Ngân sách có trách nhiệm giới: Không phải cào bằng 50-50

(PLO) - Mặc dù Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã khẳng định cam kết của Việt Nam đối với vấn đề bình đẳng giới (BĐG) bằng việc thông qua các nguyên tắc BĐG trong việc lập và chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, để triển khai những quy tắc này, theo các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam vẫn cần có nhiều việc phải làm…
Chuyên gia  Craft Link hướng dẫn phụ nữ vùng cao tính toán giá thành sản phẩm. (Ảnh minh họa)
Chuyên gia Craft Link hướng dẫn phụ nữ vùng cao tính toán giá thành sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Chìa khóa bình đẳng giới 

Tại một Hội thảo mới đây về” Ngân sách có trách nhiệm giới” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Liên Hợp quốc về BĐG và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức, các chuyên gia nhận định: Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong BĐG bao gồm cải thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và bộ máy quốc gia về BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ.

Tuy nhiên, việc đạt được BĐG ở Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái và sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh vẫn là mối quan tâm lớn trong xã hội Việt Nam. Những thách thức về việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức, tác động của biến đổi khí hậu và giới hạn trong việc tiếp cận hệ thống an sinh xã hội đã ảnh hưởng đến cuộc sống của một tỷ lệ lớn dân số, phần lớn là phụ nữ và người nghèo.

“Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy một trong những giải pháp cho những thách thức này là lồng ghép giới vào quy trình xây dựng kế hoạch, lập dự toán ngân sách, thực hiện ngân sách và kiểm toán ngân sách của Chính phủ hay còn gọi là “ngân sách có trách nhiệm giới”. Đây là công cụ giải trình trách nhiệm chính để theo dõi và hỗ trợ thực hiện các cam kết về BĐG của Chính phủ…”- ông Aaron Batten, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của ADB phát biểu.

Đại diện ADB cũng cho biết, BĐG luôn là vấn đề trọng tâm trong chương trình hỗ trợ phát triển của ADB cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. “ADB trú trọng tới vấn đề này bởi vì việc phát huy tài năng và triển vọng kinh tế của phụ nữ là vô cùng cần thiết cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, hướng tới kết quả phát triển tốt hơn và tăng trưởng toàn diện hơn.”-ông Batten khẳng định.

Được biết, tổ chức này đã hỗ trợ giới thiệu phương pháp lập ngân sách có trách nhiệm giới ở Việt Nam thông qua một phần Chương trình Nâng cao Chất lượng Chi tiêu Công của ADB được khởi động ở Việt Nam từ cuối năm 2014. Báo cáo của UN Women Việt Nam cho biết, ở cấp toàn cầu, UN Women đã hỗ trợ cho hơn 60 quốc gia trong việc lập ngân sách có trách nhiệm giới. Ở Việt Nam, UN Women đã tiến hành các nghiên cứu và xây dựng năng lực cho các bên liên quan về lập ngân sách có trách nhiệm giới từ năm 2014.

Cần ưu tiên trọng tâm, trọng điểm…

Không chỉ trong Luật NSNN 2015, mà trong Luật Hỗ trợ DNNVV cũng có quy định hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ. Luật Thuế thu nhập DN đã ưu tiên về thuế cho các DN sử dụng nhiều lao động nữ... Tuy nhiên, thực tế chưa có dòng ngân sách riêng cho hoạt động BĐG, nguồn lực thực hiện các mục tiêu BĐG được lồng ghép trong nhiều chương trình, các khoản chi như: Chi quản lý hành chính, chi giáo dục, chi y tế, chi an sinh xã hội..., nên phân tán và manh mún.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, ông Nguyễn Minh Tân, nguồn lực chính là hạn chế lớn nhất trong công tác BĐG. “Kinh phí phân bổ từ ngân sách trung ương là không nhiều, song lại chủ yếu cho tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về BĐG, chưa bố trí đủ kinh phí theo yêu cầu của Chương trình quốc gia về BĐG. Cùng với đó, việc huy động nguồn lực ngoài NSNN còn hạn chế...”, ông Tân phát biểu.

Cũng theo địa diện Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, năm 2016, Chính phủ bố trí hơn 9 tỷ đồng cho dự án “Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về BĐG”. Năm 2017 kinh phí bố trí cho dự án này là hơn 19 tỷ đồng, nhưng phân bổ chậm trễ gây khó khăn cho việc triển khai ở các cấp trên toàn quốc. Nhiều địa phương chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí trên, ngân sách cấp huyện dành cho hoạt động này rất eo hẹp, trung bình khoảng từ 5 – 20 triệu đồng/năm, phần kinh phí cho xã khoảng 2 – 3 triệu đồng/năm.  “Do vậy, để tăng hiệu quả cho công tác này cần lựa chọn các mục tiêu ưu tiên và tập trung ngân sách để thực hiện, tránh tình trạng phân bổ dàn trải…”- ông Tân đề nghị.

Bà Phạm Thu Hiền, chuyên gia tư vấn của UN Women cũng  lưu ý: Ngân sách có trách nhiệm giới đơn giản là để nam giới và nữ giới được hưởng công bằng từ ngân sách công nhưng không phải là cào bằng ngân sách chia đều 50-50, không phải là các khoản chi tiêu giống hệt nhau giữa nam và nữ như kiểu cả nam và nữ đều có cùng số mét vải như nhau để may quần áo... mà là phải đảm bảo ngân sách đáp ứng nhu cầu của nam và nữ như nhau, được tiêu theo cách thức nhạy cảm giới.

“Lập ngân sách có trách nhiệm giới nhằm thay đổi cơ cấu phân bổ ngân sách và chính sách để nguồn lực xã hội được sử dụng theo hướng thúc đẩy BĐG. Và cũng có nghĩa là xem xét tác động  kinh tế - xã hội của ngân sách đối với phụ nữ và nam giới để điều chỉnh việc phân bổ phù hợp. “Ngân sách là công cụ chính sách”, việc thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới vừa tăng cường hiệu quả chi tiêu ngân sách, vừa giảm chi tiêu công bất hợp lý…”, bà Hiền nhìn nhận.

Ghi nhận Luật NSNN 2015 của Việt Nam  đã  đưa ra các nguyên tắc BĐG trong việc lập và chi tiêu NSNN, song Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam, bà Elisa Fernandez  cho rằng Việt Nam vẫn cần có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện những nguyên tắc này như nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế làm việc giữa cơ quan tài chính, kế hoạch và các bên liên quan cũng như phát huy hiệu quả tiếng nói từ các tổ chức xã hội dân sự trong việc giám sát các dịch vụ công cho các nhóm xã hội… 

Đọc thêm