Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách - Cái nhìn của “người trong cuộc”

(PLO) - 15 năm qua, thực tiễn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả của kênh tín dụng chính sách đặc thù ở Việt Nam. Làm thế nào để tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả là quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là những người đang từng ngày góp phần đưa đồng vốn chính sách tới người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thực tiễn hoạt động của NHCSXH đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả của kênh tín dụng chính sách đặc thù ở Việt Nam
Thực tiễn hoạt động của NHCSXH đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả của kênh tín dụng chính sách đặc thù ở Việt Nam

Khẳng định hiệu quả của kênh tín dụng chính sách đặc thù

Tính đến hết ngày 31/8/2017, trong gần 15 năm qua đã có trên 30 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ thoát nghèo. Cũng từ nguồn vốn này, đã thu hút, tạo việc làm cho gần 3,5 triệu lao động được tạo việc làm, trong đó có hơn 111 nghìn lao động thuộc hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 10 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long, gần 520 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; trên 11 nghìn căn nhà phòng tránh bão, lụt. Tổng dư nợ của NHCSXH đạt 167.047 tỷ đồng, gấp 23 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH là 0,43%/tổng dư nợ.

“Trải qua 15 năm xây dựng - phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chung sức chung lòng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” — ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết. Thực tiễn hoạt động của NHCSXH đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả của kênh tín dụng chính sách đặc thù ở Việt Nam.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước — nhận định, với mô hình hoạt động ưu việt, hiệu quả của NHCSXH, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải một cách kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo về ý thức tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai, hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua các thời kỳ.

Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới Nhận định về tác dụng của tín dụng chính sách đối với bà con dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - cho rằng, việc cho vay vốn chính sách thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn được quản lý bởi các hội, đoàn thể nhận ủy thác không chỉ là hoạt động tín dụng, mà còn giải quyết hai vấn đề: một là nâng cao chất lượng hoạt động của hội đoàn thể, hai là đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời xóa các hoạt động vay vốn không lành mạnh trên địa bàn.

“Kể từ khi trở thành nước có thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại, đồng nghĩa với việc thu nhập của một bộ phận người dân sẽ ít được cải thiện hơn và người nghèo là nhóm dễ bị tổn thương hơn cả. Tốc độ giảm nghèo của Việt Nam đã chậm dần, công tác giảm nghèo ngày sẽ trở nên ngày một tốn kém hơn, đòi hỏi phải có nguồn lực dồi dào hơn cho công tác giảm nghèo. 

Ngoài ra, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 — 2020, giảm nghèo không chỉ là lo cho người nghèo về thu nhập mà còn phải tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ tối thiểu, nâng cao mức sống toàn diện cho người dân. Những vấn đề trên đặt ra nhiều thách thức cho NHCSXH trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngân hàng là phát triển ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước, tạo bước đột phá trong giảm nghèo” — ông Đào Minh Tú nói.

“Có thể nói, NHCSXH là đơn vị duy nhất hoạt động theo cơ chế hành chính nhưng đạt hiệu quả rất tốt” — ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định. Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, nếu tiếp tục đi theo con đường cũ 15 năm qua, hiệu quả vẫn có nhưng sẽ chậm hơn, không bền vững, vì vậy, cần phải nghĩ phương sách, cách thức quản lý, sử dụng vốn chính sách mới tốt hơn.

* Ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:

Vốn chính sách tăng cường niềm tin của bà con dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước

Trong 15 năm qua, NHCSXH đã có những đóng góp đáng kể tạo sinh kế nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tính đến 31/7/2017 đã có 349 nghìn lượt hộ dân tộc thiểu số vay vốn với số dư nợ hiện khoảng gần 3.000 tỷ đồng, lãi suất vay thấp chỉ bằng 50% lãi suất vay của hộ nghèo. Thời gian vay khá hợp lý với chu kỳ sản xuất cây con, do vậy đồng bào ta đã sử dụng vốn có hiệu quả, trả được nợ.

