Lựa chọn mô hình Nhà nước kiến tạo nào?

(PLO) - Sáng ngày 16/6/2017, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB-VNU) cùng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Đẩy nhanh Cải cách vì một Nhà nước kiến tạo”.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm nay lấy bối cảnh tăng trưởng có xu hướng chững lại, năng suất nền kinh tế chậm cải thiện. Tăng trưởng kinh tế không được như kỳ vọng, chỉ đạt 6,21%, đặc biệt ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,36% và công nghiệp khai khoáng lại giảm 4%; công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính, chiếm 11,9%; khối dịch vụ tăng trưởng ổn định ở mức 6,98%. 

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh quốc gia lại được đánh giá tăng đáng kể khi điểm số và thứ hạng của chỉ số thuận lợi kinh doanh tăng, đặc biệt cải thiện các thành phần tiếp cận điện năng và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; chỉ số Tự do kinh tế có cải thiện nhưng không đáng kể, vẫn thấp nhất trong khu vực và thuộc nhóm kém tự do.

Trong bối cảnh này, đẩy mạnh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo được trông đợi rất nhiều. Do đó, báo cáo năm nay tập trung vào những vấn đề liên quan, thay đổi thể chế để hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt quan tâm đến vấn đề cải cách thể chế để xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam. 

Đánh giá cao những công bố của nhóm nghiên cứu nhưng Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ: “Khái niệm Nhà nước kiến tạo mà chúng ta mong muốn là gì? Chúng ta lựa chọn đi theo mô hình phát triển nào? “Theo quan sát của tôi, với những gì mà Nhà nước đang cố gắng cải thiện thì mô hình của chúng ta gần với mô hình Bắc Á, không phủ nhận thị trường nhưng lại can thiệp rất sâu vào thị trường”. 

Theo ý kiến của TS Dũng, Nhà nước kiến tạo cần cố gắng tạo một môi trường kinh doanh tốt nhất, thể hiện qua quyền tự do kinh doanh được bảo vệ, quyền tài sản được bảo vệ, quyền tự do khế ước được bảo vệ. Điều quan trọng không kém là Nhà nước phải cắt giảm chi phí, đặc biệt phải cắt giảm rủi ro về chính sách cho người dân và doanh nghiệp. 

Chuyên gia kinh tế cao cấp Trương Đình Tuyển cho rằng, phải làm rõ được mô hình Nhà nước kiến tạo hiện nay của chúng ta là chủ ý của cá nhân nào đấy hay là sự phát triển biện chứng qua các thời kỳ trong bối cảnh mới. Cũng theo ông Tuyển, chúng ta phải làm cho rõ mối quan hệ chức năng Nhà nước đã chuyển đổi với bộ máy nhà nước. Ông Tuyển cũng dự báo, với những nỗ lực của Chính phủ hiện nay, tăng trưởng đạt trên 6% là đã có thể đuổi kịp một số nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á. 

Theo đại diện nhóm nghiên cứu Báo cáo kinh tế thường niên năm 2017, vấn đề cần xem xét để có thể có được mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển là phải có một thể chế kinh tế có nền kinh tế thị trường đầy đủ, đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân, duy trì môi trường cạnh tranh. Nền hành chính cần được chuyên nghiệp hóa, mang tính kỹ trị, có cạnh tranh, có sự giám sát của người dân, xã hội và truyền thông. 

Ngoài phần báo cáo về đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo, Báo cáo kinh tế thường niên cũng đưa ra các vấn đề về bảo vệ quyền tài sản của cá nhân, tổ chức đối với tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất nông nghiệp; sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu và dịch chuyển chính sách tại Việt Nam; Vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận trong việc nâng cao chất lượng thể chế tại địa phương… 

Trong Báo cáo cũng cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2017. Ở kịch bản tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 3,2% có thể đạt được với quyết tâm cao của Chính phủ nhưng sẽ đặt ra vấn đề bền vững trong tăng trưởng. Còn với kịch bản kinh tế tăng trưởng tự nhiên, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm dừng ở mức thấp nhất là 2,35%.

Đọc thêm