Chưa đầy 8% vốn Nhà nước chuyển về SCIC: Trên quyết liệt, dưới ngó lơ?

(PLO) - Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, 6 bộ và 16 địa phương sẽ phải chuyển giao về TCty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để triển khai bán phần vốn Nhà nước tại 62 DN với tổng số vốn Nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay,  SCIC mới tiếp nhận 25/62 DN theo danh sách chuyển giao với tổng vốn Nhà nước là 862,48 tỷ đồng, chiếm 7,5% số vốn Nhà nước phải chuyển giao...
Chưa đầy 8% vốn Nhà nước chuyển về SCIC: Trên quyết liệt, dưới ngó lơ?

Trên chỉ đạo quyết liệt..

Chủ trương chuyển giao vốn Nhà nước về SCIC đã được Chính phủ chỉ đạo từ năm 2012 tại Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sau nhiều văn bản đôn đốc, tháng 8/2017 tại Quyết định 1232/QĐ-TTg (ngày 17/8/2017) về danh mục thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc các bộ/UBND tỉnh chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn Nhà nước tại 62 DN tại 6 bộ và 16 địa phương với tổng số vốn Nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các DN thuộc diện chuyển giao).

Báo cáo của SCIC cho biết, lũy kế từ khi ban hành Quyết định 1232/QĐ-TTg  đến hết tháng 6 /2018, SCIC đã tiếp nhận 25/62 DN  theo danh sách chuyển giao với tổng vốn Nhà nước là 862,48 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, SCIC chỉ tiếp nhận 05/45 DN theo Kế hoạch tiếp nhận năm 2018. Số DN chưa chuyển giao gồm 37 DN với tổng vốn Nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 bộ và 8 UBND tỉnh.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN hồi tháng 7 vừa qua, Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại một lần nữa nhắc nhở các bộ và địa phương phải nhanh chóng chuyển giao DN về SCIC. “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, SCIC đã chủ động, thường xuyên đôn đốc, làm việc trực tiếp với các Bộ, địa phương, tuy nhiên tiến độ chuyển giao vốn nhà nước từ Bộ ngành, địa phương về SCIC còn chậm. Chúng tôi cũng không biết phải làm gì nữa… ” - ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC giãi bày.

Dưới “níu kéo” nhờ “thiếu chế tài”

Báo cáo của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ đã chủ trì thành lập Đoàn công tác liên ngành (gồm đại diện Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, SCIC) tới làm việc với 6 bộ, địa phương (Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL và UBND TP Hải Phòng) để chốt việc chuyển giao. Có những trường hợp tưởng như đã xong nhưng DN vẫn chưa được chuyển giao như Bộ NN&PTNT (lẽ ra phải hoàn thành chuyển giao trong tháng 5); trong số DN phải chuyển giao có DN vẫn còn vướng, nhưng có những DN mọi thủ tục đã xong, có thể bàn giao song Bộ vẫn giữ lại với lý do “chờ xong hết mới bàn giao cả gói”. Hay như trường hợp TCty Thép và Tập đoàn Dệt May, mọi thủ tục đã xong nhưng Bộ Công thương chưa ký, nên chưa bàn giao được. 

Bên cạnh những trục trặc kỹ thuật như một số trường hợp DN đã xong hồ sơ để chuyển giao nhưng còn tồn đọng vấn đề tài chính không phù hợp với các quy định của Thông tư 118/2014/TT-BTC (ngày 21/8/2014) về hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC mà SCIC đang kiến nghị sửa đổi Thông tư 118/2014/TT-BTC, hay có trường hợp “vốn chủ sở hữu đã âm rồi thì không biết phải chuyển giao cái gì” như lời Chủ tịch SCIC, thì nguyên nhân cơ bản vẫn là “bộ muốn giữ, địa phương chưa muốn bàn giao”. Thực tế có một số địa phương đã từng đề nghị được giữ lại một vài DN với lý do “giữ lại để phục vụ cho sự nghiệp phát triển của địa phương” (!?). “Chúng tôi rất tích cực nhưng SCIC cũng chỉ là một DN nên chúng tôi chỉ có thể nỗ lực tới làm việc, thúc đẩy các thủ tục, chứ không thể buộc các bộ, ngành phải thực hiện nhiệm vụ bàn giao được…” - Chủ tịch SCIC chia sẻ.

Ngót chục năm nay, rất nhiều văn bản chỉ đạo, các cuộc họp, làm việc của Chính phủ về thúc đẩy tiến độ chuyển giao DNNN về SCIC song xem ra tình hình không có tiến chuyển. Theo TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM), chậm chuyển giao DN về cho SCIC là vấn đề của nền kinh tế, vấn đề của tái cơ cấu tổng thể chứ không phải là vấn đề riêng của SCIC và tình trạng này cho thấy vì sao tái cơ cấu nền kinh tế chậm. “Sự chậm trễ chuyển giao thế này là thể hiện sự giằng xé về lợi ích, là vì tư tưởng chưa muốn và kỷ luật chưa nghiêm.”- ông nhấn mạnh và cho rằng, làm tốt việc chuyển giao DN về SCIC là tốt cho xã hội, tốt cho nền kinh tế, thúc đẩy cải cách và phát triển của Việt Nam.

PGS.TS.Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ Dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) trong một hội thảo cách đây 1 năm do CIEM tổ chức cũng thẳng thắn cho rằng sở dĩ các bộ, ngành, địa phương chưa chuyển giao là bởi “phía trước là lợi ích, phía sau vì “sân sau”, không thực hiện thì cũng chẳng phải chịu trách nhiệm”. Theo ông Huệ, Chính phủ phải kiên quyết, ai không thực hiện thì phải cách chức, phải có kỷ luật hành chính. 

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có chế tài đối với việc chậm bàn giao về SCIC và SCIC cũng là đối tượng phải chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN…

Đọc thêm