Việc vay vốn của NHCSXH để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống góp phần giúp cho bà con dân tộc thiểu số làm quen với cách tính toán, thu xếp, khắc phục dần tư tưởng trông chờ ỷ lại. Vay vốn của NHCSXH với thủ tục khá đơn giản, chủ yếu thông qua Tổ tiết kiệm vay vốn và các tổ chức chính trị - xã hội được đông đảo bà con dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn rất là hoan nghênh. Hiệu quả nhìn thấy là hàng năm ở vùng này, bà con dân tộc thiểu số giảm 3 — 4% hộ nghèo và thoát nghèo bền vững. Cùng với việc giải quyết các vấn đề kinh tế thì đồng vốn chính sách góp phần tăng cường niềm tin tưởng của bà con dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước, góp phần vào ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

* Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Cần củng cố và hoàn thiện thêm phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách

Trong thời gian tới, cần củng cố và hoàn thiện thêm một bước phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách và mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách, đồng thời đánh giá lại hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách hiện nay để có định hướng thực hiện trong thời gian tới theo hướng kết thúc những chương trình đạt hiệu quả thấp và tập trung cho vay các chương trình đạt hiệu quả cao, có nhiều đối tượng thụ hưởng, tránh cho vay dàn trải trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và chuẩn nghèo ngày càng toàn diện.

* Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

Vốn đi cùng kỹ năng để tăng hiệu quả tín dụng chính sách

Chúng tôi xác định rằng, vốn đi cùng kỹ năng, kiến thức, có sức lao động; vốn phải đến với người thực sự mong muốn phát triển kinh tế; vốn đến nơi nào làm ra được các mô hình, sử dụng đúng mục đích. Để làm được điều đó, chúng tôi chỉ đạo các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, như: đào tạo nghề phải gắn với việc làm, đào tạo nghề phải xây dựng các mô hình tập hợp chị em đến với nhau, cùng tác động, giúp đỡ lẫn nhau, trong tổ nhóm đó có cả các chị em thuộc đối tượng giàu, trung bình và nghèo. Chúng tôi giúp các chị em khởi sự doanh nghiệp, phát triển kinh tế, đến là để học hỏi từng mô hình, cách làm, khơi gợi sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ chị em phụ nữ. Kết hợp các khoản vốn vay với kỹ năng được đào tạo, chị em phụ nữ đạt được kết quả tốt trong sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách.

* Ông Hoàng Tùng Lâm - Phó Trưởng ban Kinh tế, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam:

Tín dụng chính sách giúp chia sẻ tình đồng chí đồng đội, gắn kết tình làng nghĩa xóm

Việc sử dụng vốn chính sách góp phần xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng hội trong sạch, vững mạnh. Nguyên nhân là khi tổ chức thực hiện, chúng tôi phải tổ chức các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ đấy chính là cộng đồng dân cư, bao gồm cả hội viên, cả dân cư trong khu vực trở thành một nhóm thống nhất cùng hoạt động, chia sẻ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, sự quản lý của tổ chức hội gắn vào từng thôn bản. Hội viên của mỗi tổ rất đông, thấp nhất là 35 tổ viên, cao có thể là 55 - 60 tổ viên cùng bàn cách làm ăn, sử dụng vốn hiệu quả, quản lý vốn, cách tổ chức sản xuất kinh doanh. Chính hoạt động tổ này tạo được keo gắn kết giữa hội viên với hội, đoàn kết, hỗ trợ chia sẻ tình đồng chí đồng đội, tình làng nghĩa xóm và cộng đồng dân cư.

Chúng tôi cũng thường nhắc hội viên rằng, ưu đãi lãi suất chỉ là một. Những ưu đãi khác mới đáng quan tâm: Thứ nhất là được tiếp cận vốn một các dễ dàng nhất, công khai, minh bạch; Thứ hai là không phải thế chấp; Thứ ba là được hướng dẫn chỉ bảo vốn hiệu quả, nếu chẳng may có trục trặc trong quá trình sử dụng vốn lại được xem xét miễn giảm, khoanh nợ, gia hạn nợ, cao hơn nữa là xóa nợ. Hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà lại hiệu quả cao, NHCSXH thực sự là ngân hàng hết sức đặc thù mà chỉ chúng ta thực hiện được.

Đọc thêm