Kẻ đi xe đạp thực hiện vụ “liên hoàn trộm” trên Tp Huế

(PLO) -Tại phiên tòa, bị cáo Đạt khai nhận, từ đầu tháng 5/2017 đến cuối tháng 6/2017, Đạt sử dụng xe đạp, đi trên nhiều tuyến đường  của địa bàn thành phố Huế, tìm các quầy bán tạp hóa có sơ hở rồi lén lút chiếm đoạt tài sản gồm nhiều thẻ cào và tiền mặt. Đạt đã lén lút thực hiện 5 vụ trộm với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt gần 16 triệu đồng.
 
Hình minh họa
Hình minh họa

Mẹ bị cáo bảo, sinh con rồi nuôi cho khôn lớn, vợ chồng bà cũng dạy dỗ con đàng hoàng. Làm cha mẹ, có ai dạy con đi ăn cắp ăn trộm bao giờ. Đến tòa thấy con đứng nơi vành móng ngựa, bà đau lòng muốn chết, lại nghe tòa nói bà sinh con không chịu giáo dục, để con vất va vất vưởng, lòng càng đau hơn, thiếu chút không thở nổi.

Mẹ tai biến vẫn đến tòa nhìn con

Buổi chiều một ngày giữa tháng 11/2017, trời hanh hanh nắng. Người mẹ dặt dẹo bước từng bước nặng nề trên sân tòa phủ đầy rêu xanh sau mấy ngày dầm dề mưa gió. Con gái bà đi phía sau, mắt cũng chăm chăm nhìn vào dáng mẹ. Nhưng người mẹ dường như chẳng để ý, mắt cứ dáo dác nhìn quanh tìm kiếm. Hôm nay, cả hai mẹ con họ đến TAND thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) để tham dự phiên tòa xét xử vụ “trộm cắp tài sản”, mà bị cáo Nguyễn Văn Đạt (23 tuổi, ngụ thành phố Huế) chính là con trai, em trai của hai người.

Cô gái trẻ nhìn bước chân mẹ cứng ngắc, run run đi phía trước, dường như không nén được lo lắng trong lòng. Mẹ chị trước đây từng bị tai biến, khiến bà đi đứng, nói năng đều khó khăn, sức khỏe cũng trở nên yếu ớt. Hai ngày trước khi phiên tòa diễn ra, bà tiếp tục bị tai biến, khiến sức khỏe của bà càng thêm mong manh. Em trai chị chiều ấy ra tòa, nhưng đến trưa cả nhà mới biết. Mẹ chị lại cuống cuồng lo lắng khiến khiến suýt nữa bệnh cũ lại tái phát, khiến cả nhà lại một phen hoảng loạn.

Lo lắng, nhộn nhạo cả một buổi trưa, đến khi lên tòa, cả hai mẹ con chẳng nhớ để bới xách gì cho người thân. Nhìn hai tay trống không, lại nhìn đứa em trai xanh xao ngồi phía trước, người chị gái thở dài nặng nề. Còn người mẹ thì thẫn thờ nhìn con trai, mắt lại hoe hoe đỏ. Con trai bà, dù là hư hỏng, là kẻ ăn cắp ăn trộm, thì vẫn là con bà, sao không thương cho được. Bà ngẩng đầu nhìn trần nhà, như cố kéo mấy giọt nước mắt sắp ứa ra, chảy lại vào trong.

Bà bảo, con trai mình ngày trước ngoan lắm, lại học rất khá. Chẳng hiểu làm sao học gần hết cấp 2 thì sống chết gì cũng không chịu đi học. Ở nhà với cha mẹ mấy năm trời, con trai bà tiêm nhiễm thói hư tật xấu khi nào bà cũng chẳng hay biết, đến khi con trai bị bắt vì tội trộm cắp, bà mới tá hỏa. 

Năm đó, Đạt mới bước qua tuổi 19. Từ năm 19 tuổi đến nay, chỉ mới 4 năm, nhưng Đạt liên tục phạm tội, cũng ở hết trong tù 3 năm trời vì tội “trộm cắp tài sản” và “cướp giật tài sản”. Sau khi ra tù, con trai bà làm nghề lái taxi, nhưng lái được một thời gian thì nghỉ. Ở bên ngoài còn chưa đầy năm, thì Đạt lại tiếp tục phạm tội, rồi bị bắt. Người mẹ thở dài ngao ngán, mà ánh mắt nhìn con trai cứ nhăn nhăn lại đầy chua xót.

