TP Hồ Chí Minh: Cảnh báo heo nhiễm bệnh “qua mặt” các đội kiểm tra

(PLVN) - Trước khi đến lò mổ, lợn đã được bơm nước, thịt heo ôi thiu, chứa các dịch bệnh như lở mồm long móng; thậm chí một số lái buôn có chiêu trò chặt chân heo bị bệnh để qua mặt đội kiểm tra… Đó là những cảnh báo được bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Đoàn kiểm tra thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP HCM đưa ra sau khi kiểm tra đột xuất nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra quy trình nhập và pha lóc thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn
Đoàn kiểm tra quy trình nhập và pha lóc thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn

Nội tạng chảy dịch, hôi thối

“Có 3 thùng nhựa lớn đầy nước trắng đục ngâm hàng chục ký sách bò đã chuyển hẳn sang màu đen, bốc mùi hôi thối. Một máy trộn bê tông loại nhỏ được cắm điện sẵn bên cạnh. Ngoài ra, cơ sở cũng đang phân loại hàng chục kg cuống bò, tim bò, lòng bò ngay trên nền dụng cụ cáu bẩn.

Nhiều chân bò chưa cạo sạch lông nằm ngổn ngang trên nền nhà không khác gì bãi rác. Kiểm tra tủ đông, đoàn phát hiện nhiều kg phổi, gan bò chảy dịch, xộc vào mũi mùi vị khiến mọi người muốn nôn thốc…”.

Đó là cảnh tượng kinh khủng mà đoàn công tác gồm Đội Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) liên quận, huyện (quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi) cùng các đơn vị chức năng chứng kiến khi bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh phụ phẩm bò trên đường Nguyễn Thị Kiểu, khu phố 1, phường Hiệp Thành, quận, TP HCM vào rạng sáng 19/1/2019.

Chủ hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Thị Xuân cho biết kinh doanh phụ phẩm bò đã vài năm. Nguồn hàng lấy từ lò mổ tại huyện Gò Dầu (Tây Ninh). Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, bà Xuân không xuất trình được những hồ sơ liên quan nguồn gốc thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Bà Xuân thừa nhận, lò mổ bỏ mối phụ phẩm bò cho cơ sở của bà. Sau khi pha lóc, sơ chế (làm trắng sách bò, luộc đầu bò...), bà bán cho những người lấy hàng nhỏ lẻ bán rong, bán lề đường, bán cho các quán nhậu để nấu lẩu, phá lấu và làm mồi nhậu. 

Quá trình kiểm tra, Đoàn công tác ghi nhận, bà Xuân lưu trữ và kinh doanh hơn 1.200 kg phụ phẩm bò. Đoàn sẽ tiếp tục làm rõ nguồn gốc, chất lượng những phụ phẩm này để có hướng xử lý theo đúng quy định.

Có mặt tại hiện trường, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Đoàn kiểm tra thuộc BQL ATTP TP HCM cho biết, việc hộ kinh doanh này hoạt động đã nhiều năm mà không bị phát hiện hay xử lý cho thấy chính quyền địa phương, UBND phường chưa giám sát chặt hoạt động thu mua và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Việc kinh doanh không đảm bảo ATTP như vậy sẽ rất nguy hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi những sản phẩm không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng được bán trôi nổi trên thị trường.

Chặt chân heo giấu bệnh

Trong chiến dịch tổng kiểm tra thực phẩm bẩn nói trên, trước đó, khuya 18/1/2019, Đoàn cũng đã kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP HCM). Đại diện BQL chợ cho biết, các ngành hàng kinh doanh chính tại chợ là thịt heo, rau, củ, quả, trái cây.

Hàng hóa nhập tại chợ có nguồn gốc xuất xứ trong nước chiếm khoảng 95%, nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 4%, các nước khác khoảng 1%. Riêng đối với mặt hàng thịt heo, đại diện BQL chợ cho biết thêm, thời điểm cao điểm tại chợ tiêu thụ lên khoảng 11.000 con mỗi ngày – đêm. Lượng thịt được tiêu thụ là rất lớn, đặc biệt trong dịp lễ, Tết. 

Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh phụ phẩm bò tại quận 12 và phát hiện nhiều sai phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh phụ phẩm bò tại quận 12 và phát hiện nhiều sai phạm. 

Song song đó là những nguy cơ bỏ lọt thịt heo có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc chủ hàng gian lận tiêu thụ thịt heo không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng… BQL chợ đã sửa chữa cơ sở vật chất, thay mới hệ thống camera giám sát, làm tốt công tác kiểm tra, an ninh chợ… Những trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản xử lý nghiêm. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin, thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận bùng phát dịch lở mồm long móng. Tại TP HCM, vài ngày trước, lực lượng kiểm tra đã phát hiện hơn 60 con heo bị lở mồm long móng từ Đồng Nai vận chuyển về TP, buộc phải tiêu hủy.

Tháng trước đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện lô hàng 20 con heo có những biểu hiện bệnh tương tự. Ngoài ra, một số mẫu thịt heo thành phẩm được bán ở chợ truyền thống cũng bị phát hiện heo bệnh. 

Bà Lan nhận định: “Thời điểm cận Tết nhu cầu mua hàng hóa của người dân tăng cao, hiện nay thịt heo lại tăng giá. Tuy nhiên, số lượng heo được giết mổ tập trung, công nghệ hiện đại tại TP HCM chưa đáp ứng được 100% nhu cầu.

Nhiều người lựa chọn vận chuyển heo được giết mổ ở các tỉnh lân cận về TP. Quá trình giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ còn khá phức tạp. Đoàn đã phát hiện nhiều vi phạm như: heo chở đến đã được bơm nước, thịt heo ôi thiu, các dịch bệnh như lở mồm long móng, một số lái buôn có chiêu trò chặt chân heo bị bệnh để qua mặt đội kiểm tra…

Do đó, theo bà Lan, địa phương cần phải phối hợp tốt cùng lực lượng thú y nhằm ngăn chặn heo bị bệnh nhập vào TP. Cụ thể, mỗi xe hàng, mỗi con heo phải được kiểm tra, không để lọt lưới vi phạm… Ngoài ra, khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm ở các cơ sở uy tín, không mua hàng trôi nổi, giá rẻ. Khi phát hiện thực phẩm có dấu hiệu lạ cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng”.

Trước đó, Đoàn kiểm tra BQL ATTP TP HCM cũng đã kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP HCM). Chợ chủ yếu hoạt động vào ban đêm gồm 3 nhà lồng với 1.424 ô vựa của 945 thương nhân, kinh doanh chủ yếu là mặt hàng rau, củ quả.
Năm 2018, tổng lượng hàng nhập về chợ khoảng gần 1,4 triệu tấn, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày, lượng hàng về chợ này là gần 3.700 tấn, trong đó, có 15% sản phẩm nông sản có xuất xứ từ Trung Quốc.
Dưới 10% nông sản đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng đã kiểm tra đột xuất giấy tờ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của nhiều ô vựa kinh doanh.

Đọc thêm