường được sử dụng để chống lại chính nạn nhân, để trách cứ nạn nhân, nếu không phải là để những người thân, bác sĩ, cảnh sát, công tố viên, luật sư, thẩm phán, truyền thông, và cuối cùng là tất cả mọi người, nghi ngờ về tính xác thực của hành động bạo lực tình dục đã xảy ra. Đây là điều mà Muriel Salmona gọi là “hình phạt kép” đối với các nạn nhân. 

Nói một cách khác, chính nạn nhân bị phán xét (và nhiều khi tự cảm thấy) như là người phải chịu trách nhiệm đối với các bạo lực xảy ra. Để làm điều này, người ta đã viện ra cách ăn mặc của nạn nhân, thái độ, những nơi thường lui tới, các quan hệ tình dục trước đó, và nhiều điều khác nữa. Kẻ thủ ác, về phần mình, lại được rũ bỏ gần như hoàn toàn khỏi trách nhiệm đối với hành động bạo lực, được bào chữa với lý do “bị khêu gợi, nên tự nhiên mà có ham muốn không cưỡng lại được”.  

Trong một cuộc trò chuyện, bác sĩ Muriel Salmona cho biết những khó khăn cản trở người bị hại lên tiếng: “Rất khó lên tiếng tố cáo thủ phạm sau khi bị hãm hiếp. Quan niệm phổ biến về cưỡng hiếp trong xã hội, với bối cảnh thường là đường phố, trong đêm tối, trong các hoàn cảnh không an toàn. Trên thực tế, tội ác cưỡng hiếp xảy ra ở khắp các tầng lớp xã hội, liên quan đến mọi lứa tuổi. Hơn 50% nạn nhân của hãm hiếp là người chưa trưởng thành. Rất nhiều vụ bê bối, mới được phát lộ, xảy ra trong các môi trường thể thao, tôn giáo, tại những nơi chữa bệnh.  

Trong khi đó, phía các bác sĩ, kể cả các bác sĩ tâm thần, đều không có một đào tạo thích ứng để chăm sóc các nạn nhân trong lĩnh vực này, trong đào tạo đại học, cũng như đào tạo bổ sung sau này. 

Phải đợi đến các phong trào nữ quyền tại Mỹ những năm 1970, 1980, người ta mới công nhận rằng các nạn nhân hãm hiếp có cùng mức độ ‘‘tổn thương tâm thể’’ như các nạn nhân sống sót qua thời gian bị đày đọa trong các trại tập trung, những người bị tra tấn. Cũng cùng các dấu hiệu về mức độ nghiêm trọng như vậy, cũng với cùng ý đồ hủy diệt (tinh thần và thể chất của nạn nhân) như vậy. Cũng cùng một ý chí bẻ gãy nhân cách của nạn nhân, hủy hoại bản sắc của nạn nhân. Đối với nạn nhân, đấy là một điều kinh khủng. Hành động bạo lực cưỡng hiếp không chỉ hủy hoại chính nạn nhân, mà hủy hoại kể cả khả năng tin tưởng vào người khác của nạn nhân”. 

Làm gì để giải thoát?  

Nhà tâm thần Muriel Salmona nhấn mạnh đến phản ứng đặc thù của các nạn nhân hãm hiếp, giống như những người trải qua các bạo lực kinh hoàng, đối diện với những ký ức đau đớn in sâu trong cơ thể và tinh thần:

“Để kiểm soát được ký ức bị chấn thương này, nạn nhân đã tạo ra một sách lược tránh né, tránh né một loạt các giao tiếp và hết sức cảnh giác, thường xuyên ở trong trạng thái bất an, sợ hãi. Một khi người bị hại rơi vào trạng thái thoái lui, thì không còn có thể làm gì để cải thiện được tình hình. Nạn nhân hãm hiếp thường tạo ra cho mình một trạng thái gọi là “phân ly tinh thần để xoa dịu phần ký ức bị chấn thương”. Những ký ức như vậy có thể được đánh thức dậy mỗi khi gặp hoàn cảnh. Như vậy, nạn nhân thường rơi vào các ứng xử có nguy cơ, như nghiện ma túy, nghiện rượu…, hay “nghiện stress” nói chung.