Siêu trộm tạp hóa

Tại phiên tòa, bị cáo Đạt khai nhận, từ đầu tháng 5/2017 đến cuối tháng 6/2017, Đạt sử dụng xe đạp, đi trên nhiều tuyến đường  của địa bàn thành phố Huế, tìm các quầy bán tạp hóa có sơ hở rồi lén lút chiếm đoạt tài sản gồm nhiều thẻ cào và tiền mặt. Đạt đã lén lút thực hiện 5 vụ trộm với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt gần 16 triệu đồng.

Vụ trộm đầu tiên Đạt thực hiện trong loạt vụ “liên hoàn trộm” là tại một tiệm tạp hóa trên đường Bà Triệu. Sáng hôm đó, Đạt đạp xe đi loanh quanh các con đường trong thành phố, ngó nghiêng các tiệm tạp hóa. Khi đến quán của bà Tý, thấy không có ai, Đạt dừng xe đi vào quầy, sau khi tìm kiếm khoảng mấy phút, “đạo chích” cuối cùng cũng tìm thấy hộp nhựa để trong tủ gương. Đạt mở nắp hộp, lấy số tiền 1,7 triệu đồng và nhiều thẻ cào điện thoại rồi tẩu thoát. Số thẻ cào này, Đạt đem bán cho một tiệm tạp hóa, được 4, 8 triệu đồng.

“Ăn quen bén mùi”, Đạt liên tục thực hiện 4 vụ trộm trong một tháng. Cứ hết tiền xài, bị cáo lại đi trộm. Đến vụ thứ 5, khi bị cáo đang đang lén lút mở cửa tủ gương cầm lấy lon đựng tiền và thẻ cào thì bị chủ tiệm tạp hóa phát hiện và giữ Đạt lại rồi hô hoán để người dân đến bắt giữ, sau đó giao cho cơ quan công an xử lý.

Tòa tuyên phạt bị cáo 2 năm 9 tháng tù
Tòa tuyên phạt bị cáo 2 năm 9 tháng tù

Tòa hỏi bị cáo làm nghề gì? Bị cáo nói mình lái xe. “Bị cáo học lái xe khi nào?”. “Dạ ra tù thì học. Học được 3 tháng thì xin vào lái taxi”. “Đang lái taxi, vì sao lại nghỉ?”. “Bị cáo không nghỉ, mà bị công ty đình chỉ”. “Vì sao bị đình chỉ?”. Bị cáo rầm rầm rì rì bảo, do trong quá trình lái taxi, bị cáo thu tiền của khách, nhưng không nộp lại vào công ty, nên mới cho bị cáo nghỉ việc.

Chị gái bị cáo kể, để được vào lái taxi, gia đình phải đóng vào công ty một số tiền. Nhà thì nghèo, tiền chẳng có, chú bác trong nhà thương tình mới cho tiền để cháu đóng. Chỉ mong cháu mình có công việc làm ổn định, tránh xa con đường bất lương mà làm lại cuộc đời. Đâu thể ngờ chỉ làm được dăm ba bữa, bị cáo lại trở chứng rồi “ngựa quen đường cũ” mà tái phạm tiếp.

Vị hội thẩm hỏi bị cáo: “Bị cáo đi trộm làm gì?”. “Dạ để tiêu xài”. “Xài gì mà đến 15 - 16 triệu 1 tháng. Bị cáo có sử dụng ma túy không?”. “Dạ không. Tiền đó bị cáo dùng mua sắm, ăn nhậu và chơi game”. “Chơi game ngày hết bao nhiêu?”. Bị cáo lại rầm rầm rì rì bảo, một ngày có thể chơi hết 100 ngàn đồng, có khi chơi hết 200 ngàn. “Người ta bán quán, một ngày chỉ kiếm được vài trăm ngàn. Bị cáo lại vào lấy hết tiền của người ta. Đây không phải là lần đầu bị cáo đi trộm, mà bị cáo tái phạm liên tục”. 

