“Hậu kiểm” - chuyện ở một bộ quản lý ngành

(PLO) - Cùng với việc cắt giảm 24 nhóm sản phẩm hàng hóa xuống còn 2 nhóm , đồng thời chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa với 93% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm, Bộ này đã đi tiên phong trong công tác đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Không kiểm tra trước thông quan 3 vạn lô hàng/năm

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), Bộ KH&CN, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm” như ban hành Thông tư 07/2017/TT-BKHCN để chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm. 

Cụ thể, trước đây, có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Sau khi triển khai áp dụng Thông tư số 07 đã giúp cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan. Đồng thời, giảm 67% thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu để thông quan hàng hóa (giảm từ 3 ngày xuống còn 1 ngày), vượt hơn yêu cầu về thời gian của ASEAN +4 (là 90 giờ). Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30 nghìn lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Được biết, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định 3482/QĐ-BKHCN công bố sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, trong đó quy định cụ thể 8 nhóm sản phẩm, hàng hoá, mã HS, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, văn bản quy phạm pháp luật quản lý và biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đây có thể xem là sự nỗ lực rất lớn của Bộ KH&CN xét về tính chủ động, cũng như vượt mức thời gian quy định, bởi thời hạn Chính phủ giao cho các bộ đến tháng 6/2018 phải hoàn thiện nhưng đối với Bộ KH&CN các văn bản pháp lý liên quan đã có hiệu lực từ tháng 10/2017.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN còn tham mưu cho Chính phủ một loạt các cơ chế chính sách để xử lý những vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thời gian qua, như xử lý sự chồng chéo trong việc kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định 50/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các doanh nghiệp; tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 37/2017/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 hủy bỏ Quyết định 50, trong đó cắt giảm 114 sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.

“Ngoài ra, Bộ còn trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018, trong đó quy định rõ cách thức hậu kiểm, quản lý hàng hóa theo mức độ rủi ro, từ mức thấp, trung bình đến đến mức rủi ro cao. Sản phẩm hàng hóa nào có độ rủi ro cao sẽ có mức quản lý chặt, và ngược lại, nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn có cơ chế để kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa” -ông Linh cho biết thêm.

Chưa hài lòng với kết quả hiện tại

Theo Báo cáo 479/BC-VPCP mới đây của Văn phòng Chính phủ về chuẩn hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong triển khai áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong Danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan.

Theo đó, đến nay đã có 4 bộ ban hành Danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng, thực hiện cắt giảm tỉ lệ mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan. Điển hình là Bộ KH&CN cắt giảm nhiều nhất trong các bộ với 91% sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan.

Theo đại diện  Tổng cục TCĐLCL, báo cáo về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh của Bộ KH&CN tại buổi làm việc của Tổ công tác của Chính phủ mới đây đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao, ghi nhận những nỗ lực, kết quả triển khai của Bộ trong thời gian qua.

Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá Bộ KH&CN là một trong những Bộ đi tiên phong trong việc kiểm tra chuyên ngành, tiên phong trong hoạt động đổi mới cơ chế kiểm tra hàng nhập khẩu với mục đích tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, công cuộc đổi mới của Bộ sẽ không dừng lại ở những kết quả trên, Bộ KH&CN sẽ vẫn tiếp tục triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 75, Nghị quyết 19 của Chính phủ trong việc thống nhất, rà soát điều kiện kinh doanh. Đồng thời, phấn đấu trình Chính phủ Nghị định sửa nhiều Nghị định để cắt giảm tiếp các điều kiện kinh doanh sớm hơn thời gian dự kiến theo tinh thần của Nghị quyết 19”, ông Linh nhấn mạnh.

Hiện nay, điều kiện kinh doanh được quy định ở nhiều lĩnh vực khác nhau của Bộ như an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, đánh giá thẩm định công nghệ... Bộ đã có phương án và lộ trình cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực KH&CN. Ngoài ra, sẽ tiếp tục triển khai Nghị định 74 và Nghị định 119 của Chính phủ, dựa trên tình hình thực tế để qua đó tháo gỡ khó khăn đối với hàng hóa hậu kiểm, đặc biệt là việc hỗ trợ cơ quan ban ngành, địa phương. Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa hậu kiểm, đánh giá, xem xét sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với các nhóm hàng hóa chuyên ngành. Qua đó, có đánh giá, đề xuất cụ thể trong việc cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, ông Linh cho biết thêm. 

Đọc thêm