Góp ý về sửa 5 Luật thuế: Lo ảnh hưởng kế hoạch tài chính của doanh nghiệp

(PLO) - Góp ý việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của 5 Luật thuế, các ý kiến đều cho rằng Ban soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính ổn định trong thực hiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch tài chính trung và dài hạn…
Có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước giải khát lo ngại bị ảnh hưởng nếu Dự luật được thông qua
Có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước giải khát lo ngại bị ảnh hưởng nếu Dự luật được thông qua

“Truy” đánh giá tác động

Tại Hội thảo lấy ý kiến về đề xuất sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng qua (14/9), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tại cuộc họp hôm 19/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết Bộ đã đánh giá tác động khi xây dựng Dự luật này. “Vậy đánh giá tác động như thế nào? Tăng thu ngân sách bao nhiêu? Có bền vững không hay chỉ trong năm 2018- 2019, sau đó lại thu tiếp? Tác động đến DN và người dân như thế nào? Ngành nào thua thiệt? Những sửa đổi này có phù hợp với chính sách phát triển các ngành không, nhất là các ngành đang tái cơ cấu? Tinh thần khuyến khích ngành này, không khuyến khích ngành khác thể hiện trong luật này thế nào?...”, bà Lan đặt một loạt câu hỏi.

Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch cho rằng, Dự Luật này nếu được thông các DN nước giải khát sẽ phải chịu nhiều loại thuế với mức tăng và bổ sung như: Thuế GTGT tăng từ 10% lên 12%; Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với DN sản xuất nước ngọt là 10%; Mức thuế suất GTGT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%. “Nếu luật được ban hành, chi phí sản xuất sẽ tăng, tăng giá thành sản phẩm; giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm; giảm doanh thu có thể kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động... Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các DN vừa và nhỏ. Giá bán cao còn dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển…”, ông Vỵ phân tích.

Đại diện VBA cũng cho rằng Báo cáo giải trình của Bộ Tài chính chưa trả lời được câu hỏi dự án luật này sẽ tác động như thế nào đối với nền kinh tế, với ngành công nghiệp nước giải khát và người tiêu dùng. Nhà nước sẽ có lợi gì và hạn chế gì nếu thông qua luật này? 

Với thuế TTĐB đối với nước ngọt, VBA cũng cho rằng chưa thuyết phục. “Bộ Tài chính đưa ra ba cơ sở để áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt, đó là cơ cấu lại thuế để tăng ngân sách, phù hợp với xu hướng quốc tế, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, cụ thể là bệnh béo phì và tiểu đường. Các cơ sở thứ nhất và thứ hai chưa có số liệu chứng minh cụ thể là nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt thì Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu? Cơ sở thứ ba cần phải được chứng minh một cách khoa học về việc: liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì không, và nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt thì liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không”?, ông Vỵ truy vấn.

Đại diện cho quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ ngường tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) đề nghị Bộ Tài chính phải công khai đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế này, đặc biệt những Luật thuế tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, trong đó cân nhắc việc tăng thuế với thu nhập của người dân…

Doanh nghiệp vào thế bị động

Đại diện Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A, bà Đặng Thị Bình An lo ngại khi DN luôn bị động trước chính sách thuế thay đổi. Trong chục năm qua chỉ có Luật Thuế môi trường là mới còn các Luật thuế khác thường xuyên thay đổi. như  Luật thuế GTGT sửa cơ bản năm 2008, đến 2013 sửa, năm 2014 sửa tiếp, đến  năm 2016 lại sửa và đến bây giờ lại sửa. “Có nội dung lúc đưa ra, lúc lại đưa vào, DN rất khó đoán trước để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh...”, bà An nói.

Đại diện C&A đề nghị việc thay đổi bổ sung Luật cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính ổn định tạo thuận lợi cho DN trong việc hoạch định kế hoạch tài chính trung hạn và dài hạn. Đồng thời, việc sửa đổi bổ sung các Luật thuế cần phải được cân đối và thông nhất giữa các Luật để đảm bào tính đồng bộ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO đề nghị cần tính đến giải pháp quản lý thực tế hợp lý, tránh nguy cơ biến một số khoản thuế thu nhập thành thuế GTGT, thậm chí quay trở lại hình thức thuế doanh thu như trước đây. Chẳng hạn thuế chuyển nhượng chứng khoán hoặc phần vốn góp hay thuế chuyển nhượng bất động sản, thay vì nộp thuế thu nhập, tức là thuế thu nhập chạy theo lợi nhuận thì lâu nay đã chuyển thành nộp thuế doanh thu, tức là thu thuế dựa theo tổng số giá trị chuyển nhượng. Hay thuế thu nhập đối với nhà thầu nước ngoài và các pháp nhân không phải là DN (theo Luật hiện hành và đặc biệt theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung)...

Tại hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính một lần nữa khẳng định việc xây dựng Luật này là nhằm: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu NSNN; Thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế; Khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho DN…

Đọc thêm