Người mẹ ngày ngày bị con gí dao vào cổ đòi tiền hút chích

(PLO) - Mỗi ngày Tường ngốn hết 1 triệu vào ma túy. Núi vàng núi bạc còn cạn kiệt, huống chi là nhà bà. Những khi xin mẹ không được, Tường lại chạy sang nhà mấy chị gái làm phiền. Chị gái không cho, Tường lại đứng trước cửa la lối. Có khi còn cầm kim tiêm trên tay, dọa là mình nhiễm HIV, nếu không cho tiền sẽ tìm cách lây bệnh cho mọi người. Con gái bà đi làm dâu, em trai lại đến quấy phá, ăn không yên, ở không yên. Vậy là phải “xì” tiền ra.
Tòa tuyên phạt bị cáo 2 năm 3 tháng tù
Tòa tuyên phạt bị cáo 2 năm 3 tháng tù

Tòa hỏi bị cáo, một ngày sử dụng bao nhiêu ma túy? Bị cáo khai một ngày chích 2 mũi. “Hết bao nhiêu tiền?”. “700 – 800 ngàn”. “Tiền đâu ra để sử dụng?”. “Xin mẹ”. “Mẹ biết bị cáo xin tiền chơi ma túy không?”. “Dạ biết”. “Biết mà vẫn cho bị cáo? Khi mẹ không cho, tiền đâu bị cáo sử dụng?”. “Dạ ăn trộm”. Nghe đối đáp giữa tòa và bị cáo, ai nấy đều tròn mắt, riêng mẹ bị cáo thì rầu rĩ như đưa đám. Bà bảo mỗi lần con trai đòi tiền, đều gí dao vào cổ bà đe dọa. Bà nào dám không cho.

Mỗi ngày xài gần 1 triệu vào ma túy

Buổi sáng mưa lất phất. Mẹ bị cáo ngồi co ro trong phòng xét xử. Hôm nay, bà đến tòa trong vai người bị hại trong một vụ án “trộm cắp tài sản” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) tiến hành xét xử, mà bị cáo trong vụ án, chính là con trai bà – Nguyễn Mạnh Tường, năm nay mới 23 tuổi.

Trong thời gian từ ngày 2/6/2017 đến ngày 20/7/2017, Tường đã lợi dụng sơ hở của mẹ, lén lút chiếm đoạt một loạt tài sản trong nhà mang đi bán. Lần thứ nhất, bị cáo trộm một máy đo huyết áp và một chiếc đèn sạc điện. Máy đo huyết áp, Tường đem đến gần khu vực bệnh viện Trung ương Huế bán được 500 ngàn. Chiếc đèn sạc thì bán được 150 ngàn đồng. 

Lần thứ 2, Tường trộm của mẹ một tượng thần tài bằng gỗ, đem bán được 1 triệu đồng. Lần trộm thứ 3, Tường còn rủ thêm một người bạn về nhà mình “bê” đi một vô tuyến, bán với giá 1,5 triệu đồng. Đến lần trộm thứ tư, bị cáo kêu hẳn một người chuyên buôn bán gỗ đến tận nhà để bán hai phách gỗ được dùng làm ghế ngồi trước nhà. 

Cứ dăm bữa nửa tháng, Tường lại khuân đồ trong nhà đi bán. Không chịu nổi, mẹ bị cáo đành gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an. Tường bị bắt sau đó. Tổng số tài sản bị cáo chiếm đoạt trong 4 lần là 7,3 triệu đồng.

Bị cáo năm nay mới 23 tuổi, dáng cao ráo, mặt mày sáng sủa, bảnh bao. Nhìn Tường đứng nơi vành móng ngựa, chẳng ai nghĩ người thanh niên đó là một con nghiện nặng. Tòa hỏi bị cáo số tiền trộm cắp được, bị cáo dùng làm gì? Tường khai dùng để mua ma túy hết. Tòa: “Bị cáo sử dụng một ngày hết bao nhiêu ma túy?”. Bị cáo: “Dạ một ngày chích 2 mũi”. “Hết bao nhiêu tiền?”. “Dạ khoảng 700 đến 800 ngàn”. “Tiền ở đâu ra mà sử dụng nhiều như thế?. “Dạ xin mẹ”. “Mẹ bị cáo có biết bị cáo xin tiền để mua ma túy không?”. “Dạ có”. “Có mà vẫn cho bị cáo?”. Vị chủ tọa nhướng mày hỏi, vẻ ngạc nhiên. 

Bị cáo im lặng không đáp. Mẹ bị cáo ngồi bên dưới, khuôn mặt cũng vặn vẹo vừa xấu hổ, vừa chán nản. Bà bảo không cho mà được chắc? Mỗi lần con trai xin tiền, bà còn chưa kịp cho, hắn đã cầm dao đòi chém, đòi giết, bà dám không cho? Người mẹ thở dài bất lực, giọt nước mắt đau khổ cũng ứa ra.

