Bộ Nông nghiệp có thêm Cục chuyên lo đầu ra cho nông sản

(PLO) - Bộ NNPTNT vừa thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản trên cơ sở sắp xếp lại Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối trước đây. 
Việc thành lập Cục CB & PTTTNS là lần đầu tiên Việt Nam có một cơ quan chuyên biệt lo đầu ra cho nông sản
Việc thành lập Cục CB & PTTTNS là lần đầu tiên Việt Nam có một cơ quan chuyên biệt lo đầu ra cho nông sản

Theo đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản  (Cục CB&PTTTNS) có chức năng điều phối các hoạt động phát triển thị trường, là đầu mối quản lý và chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ  NN&PTNT. Nhiệm vụ quan trọng của Cục này là xây dựng chiến lược về thị trường nông sản trong nước và quốc tế, xây dựng cơ sở dữ liệu, thương mại điện tử phục vụ xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. 

Bộ NN&PTNT cho biết, trước mắt Bộ này sẽ thành lập mới Chi cục CB & PTTTNS phía Nam, sau đó từng bước theo yêu cầu, nhiệm vụ, sẽ thành lập chi cục ở 5 vùng trên cả nước. Ngay sau khi công bố thành lập, Bộ sẽ gửi văn bản đến các địa phương đề nghị phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin để dự báo thị trường một cách chính xác.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường hiện nay, khâu chế biến, thị trường chúng ta còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường, đây cũng là nguyên nhân xảy ra việc giải cứu hết nông sản này đến nông sản khác. Trong khi đó, thị trường thế giới hiện biến động khôn lường, nhất là thị trường hàng nông sản. Vì thế, việc thành lập Cục CB & PTTTNS có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, việc dự báo cung cầu của thị trường là nhiệm vụ khó và quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản hiện nay. Do Bộ NN&PTNT không thể bao quát hết toàn bộ những vấn đề cụ thể về sản xuất ở các địa phương, cho nên rất cần sự hỗ trợ hợp tác của các Bộ, ngành và các địa phương nhằm tăng cường phối hợp cung cấp, xử lý thông tin và điều hành một cách đồng bộ. 

Cũng theo Bộ trưởng Cường, sau khi ra đời, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… để tổ chức tốt hơn nữa khâu sản xuất và thị trường. Với mục tiêu khai thác triệt để thị trường xuất khẩu với 7 tỷ dân và thị trường nội địa với 92 triệu người. 

Đọc thêm