Đấu thầu dịch vụ công: Vì sao Hà Nội muốn đi tiên phong?

(PLO) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho phép chính quyền Thủ đô hạn chế hoàn toàn các phương thức đặt hàng, giao kế hoạch dịch vụ công ích để tiến tới chuyển đổi toàn bộ sang cơ chế đấu thầu. 
Hà Nội muốn mở rộng cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công ích
Hà Nội muốn mở rộng cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công ích

“Mở cửa” cho tư nhân

Đề xuất gây sự chú ý này được đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng với hơn 2.000 doanh nhân diễn ra vào hồi giữa tháng 5 vừa qua. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nhằm tạo sự bình đẳng, cạnh tranh trong hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trên cơ sở thực tiễn, thành phố đã xin mạnh dạn đề xuất Thủ tướng Chính phủ, khi triển khai các Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 5 cần dần dần hạn chế các phương thức đặt hàng dịch vụ công ích, tiến tới chuyển đổi toàn bộ sang cơ chế đấu thầu. 

Cũng theo ông Chung, ngoài phải đấu thầu toàn bộ dịch vụ công, song song với đó cũng cần phải chuyển toàn bộ các doanh nghiệp công ích trực thuộc bộ, tỉnh, thành phố quản lý sang cơ chế doanh nghiệp tư nhân. Theo người đứng đầu UBND TP Hà Nội, có như vậy mới tạo ra khâu đột phá trong quản lý và môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN tham gia vào tất cả các lĩnh vực dịch vụ công của bộ máy hành chính.

Nếu so với kiến nghị của Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND TP Hà Nội, sau khi cơ quan này đã tổ chức một đoàn giám sát về công tác duy trì vệ sinh môi trường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, thì đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội được cho là muộn đến 3 năm. 

Tuy nhiên, muộn còn hơn không, đề xuất của Chủ tịch Chung vẫn được cho là đột phá, là bước đi cụ thể của UBND TP Hà Nội trong việc thực tâm muốn mở cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân “cất tiếng nói” trong việc tham gia vào lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích mà từ trước tới này vốn là “sân chơi” gần như “độc tôn” của DN nhà nước.

Theo tìm hiểu của Báo PLVN, cùng với quá trình đô thị hóa, kinh phí chi cho hoạt động công ích không ngừng tăng lên hàng năm và chiếm một lượng lớn trong chi ngân sách hàng năm của thành phố. Chỉ tính riêng việc duy trì tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải, quét rửa hè đường, duy trì vườn hoa, công viên, cây xanh, xử lý nước thải và duy trì hệ thống thoát nước đô thị, hiện tại hàng năm, Hà Nội đang phải chi khoảng gần 5.000 tỷ đồng. 

Giảm “gánh nặng” cho ngân sách

Được biết, trong 4.529 tỷ đồng mà Hà Nội bỏ ra để trang trải cho các dịch vụ công năm 2016, thì có 12 % dành cho lĩnh vực duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông, 45% chi cho vệ sinh môi trường, 8% chi cho lĩnh vực chiếu sáng, 16% chi cho lĩnh vực duy tu vườn hoa, thảm cỏ, công viên, cây xanh và 19% chi cho lĩnh vực duy tu, sửa chữa, duy trì lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. 

Thế nhưng, đến năm 2015 thống kê cho thấy chỉ mới có khoảng 3,8% giá trị đầu tư cho dịch vụ công được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu, còn lại vẫn theo hình thức đặt hàng. 

Theo nhiều chuyên gia, cơ chế đặt hàng đang tạo ra thế “độc tôn” cho DN nhà nước trong việc dễ dàng tiêu xài ngân sách. Bằng chứng là năm 2016, sau khi người đứng đầu chính quyền Thủ đô trực tiếp họp với các sở, ngành và các DN thực hiện duy trì cây xanh, qua 6 lần họp rà soát, chỉ tính riêng số tiền duy tu, duy trì cây xanh, trồng vườn hoa, thảm cỏ, Hà Nội đã tiết giảm chi phí từ 886 tỷ đồng xuống còn 178 tỷ đồng/năm. 

Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì được đưa vào vận hành năm 2009, từ đó đến đầu năm 2015, công tác quản lý vận hành xử lý nước thải tại Nhà máy này được thực hiện bằng cơ chế đặt hàng cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. 

Đầu năm 2015, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả vận hành, tiết kiệm chi phí, thực hiện theo đúng các quy định mới của Nhà nước về lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công ích, thành phố Hà Nội đã thực hiện đấu thầu rộng rãi việc vận hành, xử lý nước thải tại Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì. Kết quả là một DN tư nhân đã trúng thầu và thông qua đấu thầu, TP Hà Nội đã tiết kiệm được 20% chi phí quản lý vận hành Nhà máy so với việc đặt hàng trước đây.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo việc khuyến khích đấu thầu trong cung ứng dịch vụ công ích nhưng phải có cơ chế kiểm soát minh bạch, tránh doanh nghiệp “sân sau”. Bởi thực tế đã cho thấy những góc khuất đằng sau việc đấu thầu là có sự móc nối giữa một số quan chức trong cơ quan nhà nước và công ty tư nhân tham gia đấu thầu sẽ làm cho giá cả của dịch vụ tăng lên, chất lượng cung ứng kém do khâu kiểm tra, nghiệm thu chỉ được thực hiện qua loa cho xong chuyện.

Đọc thêm