Thuê xe tải đến nhà trộm cắp

Tòa hỏi bị cáo mỗi lần mẹ không cho, tiền đâu bị cáo sử dụng? Bị cáo khai lúc đó sẽ đi ăn trộm. Vị chủ tọa lần nữa lắc đầu: “Trong nhà chẳng còn gì để trộm, còn mỗi hai phách gỗ để làm ghế ngồi, bị cáo cũng nỡ trộm nốt”. 

Tòa hỏi mẹ bị cáo: “Việc bị cáo trộm cắp trải dài một thời gian, những lần trước bà có biết không?”. Người mẹ bảo biết. Ngoài những lần trộm này, bị cáo không biết bao nhiêu lần trộm tiền của bà. Người mẹ kể, bà buôn bán nhôm đồng. Vậy mà có lần, nửa đêm con trai bà thuê hẳn 1 xe tải đến nhà, chở hết nhôm đồng đi. Tiền bán được, đều chơi ma túy chung với bạn. 

“Mỗi lần biết con trộm cắp, bà có nói gì không?”. “Khuyên dữ lắm, nhưng không được”. Người mẹ cất giọng thểu não, đôi vai xụ xuống, như bị ai rút hết sức lực.

Bị cáo là con út trong gia đình có năm chị em. Năm Tường mới lên lớp 6 thì nghỉ học. “Tại sao bị cáo nghỉ học?’, tòa hỏi bị cáo. “Dạ tại học không vô”. “Nghỉ học ở nhà làm gì?”. “Dạ đi chơi”. “Sao không đi học nghề?”. “Mẹ có nói, nhưng bị cáo chưa kịp học”. 

Tòa lại hỏi mẹ bị cáo: “Bà biết con nghiện ma túy không?”. Mẹ bị cáo nói biết. “Biết khi nào?”. “Năm cháu 15,16 tuổi đã nghiện”. “Có đưa đi cai nghiện không?”. Mẹ bị cáo nói có, nhưng ra ngoài lại tái nghiện. Tòa hỏi người mẹ sao không cho con đi học nghề, rồi kiếm việc để làm, tránh việc ở không lại lêu lỏng, phạm tội. Người mẹ rầu rầu, mặt như đưa đám. Bà bảo con trai bà nghiện nặng, nên chẳng làm được gì, ngày nào cũng phải chích mới được. Tường còn 2 lần được đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị vì sử dụng ma túy quá nặng. Một lần phải nằm ở bệnh viện tâm thần điều trị suốt 2 tháng, lần còn lại cũng điều trị hơn nửa tháng mới xuất viện.

Năm đó, con trai bà 15 tuổi, do có hành vi cưỡng đoạt tài sản, nên bị đưa vào trại giáo dưỡng 2 năm. Nhưng vừa ra khỏi trại, Tường lại tái nghiện. Cũng từ đó, cái “quy trình” vào tù cai nghiện, ra tù tái nghiện cứ liên tục lập đi lập lại. 

Năm 2013, Tường bị tuyên phạt 1 năm 3 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”. Vừa ra tù mấy tháng, bị cáo tiếp tục tái phạm, phải vào tù ngồi tiếp 2 năm vì tội danh “trộm cắp tài sản”. Lần đó, bị cáo trộm chiếc xe máy của người mẹ. Chấp hành án xong, vừa ở ngoài được 3 tháng thì bị cáo lại tái nghiện, tiếp tục trộm cắp, người mẹ lần nữa gửi đơn lên cơ quan công an. 

Tòa hỏi, những tài sản bị cáo đem bán, đã được thu hồi lại, bà có đồng ý bồi thường tiền cho những người kia không? Người mẹ đồng ý. Bà bảo mình đã bồi thường, tiền bà đã nộp ở công an phường. Tuy nhiên, vị chủ tọa cho hay, trong hồ sơ thể hiện, bà chưa bồi thường. Giờ nghị án, bà gọi điện lên phường hỏi, mới biết cơ quan chức năng chưa bồi thường để bị cáo “đi” lâu lâu một chút.

Vòng luẩn quẩn 

Trong lúc chờ nghị án, người thân xúm xít bên bị cáo hỏi han. Người mẹ ngồi cạnh bị cáo, cứ cầm tay con trai vuốt ve mãi. Gương mặt người mẹ cứ ủ rũ. Những nếp nhăn trên đuôi mắt như dài ra, xếp chồng chất lên nhau khi bà buồn hiu buồn hắt nhìn con trai. “Lần này ra tù, chỉ ở nhà thôi nghe, đừng đi đâu. Cơm ăn áo mặc, mẹ đều lo cả. Con chỉ việc ngồi không trong nhà, mà cũng làm không được”, bà thở dài. “Lần này ra tù, con nhất định sẽ ngoan”, bị cáo hứa hẹn.

