Một nửa sự thật trong vụ Đà Nẵng đòi hủy kết quả đấu giá đất trị giá hơn 652 tỷ

(PLO) - Việc đơn vị trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất 52 ngày là sự thật nhưng khi báo cáo Thủ tướng về vụ này, những ý kiến trái chiều với ý kiến của UBND TP Đà Nẵng không được nêu ra khiến cho toàn bộ sự thật về vụ việc mới chỉ được biết đến một nửa.

Một nửa sự thật trong vụ Đà Nẵng đòi hủy kết quả đấu giá đất trị giá hơn 652 tỷ

Trong cuộc họp ngày 9/11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã đề cập đến vụ việc hủy kết quả bán đấu giá đất (lô A20, đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà) và cho rằng, lý do của việc hủy kết quả bán đấu giá là do doanh nghiệp trúng đấu giá chậm nộp tiền (đợt 2); do Kiểm toán nhà nước yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá. Do vậy, UBND TP không thể làm khác được ngoài việc lựa chọn quyết định hủy kết quả bán đấu giá này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng không quên nhắc việc giá đất tăng hàng ngày nên phải hủy kết quả đấu giá vì nhỡ cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm thì ai sẽ là người gánh chịu việc thiệt hại nếu giao đất cho doanh nghiệp trúng đấu giá. Do vậy, như ý kiến của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã nêu trong cuộc họp và được báo chí dẫn lại, UBND TP chấp nhận bị kiện chứ không thay đổi quan điểm về việc hủy kết quả đấu giá.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác – khía cạnh của doanh nghiệp thì việc Chủ tịch UBND TP nếu ra tại cuộc họp và trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, sự thật mới được biết đến một nửa.

Việc Công ty cổ phần Vipico trúng đấu giá lô đất số 20A Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà với giá hơn 652 tỷ đồng và Công ty đã nộp đủ tiền là một sự thật thay đổi bản chất của việc “chậm nộp” tiền nhưng không được báo cáo và làm rõ để giải quyết một cách thấu đáo.

Cụ thể, nếu việc “chậm nộp” và doanh nghiệp “chưa nộp” tiền sử dụng đất, ý kiến của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng sẽ hoàn toàn đúng và không có gì cần phải bàn cãi thêm nữa. Song, với trường hợp của Công ty Vipico, “chậm nộp” nhưng “đã nộp” tiền trúng đấu giá thì việc hủy kết quả bán đấu giá đất không phải nói hủy là hủy được. Vì lúc này, quyền và nghĩa vụ của hai bên đã gắn chặt với số tiền mà doanh nghiệp đã nộp.

Thực tế thì do doanh nghiệp đã nộp đủ tiền nên khi họp bàn giải quyết vấn đề hủy kết quả đấu giá của Công ty Vipico, các Sở, ngành của TP Đà Nẵng đã nêu ý kiến tham mưu và đều cho rằng, không có cơ sở để hủy kết quả bán đấu giá của Công ty Vipico. Đây là một sự thật rất rõ ràng nhưng đã không được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tại sao các Sở lại nói ngược với quan điểm của UBND TP Đà Nẵng, mà thậm chí là cả Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Tổng Cục quản lý đất đai cũng không đồng ý với việc hủy kết quả bán đấu giá của Công ty Vipico. Vậy, cơ quan nào đúng, cơ quan nào không đúng và căn cứ nào để xác định sự đúng sai của các cơ quan có quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, doanh nghiệp chậm nộp tiền bán đấu giá thì phải nộp tiền chậm nộp, giống như một chế tài cho việc chậm nộp. Đây cũng là quan điểm mà Sở Tài chính Đà Nẵng nêu ra trong văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng để tổng hợp và báo cáo UBND Thành phố.

Sở Tư pháp Đà Nẵng còn rõ ràng hơn khi trích dẫn văn bản pháp quy là Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT-BTC-BTNMT, tại Điều 15 đã quy định rõ: Người trúng đấu giá có trách nhiệm nộp tiền tại kho bạc. Nếu chậm nộp tiền so với thời gian quy định thì phải nộp tiền chậm nộp. Do đó, việc hủy kết quả đấu giá đối với Công ty Vipico là chưa có cơ sở pháp lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng thì xác định rất rõ, Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng có quy định, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có trách nhiệm nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế, quá thời hạn theo thông báo mà chưa nộp thuế thì hủy kết quả bán đấu giá. Tuy nhiên, tại thời điểm công nhận kết quả bán đấu giá đối với Công ty Vipico thì quyết định 01/2015/QĐ-UBND đã hết hiệu lực. Do đó, không thể căn cứ vào quyết định này để hủy kết quả bán đấu giá đối với Công ty Vipico.

Có thể thấy, các Sở, ngành đã nêu rõ quan điểm và căn cứ về việc không thể lấy lý do “chậm nộp thì hủy” như là một con đường duy nhất để giải quyết việc của Công ty Vipico. Sự thật và các căn cứ được viện dẫn trong ý kiến của các Bộ, ngành và các Sở chắc chắn hơn so với những gì mà lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã nêu.

Một lý do nữa mà UBND TP Đà Nẵng nêu ra đó là việc hủy kết quả bán đấu giá là do Kiểm toán nhà nước yêu cầu. Tuy nhiên, đây là lý do rất thiếu thuyết phục, bởi Kiểm toán nhà nước chỉ khuyến nghị chứ không phải là cơ quan cấp trên hay cơ quan tài phán buộc các bên tham gia giao dịch phải hủy bỏ giao dịch chuyển nhượng tài sản qua bán đấu giá. Hơn nữa, khi đưa ra “khuyến nghị”, Kiểm toán nhà nước cũng dựa vào quy định tại Quyết định số  01/2015/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng, vốn không được áp dụng để công nhận kết quả bán đấu giá (do đã hết hiệu lực từ 1/1/2017). Do vậy, việc viện dẫn ý kiến của Kiểm toán nhà nước cũng giống như mượn một cái cơ thiếu thuyết phục để đưa ra một quyết định thiếu thuyết phục mà thôi.

Như vậy, sự việc hủy hay không hủy kết quả bán đấu giá đất đối với Công ty Vipico cần được xem xét một cách toàn diện, không chỉ xem xét sự việc dựa trên ý chí của UBND TP Đà Nẵng. Một nửa sự thật không phải là sự thật, việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu trong báo cáo hay nêu trong hội nghị về sự việc nhưng  không đầy đủ sự thật sẽ cho doanh nghiệp suy luận rằng UBND TP Đà Nẵng muốn hủy kết quả bán đấu giá này nên mượn cớ doanh nghiệp “chậm nộp tiền” để đổ lỗi cho doanh nghiệp.

Đọc thêm