Bài học cay đắng cho mọi chủ tiệm điện thoại, cầm đồ

(PLO) - Một vụ án trộm cắp tài sản “khó xử”, người bị truy tố tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” liên tục kêu oan và cho rằng mình bị dụ cung, cố gắng buộc tội bằng hồ sơ có lời khai mâu thuẫn. Người này cũng tố CQĐT “quên” trả lại tài sản thu giữ với giá trị cả trăm triệu đồng. Vụ án có tới 6 kết luận điều tra, 3 lần ra cáo trạng và 3 năm nhưng chưa có hồi kết.
Ông Cách kêu oan, cho rằng khi mua không biết tài sản do phạm tội mà có
Ông Cách kêu oan, cho rằng khi mua không biết tài sản do phạm tội mà có

“Tàn đời” vì mua phải đồ gian 

Ông Nguyễn Văn Cách (SN 1976, ngụ quận 12, TP HCM) có đơn kêu oan đến cơ quan chức năng về việc ông bị các cơ quan tố tụng quận Thủ Đức (TP HCM) truy tố xét xử về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 14/12/2015, Lê Ngọc Hòa (SN 1990, quê Bình Định) chạy xe máy chở Nguyễn Thị Loan (SN 1993, quê Nghệ An); đối tượng tên Thịnh (chưa rõ lai lịch) chở Nguyễn Văn Tốt (SN 1992, quê Bình Định) đi trộm tài sản. Cả nhóm phát hiện nhà anh Lê Văn Khánh ở khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức không khóa cổng nên phá cửa phòng vào lấy 3 máy tính xách tay. Cả nhóm bị người dân phát hiện và bắt quả tang đưa về cơ quan công an.

Mở rộng điều tra, CQĐT Công an quận Thủ Đức còn phát hiện Hòa, Loan, Thịnh, Tốt và Tạ Ngọc Linh  (SN 1992, quê TP HCM) thực hiện sáu vụ trộm cắp, cướp giật khác. Trong số tài sản phạm tội, nhóm này khai bán ở tiệm điện thoại Quang Minh (quận Thủ Đức) do ông Cách làm chủ, một điện thoại Sony Z2 với số tiền 1,7 triệu và một điện thoại Mobistar với giá 700 ngàn đồng. Nhóm của Hòa bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản”, “Cướp giật tài sản” và “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Từ lời khai của nhóm trộm cắp trên, ngày 15/12/2015, công an khám xét tiệm điện thoại của ông Cách, phát hiện 5 máy tính xách tay, 5 máy tính bảng, 54 điện thoại di động. Trong số đó không có chiếc điện thoại Sony Z2 vì ông Cách đã bán lại cho người khác với số tiền 2 triệu đồng; cũng không thấy chiếc Mobistar mà nhóm trộm khai bán cho ông Cách.

Ông Cách bị tạm giữ hình sự. Sau khi ông Cách bị bắt, trong ngày 15/12/2015, vợ ông Cách mới mang điện thoại Mobistar đến giao nộp. Tại biên bản thu giữ, chiếc điện thoại có nhãn hiệu Mobiistar Touch Lai 512. Ông Cách bị khởi tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và bị tạm giam 2 tháng.

Cáo trạng lần thứ nhất, ngày 31/10/2016, ông Cách bị truy tố vì tiêu thụ chiếc điện thoại Sony Z2 do nhóm của Hòa cướp giật. Theo cơ quan định giá, chiếc điện thoại này có giá 2,6 triệu. Về chiếc điện thoại Mobistar, Hòa khai cướp giật được của một phụ nữ trên đường, do chưa tìm được bị hại nên tách ra xử lý sau.

Đơn kêu oan của ông Cách
Đơn kêu oan của ông Cách

Lời khai bất nhất của đối tượng bán đồ

Trải qua nhiều lần xét xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung, đến ngày 20/6/2018, VKS quận Thủ Đức ra cáo trạng lần thứ 3. Cáo trạng lần này, nhóm Hòa thực hiện 8 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản (cáo trạng lần 1 chỉ có 7). Về điện thoại Mobistar, cáo trạng lần 1 cho rằng nhóm Hòa khai cướp giật được của một phụ nữ không rõ lai lịch; nhưng cáo trạng lần 3 lại nói rằng do trộm cắp của anh Lê Văn Thanh tại một nhà trọ ở Thủ Đức. Theo định giá, điện thoại Mobistar có giá 2,07 triệu đồng. Cáo trạng lần này có nhiều tình tiết mâu thuẫn so với cáo trạng lần thứ nhất, đồng thời truy tố ông Cách tiêu thụ cả 2 điện thoại.

Suốt 3 năm, hồ sơ còn nhiều mâu thuẫn. Nhất là việc các bị cáo liên tục thay đổi lời khai trong việc ông Cách biết hay không biết điện thoại Sony Z2 và Mobistar là tài sản phạm tội mà có.

Lời khai lần thứ nhất, ngày 20/11/2015, Linh (người trực tiếp bán điện thoại cho ông Cách), nói rằng ông Cách biết hai chiếc điện thoại trên là tài sản phạm tội mà có. Nhưng lời khai ngày 26/04/2016, Linh nói rằng không nói cho chủ tiệm (ông Cách) biết là tài sản do phạm tội mà có. Linh đưa điện thoại (Sony Z2), ông Cách kiểm tra và hỏi mật khẩu nhưng Linh không biết nên Linh im lặng. Sau đó ông Cách mua với giá 1,7 triệu đồng. Linh không biết ông Cách có biết tài sản do phạm tội mà có hay không?