Người chị gái đứng bên cạnh bảo, lần này em trai ra tù, phải xây cho nó một phòng, bít kín lại, chỉ chừa 1 ô vuông để đưa cơm nước. Chứ thả nó ra, lại theo bạn bè, “chích choác” tiếp thì khổ. Bị cáo lắc đầu, nói lần này ngồi tù, chắc phải “ở trỏng” ít nhất 2 năm. Ngồi chừng đó, ra là ê xương rồi, chẳng dám tái phạm. “Ê xương kiểu gì mà mới ở trong 2 năm, ra được 3 tháng giờ lại vô ngồi trong tiếp. Hay mai mốt về, ngày chích một mũi thôi. Chích 1 mũi, nhà còn lo được, chứ chích nhiều, lấy đâu ra tiền”. 

“Hắn mà chích một mũi, một chục mũi một ngày thì có”, người anh trai bất mãn nói. Bị cáo phân bua, ngày xưa mới chích một ngày chục mũi. Vì hồi đó ma túy giá còn rẻ. Chứ giờ chích chục mũi không có tiền, ngày 1 - 2 mũi thôi.

Người mẹ dặn con trai, mai kia ra tù, không được chơi với đám bạn kia nữa. “Mấy đứa bạn con đứa nào cũng nhiễm HIV hết rồi. Con có lần nào chích chung kim với tụi nó không?”. Bị cáo bảo, hôm bữa có đi kiểm tra sức khỏe, thử máu, nhưng không bị nhiễm. “Mầy biết tụi bạn gái thằng bạn thân không. Cả chục đứa, đứa nào cũng bị nhiễm HIV hết rồi”, người anh trai nhìn bị cáo dò hỏi: “Có khi nào chích chung kim với tụi nó không?”. Bị cáo lại lắc đầu. Người mẹ nhìn con trai với ánh mắt đầy lo lắng.

Mẹ bị cáo kể, hồi chồng bà còn sống, Tường ít ra còn sợ uy của cha, nên cũng bơn bớt phá. Nhưng từ khi chồng bà qua đời, bà chẳng thể kìm kẹp nổi con trai, nên đứa con tha hồ tung hoành, gây họa. Ngày đó, khi biết con trai theo bạn xấu, bà đã phải bán thốc bán tháo nhà, chuyển đi nơi khác, chỉ muốn con cách xa đám bạn kia. Đã mấy bận bán nhà, chuyển nhà, nhưng con trai với đám bạn kia vẫn cứ như keo. Dù chuyển đi đâu cũng tìm về với nhau.

Bình thường, Tường cũng hiền lành lắm. Mẹ nói gì cũng nghe. Nhưng khi có thuốc vào, hoặc khi vả thuốc, con bà cứ như một người khác. Tường đòi tiền, bà chưa kịp đưa là cầm dao kề cổ mẹ. Khiến bà đâm ra sợ cả con trai. Có những khi con trai ở nhà, bà phải cuốn gói đi ở chổ khác để lánh mặt. Tường tìm mẹ không thấy, lại gọi điện liên tục. Bà phải dối con đang nằm viện. Con trai đòi lên thăm, bà lại nói dối đang ở chữa bệnh ở Đà Nẵng, Sài Gòn. 

Mỗi ngày Tường ngốn hết 1 triệu vào ma túy. Núi vàng núi bạc còn cạn kiệt, huống chi là nhà bà. Những khi xin mẹ không được, Tường lại chạy sang nhà mấy chị gái làm phiền. Chị gái không cho, Tường lại đứng trước cửa la lối. Có khi còn cầm kim tiêm trên tay, dọa là mình nhiễm HIV, nếu không cho tiền sẽ tìm cách lây bệnh cho mọi người. Con gái bà đi làm dâu, em trai lại đến quấy phá, ăn không yên, ở không yên. Vậy là phải “xì” tiền ra.

Ở nhà không được, cai nghiện không xong, chỉ co cách đành đưa Tường vào tù ở. Bà ở ngoài, lo làm lụng bới xách cho con. Dù sao cũng là con mình đứt ruột đẻ ra, sao không thương cho được. Tường ở trong tù những ngày đầu, cũng hiền lành, dễ thương lắm. Nhưng được ít bữa, chẳng biết uống phải thứ gì, lại như người khác. Bà lên thăm, Tường lại la hét, dọa dẫm, bảo: “Mẹ không để lại tiền, con lấy súng bắn mẹ”. Bà sợ con quá khích, lại bị đánh, nên lại để lại tiền. Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn cứ bám lấy bà, lấy con bà không dứt.

Tòa tuyên phạt bị cáo 2 năm 3 tháng tù. Mẹ bị cáo mặt cứ buồn xo. Bà chạy theo khi con trai đang được dẫn giải ra xe về trại, nhỏ giọng dặn dò: “Mai mốt mẹ lên thăm, con phải ngoan, không được làm dữ với mẹ”.

Đọc thêm