Tòa hỏi tiếp: “Năm 2013, bị cáo trộm gì?”. Bị cáo lí nhí khai năm đó trộm chim và điện thoại. “Vậy năm 2015, bị cáo trộm gì?”. “Dạ trộm xe đạp điện”. “Người ta ở trong tù để tu tâm dưỡng tính, để ăn năn hối cải. Bị cáo ở trong tù làm gì? Hay là ở trong đó suy ngẫm, xem ra tù thì đi ăn trộm cái gì dễ nhất, mà khó bị bắt nhất? Bị cáo thanh niên trai tráng, sức dài vai rộng, lại không lo lao động, lại chăm chăm đi trộm”. 

Tòa nói tiếp: “Tài sản trộm được, cũng là mồ hôi nước mắt người ta phải đổ ra mới có được. Bị cáo không chịu thay đổi, sau này sao lấy được vợ. Suốt ngày không biết làm gì, chỉ biết đi ăn trộm, con gái ai người ta ưa. Bị cáo có nghĩ đến cảnh mình đến nhà người khác chơi, họ cũng chăm chăm “canh me” nhà mình, sợ mình ăn trộm hay không?”. Nghe những lời này, bị cáo cũng ngẩn ra, như thể đang nghĩ đến viễn cảnh bị người người xa lánh.

“Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”

Mẹ bị cáo ngồi bên dưới, cứ dáo dác nhìn xung quanh. Gương mặt bà có chút đờ đẫn, búi tóc lỏng lẻo sau gáy bay lờm xờm. Bộ áo quần khoác trên người cũng nhàu nhĩ, cũ kỹ. Tòa đặt câu hỏi với mẹ bị cáo, bà run run đứng dậy, mắt cứ đảo quanh, rồi nghiêng đầu nhìn con gái ngồi phía sau. Tòa mấy lần nhắc lại câu hỏi, nhưng bà cứ lập bập không trả lời được. Cô con gái cho biết, mẹ mình bị bệnh, họng cũng bị đau, nên nói năng khó khăn, chị xin thay mẹ trả lời hội đồng xét xử.

Vị hội thẩm nhìn mẹ bị cáo, giọng đầy chê trách, bảo con trai bà quá hư hỏng. Bà làm mẹ, lại không quản lý con. Ba năm ở trong tù, cũng không giáo dục được bị cáo. Gia đình cũng không có biện pháp quản thúc con. Để bị cáo cứ lặp đi lặp lại hành vi sai trái. Ăn trộm rồi vô tù. Ra tù lại đi ăn trộm tiếp. “Gia đình phải làm thế nào để quản lý con cái mình. Ở Huế không được thì đưa đi nơi khác làm ăn, sinh sống. Sinh con thì phải dạy, không thể cứ để vất va vất vưởng như thế”. Mẹ bị cáo lặng lẽ ngồi nghe, cuối cùng nước mắt cũng rớt ra.

Theo HĐXX, bị cáo Đạt liên tục cố ý phạm tội trộm cắp tài sản 5 lần trong 1 tháng. Bị cáo không có thu nhập, không có nghề nghiệp ổn định, lấy các lần phạm tội để làm nghề sinh sống, và lấy tài sản phạm tội làm nguồn sống chính cho bản thân, vì vậy, bị cáo phạm vào tình tiết tăng nặng “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. Ngoài ra, bị cáo đã 2 lần bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích đã tiếp tục tái phạm, nên phạm thêm tình tiết tăng nặng là “tái phạm nguy hiểm”. Tòa tuyên phạt bị cáo 2 năm 9 tháng tù.

Bị cáo bị dẫn đi, mẹ bị cáo vẫn còn ngồi thẫn thờ, quên cả chạy theo con trai. Bà bảo từ năm 19 tuổi đến nay, con trai bà hầu hết ở trong tù. Mới ra ngoài được mấy tháng, giờ lại tiếp tục vào tù ở thêm mấy năm nữa. “Sinh con ra, cha mẹ nào mà không dạy con điều hay lẽ phải. Có ai dạy con đi ăn cắp ăn trộm bao giờ. Biết mình dạy con chưa tốt, nhưng nghe tòa bảo tui sinh con không dạy, lại để con lăn lóc, vất vưởng, nghe mà đau lòng chịu không nổi”. Bà ứa nước mắt, lếch thếch ra sân, nhưng con trai đã theo xe tù, đi từ lúc nào. Trên sân chỉ còn lại một khoảng trống trải, như chính lòng của bà hiện tại.

Đọc thêm