Bảo lãnh tín dụng để doanh nghiệp nhỏ dễ tiếp cận vốn ngân hàng

(PLO) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định lần 3 về tổ chức và hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN), nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để tăng cường quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn ngân hàng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đánh giá chung của các DN cho thấy, khó khăn nhất vẫn là tiếp cận vốn tín dụng vì các DNNVV thường không đáp ứng được yêu cầu về tài sản bảo đảm tiền vay. Vì vậy, để Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD) hoạt động có hiệu quả, thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các DNNVV, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Quỹ BLTD hiện nay là yêu cầu có tính cấp thiết. 

Cụ thể, việc ban hành Nghị định là cần thiết vì hoạt động bảo lãnh tín dụng mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Đối với các DNNVV, họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, giảm áp lực về lãi suất vay, nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng nhu cầu đầu tư dài hạn. Đối với các ngân hàng, đây là hình thức bảo đảm vốn vay đáng tin cậy (bảo lãnh của bên thứ 3), tham gia vào thị trường nợ mới, nâng cao hiệu quả hệ số sử dụng vốn, mở rộng thị trường hoạt động. Đối với Chính phủ, đây là cơ sở pháp lý nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, tạo ra công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, tạo ra mạng lưới an toàn xã hội. 

Bộ Tài chính cho biết, tính đến 30/9/2017, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ BLTD, tổng số vốn điều lệ của các Quỹ BLTD ước khoảng 1.579 tỷ đồng. Doanh số bảo lãnh của các Quỹ BLTD lũy kế từ năm 2002 đến 30/9/2017 ước khoảng trên 4.126 tỷ đồng với khoảng trên 2000 DNNVV được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Số dư bảo lãnh đến 30/9/2017 của các Quỹ BLTD ước đạt trên 411 tỷ đồng, số trả nợ thay đạt khoảng 83 tỷ đồng. 

Qua thực tiễn hoạt động, khó khăn, vướng mắc của các Quỹ hiện nay tập trung chủ yếu ở các vấn đề sau: Năng lực tài chính của Quỹ BLTD tại các địa phương còn hạn chế, vốn hoạt động bảo lãnh tín dụng thấp, một số Quỹ chưa đáp ứng đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành; quy mô còn nhỏ, số dư trích lập dự phòng rủi ro của Quỹ thấp chưa đảm bảo bù đắp chi phí khi có rủi ro xảy ra, nguồn thu từ phí bảo lãnh thấp không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ, trong khi rủi ro bảo lãnh cao nên hoạt động của Quỹ còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, quá trình thực hiện hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã phát sinh tranh chấp giữa các bên (chủ yếu giữa Quỹ BLTD và Ngân hàng thương mại) và đã phải đưa ra Tòa án để giải quyết, xử lý. Việc tham gia góp vốn điều lệ của tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật đối với Quỹ chưa cao, có một số TCTD tham gia góp vốn điều lệ nhưng với số vốn góp còn rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, mô hình hoạt động của Quỹ (mô hình độc lập, ủy thác hoặc giao cho Quỹ tài chính địa phương, trong đó, chủ yếu là Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện nhiệm vụ) còn phát sinh vướng mắc…

Vì thế, Nghị định được ban hành góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về các chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển DNNVV nhằm thúc đẩy, phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. 

Đọc thêm