Nghiêm minh nơi công đường xét xử

(PLO) - Xét xử phúc thẩm vụ án VN Pharma nhập thuốc chữa ung thư giả đã thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như truyền thông. Đây không chỉ đơn thuần là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà còn động chạm đến đạo lý, lương tâm, y đức và đáng chú ý hơn là là rõ các “điểm tối” gây tranh cãi ở phiên tòa sơ thẩm.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Thế nhưng, sự mong mỏi của dư luận đã không được đáp ứng cho dù Hội đồng xét xử của phiên tòa này làm việc với tinh thần cải cách tư pháp, muốn làm rõ ràng mọi tình tiết thông qua việc tranh tụng tại công đường. Nhân tố gây thất vọng không ai khác chính là những người ở Cục Quản lý Dược và đại diện của Bộ Y tế được triệu tập đến tòa.

Người đứng đầu Cục Quản lý Dược, quan chức quan trọng của Bộ Y tế được triệu tập đã không có mặt, lẽ ra cần đến biện pháp áp giải tới tòa theo đúng quy định của pháp luật. Những người đại diện của Bộ Y tế tại tòa càng làm cho người dự khán và theo dõi phiên tòa thất vọng hơn với cách trả lời lặp đi, lặp lại: Xin ghi nhận, báo cáo và trả lời sau. Làm gì có chuyện “ghi nhận, báo cáo, trả lời sau” ở một phiên tòa hình sự dành cho người đang bị thẩm vấn trong sự tranh tụng công khai? Hơn cả thế, lại có chuyện người đứng sau “nhắc vở” cho người đang trả lời Hội đồng xét xử, sự trang nghiêm pháp đình có còn được coi trọng và lớn hơn, sự vắng mặt, trả lời kiểu như vậy đã là biểu hiện của sự coi thường pháp luật.

Chính vì vậy, mấu chốt của vấn đề mà dư luận quan tâm chưa có câu trả lời thỏa đáng: Thuốc chống ung thư này là “giả” hay chỉ là “kém chất lượng” và vai trò, trách nhiệm của Cục Quản lý Dược như thế nào trong việc cho phép nhập thuốc này? Và cũng chính những tình tiết này mới làm vụ án sáng tỏ và tuyên đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm. Quan trọng và ý nghĩa hơn là sau phiên tòa này, bệnh nhân ung thư được điều trị bằng thuốc thật, chứ không phải những viên thuốc chống ung thư đảm bảo chất lượng do tổ chức quốc tế tài trợ cho người bệnh thì bị tiêu hủy để thay thế vào đó những viên thuốc đắt tiền, vô tác dụng như chuyện đã xảy ra.

Một chi tiết khác, bị cáo chính của vụ án đã ngất xỉu khi bị bắt giam tại tòa (đến bây giờ mới biết, trọng tội như ông mà vẫn được tại ngoại là một sự ưu ái hiếm thấy) rồi khóc như mưa, như gió khi được nói lời sau cùng. Ông bị bắt giam, bị xét xử trước một phiên tòa đã là tốt lắm rồi, thử giao ông cho người bệnh ung thư tự xử thì ông không được may mắn đến thế đâu!

Việc thiếu tỏ ra tôn trọng một phiên tòa đang gây sự chú ý của dư luận cả nước là biểu hiện coi thường pháp luật. Sự nghiêm minh cần thiết nơi công đường không thể để một việc tương tự như vậy xảy ra một lần nữa./.