Đối với điện thoại Mobistar, vì không cài mật khẩu, Linh đưa cho ông Cách. Ông Cách thu mua 700 nghìn đồng. Linh khai “nghĩ rằng ông Cách biết điện thoại do Linh phạm tội vì trước đó Linh đã bán Sony Z2”. Linh khai “nghĩ như thế nên khai ông Cách biết tài sản do Linh phạm tội mà có”.

Còn ông Cách nói lần đầu khai biết biết điện thoại Sony Z2 và Mobistar là tài sản phạm tội là do bị mớm cung, bức cung. Nhưng sau này, được đứng trước tòa mới dám khai thật. Lời khai bị mớm cung, bức cung của ông Cách được Tòa và VKS cũng nhiều lần trả hồ sơ, yêu cầu CQĐT làm rõ tố cáo của ông Cách. Nhưng phía CQĐT khẳng định không hề có bức cung, mớm cung như ông Cách khai nên giữ nguyên quan điểm.

Từ tháng 6/2018, Tòa án quận Thủ Đức nhiều lần đưa vụ án ra xét xử nhưng bị hoãn vì nhiều lý do.

Bị cáo tố cáo CQĐT “quên” trả tang vật 

Ông Cách cho rằng vụ án còn nhiều vi phạm nghiêm trọng của CQĐT và ông đã gửi đơn kêu oan, tố cáo đến Cơ quan điều tra  của VKS Tối cao về hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Theo ông Cách, sau khi khám xét, thu giữ 5 máy tính xách tay, 5 máy tính bảng, 54 điện thoại di động, CQĐT Công an quận Thủ Đức “quên” trả lại cho ông. Việc thu giữ số tài sản này là do ông Cách không chứng minh được nguồn gốc, chứng từ.

Hồ sơ vụ án cho thấy, kết luận điều tra lần thứ nhất ngày 09/06/2016, CQĐT không nhắc gì đến số tài sản thu giữ của ông Cách. Sau khi VKS trả hồ sơ, CQĐT mới ra thông báo tìm chủ sở hữu. Nhưng đến kết luận điều tra bổ sung lần thứ 2, thứ 3 và cáo trạng lần thứ nhất của VKS quận Thủ Đức ngày 31/10/2016, cả hai cơ quan cũng không nhắc đến số tài sản này.

Mãi đến khi phiên tòa vào tháng 12/2016, khi luật sư của ông Cách nhắc đến số tài sản này, tòa mới trả hồ sơ và sau đó, tháng 04/2017, CQĐT mới gọi ông Cách lên trả lại.

Ông Cách tố cáo: “CQĐT mời tôi lên nói rằng do hồ sơ thu giữ bỏ trong hộp tủ nên quên không đưa vào vụ án. Họ bảo tôi lên nhận hồ sơ, không tố cáo, không khiếu nại thì sẽ đình chỉ tội danh của tôi nhưng tôi cương quyết không nhận. Họ dụ tôi nhận lại số tài sản đó nhiều lần. Những lần trao đổi này, tôi đều ghi âm lại”.

Những bản ghi âm này, phía tòa án cũng đã yêu cầu ông Cách giao nộp để xem xét, thẩm định. Ông Cách đã nộp 1 thẻ nhớ lưu 8 đoạn ghi âm mà ông cho rằng CQĐT “dụ” ông nhận lại số tài sản đã thu giữ cho tòa án.

Theo đúng luật, CQĐT phải trả lại cho ông Cách những tài sản không liên quan đến vụ án trước khi có kết luận điều tra. Những việc như thông báo tìm chủ sở hữu, tìm bị hại phải có trước khi ra kết luận điều tra.

Luật sư Nguyễn Duy Bình, bào chữa cho ông Cách nói: “Vụ án có dấu hiệu bị xâm phạm hoạt động tư pháp. Việc ông Cách tố cáo bị chiếm đoạt 54 điện thoại, 5 máy tính xách tay, 5 máy tính bảng nhưng chưa có cơ quan nào giải quyết. Việc kết luận điều tra, cáo trạng ghi giá trị điện thoại này 2.070.000 đồng là thiếu căn cứ. Theo tìm hiểu dòng máy Mobiistar Touch Lai 512, loại máy mới không còn bán trên thị trường.

Cần triệu tập người bị mất điện thoại Mobirar là Lê Văn Thanh để làm rõ ông này có bị mất hay không, mất lúc nào, điện thoại hiệu gì, đời nào, hình thức mất vì hồ sơ có dấu hiệu lờ mờ về người này nhưng chưa được làm rõ. Tòa cần triệu tập tất cả các điều tra viên tham gia phiên toà để làm rõ có việc ép cung, dụ cung, giam giữ trái pháp luật và chiếm đoạt tài sản của bị can như bị cáo khiếu tố hay không vì theo yêu cầu của Viện họ phải giải trình, báo cáo nhưng hiện phía CQĐT chưa thực hiện. Cơ quan điều tra cần tổ chức định giá lại vật phạm pháp là điện thoại Sony Z2 vì kết quả định giá là giá điện thoại mới, trong khi đó ông Cách mua là điện thoại cũ”.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc khi có diễn biến mới.

Đọc thêm