Càng tạo ra các căng thẳng, thì nạn nhân càng tăng khả năng tách khỏi các ký ức đau đớn, gắn liền với biến cố bị hãm hiếp. Vào thời điểm lâm nạn, bộ não của nạn nhân tiết ra các chất giống như morphine hay kétamine để giúp cho nạn nhân sống qua được trạng thái kinh hoàng cận kề cái chết này. Sau này, nạn nhân tiếp tục tạo lại cùng một phản ứng như vậy, để cách ly bản thân khỏi những hồi ức đau đớn, để được giải thoát hoặc để chuẩn bị đón nhận các tình huống kinh hoàng trong tương lai. 

Như vậy, các nạn nhân thường để mình rơi vào các trạng thái nguy hiểm theo nhiều cách khác nhau, đây là điều thường khiến mọi người ngạc nhiên, ví dụ như những người từng bị hãm hiếp sẵn sàng có những quan hệ dẫn đến nguy cơ bị bạo hành tình dục cao, như tham gia vào các cuộc làm quen trên mạng, hay đi cùng những thành phần nguy hiểm... Ở các nạn nhân, thường tồn tại chứng mất cảm giác”.

Nhà tâm thần học Muriel Sahnona lưu ý đến một số hạn chế của y tế trong lĩnh vực này và đề xuất một nguyên tắc chủ yếu để mang lại sự trợ giúp hiệu quả cho các nạn nhân:

“Hiện nay, về mặt khoa học, chúng ta đủ khả năng chăm sóc phần ký ức bị chấn thương của các nạn nhân bị hãm hiếp. Trong lĩnh vực này, càng can thiệp sớm thì việc phục hồi càng nhanh chóng. Nạn nhân đã từng bị bạo hành vẫn luôn luôn là một nạn nhân, vì đây là một thực tại, không thể bác bỏ được. Nhưng điều có thể thay đổi được, chính là việc chấm dứt trạng thái liên tục bị các ký ức đau đớn ám ảnh, xâm chiếm. Thoát khỏi các ký ức đó, đấy chính là mục tiêu cơ bản của việc trị liệu. Nạn nhân không quên biến cố đau đớn đã xảy ra, nhưng không để cho ký ức về biến cố đó ảnh hưởng đến cuộc sống, đến tương lai của mình”.

Cuối cùng, theo bác sĩ Muriel Salmona, những người bị hại rất cần được bảo đảm an toàn, được lắng nghe, được công nhận và được chăm sóc.  

Từ vài thập niên gần đây, ở nhiều quốc gia, hãm hiếp bị coi như một trọng tội, thủ phạm có thể bị kết án đến chung thân, thậm chí tử hình.

Kể từ hơn ¼ thế kỷ nay, số điện thoại SOS của CFCV – Hiệp hội nữ quyền chống hãm hiếp Pháp nhận được khoảng từ 6.000 đến 8.000 cuộc gọi hàng năm, trong đó khoảng 1/3 số cuộc gọi là lời lên tiếng tố cáo lần đầu tiên của các nạn nhân.

Nhưng con đường kiện tụng đầy chông gai. Nhìn chung, một số nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 1/10 nạn nhân lên tiếng cáo giác thủ phạm và tỷ lệ kẻ gây ác bị kết tội còn thấp hơn rất nhiều. Chỉ chưa đầy 1/30 vụ việc bị đưa ra xét xử và chỉ chưa đầy 1/100 thủ phạm bị kết án. Theo một số nghiên cứu, ước tính có khoảng từ 70.000 đến hơn 100.000 người là nạn nhân của bạo lực cưỡng dâm hàng năm tại Pháp.

Cuối tháng 6/2012, CFCV mở một tấn công vào các cội rễ tâm lý của tệ nạn. Đó là các định kiến xã hội dung dưỡng cho những hành động bạo lực tình dục, như: Tâm lý gán cho các nạn nhân vì ăn mặc khêu gợi hay có thái độ quyến rũ nên đã khuyến khích hành động bạo hành từ phía nam giới, hay nhấn mạnh đến nghĩa vụ của người vợ trong việc thỏa mãn các đòi hỏi tình dục từ phía người chồng... Tổ chức này cho rằng tâm lý hổ thẹn, mặc cảm tội lỗi là điều cơ bản khiến các nạn nhân chọn cách im lặng và để cho những chấn thương của việc bị bạo hành tình dục hủy hoại dần mòn con người mình. 

Đọc thêm