Hầm đường bộ qua Đèo Cả vận hành: Động lực lớn cho khu vực miền Trung phát triển

(PLO) - Ngày 21/8, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Cty Đèo Cả) đã tổ chức Lễ thông xe toàn tuyến, chính thức đưa Hầm đường bộ qua Đèo Cả (DA Đèo Cả) vào vận hành khai thác. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, nằm giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, có tổng mức đầu tư 11.378 tỉ đồng, chiều dài 13,19km trong đó hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m. 
Cắt băng thông hầm Đèo Cả
Cắt băng thông hầm Đèo Cả

DA Đèo Cả có quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT, bằng nguồn vốn trong nước bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam. Việc đưa DA Đèo Cả vào khai thác vận hành mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam trong lĩnh vực thi công hầm đường bộ, đồng thời sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông khi qua Đèo Cả, rút ngắn khoảng cách từ 21km xuống còn 13km, thời gian qua đèo từ 60 phút xuống còn 10 phút. Qua đó, trực tiếp tạo điều kiện để kết nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo thuận lợi về lưu thông giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và cả nước, mở ra cơ hội mới, động lực lớn cho sự phát triển của cả khu vực.

Ông Hồ Minh Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT – TGĐ Cty Đèo Cả
Ông Hồ Minh Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT – TGĐ Cty Đèo Cả

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Minh Hoàng – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc  Cty Đèo Cả cho biết: “Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, đến nay DA Đèo Cả đã được hoàn thành và chính thức bắt đầu đưa vào khai thác sử dụng. Thời gian qua, Chủ đầu tư, các nhà thầu, đối tác và toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động tham gia vào thực hiện dự án đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ để có được kết quả như hôm nay. Với quyết tâm đưa dự án về đích đúng tiến độ, phần lớn thời gian thi công đã diễn ra liên tục 3 ca, kể cả các ngày lễ, tết. Với địa hình đặc biệt hiểm trở, chưa có đường công vụ nên ban đầu việc khảo sát tuyến hoàn toàn phải dựa vào đường mòn – khi đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phải tính đến phương án tháo rời máy móc để chuyển tập kết đến điểm thi công rồi mới lắp lại. Ngoài ra, thời tiết khu vực rất khắc nghiệt – mùa nắng thì rất nóng và oi bức, còn mùa mưa thì mưa sạt đất (không thể thi công được), địa chất rất phức tạp với đá mồ côi, đá lăn quá nhiều...

Vượt qua những khó khăn vất vả và cả những hoài nghi ban đầu của nhiều người, những bỡ ngỡ về cơ chế của một dự án đầu tiên thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP); và cả những thay đổi các quy định của pháp luật – cơ chế – chính sách và nhân sự, dự án đã về đích đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, góp phần tạo nên một diện mạo mới về kết cấu hạ tầng GTVT của vùng Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung”.

Thời gian gần đây dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến các dự án BOT trong lĩnh vực GTVT, nhất là về vấn đề thu phí. Với tư cách là chủ đầu tư của dự án, ông Hoàng khẳng định: Dự án này khác với nhiều dự án khác là chủ các phương tiện hoàn toàn có quyền lựa chọn phương án khi lưu thông qua Đèo Cả là đi qua hầm với chi phí thấp, an toàn và tiết kiệm thời gian; hoặc đi trên đường đèo phải chịu tiêu hao phí nhiên liệu và hao mòn thiết bị rất lớn, tốn nhiều thời gian và có thể bị rủi ro về an toàn giao thông. Mức phí tại hầm Đèo Cả được Bộ GTVT phê duyệt đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và các chủ phương tiện lưu thông qua hầm, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển, tạo đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và XII đã chỉ ra. 

Bên trong hầm Đèo Cả
Bên trong hầm Đèo Cả

Ông Nguyễn Văn Thắng – Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank phát biểu: "Vietinbank luôn là người bạn đồng hành, uy tín, là điểm tựa vững chắc cung cấp nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp để cùng nhau lớn mạnh. Đặc biệt, Vietinbank là đơn vị cung cấp vốn cho nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông. Đối với DA Đèo Cả, Vietinbank là đơn vị tiên phong đồng hành ngay từ những ngày đầu. Ông Thắng rất hãnh diện về sự thành công của dự án, và hy vọng Vietinbank và Cty Đèo Cả sẽ tiếp tục gắn kết ngày một bền chặt hơn, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển, cùng với định hướng hoạt động kinh doanh của cả hai bên, cùng tạo ra những giá trị lợi ích và sự thịnh vượng."

Còn ông Huỳnh Tấn Việt – Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khẳng định: "Việc đưa dự án trọng điểm quốc gia hầm đường bộ qua Đèo Cả vào hoạt động sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng mối quan hệ giữa các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và các tỉnh miền Trung ngày càng gần gũi, tốt đẹp hơn. Đây là một vinh dự rất lớn đối với tỉnh Phú Yên, hy vọng DA Đèo Cả sẽ là điểm nhấn, là một sản phẩm du lịch, tạo nên một điểm đến cho du khách, đồng thời là động lực rất lớn cho Phú Yên, cũng như các tỉnh cùng khu vực vươn lên và phát triển mạnh mẽ."

Đọc thêm