Nông nghiệp “phòng thủ” với lũ lớn kéo về

(PLO) - Theo dự báo, năm nay lũ đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, nhiều vùng có thể bị ngập sâu, dễ gây ngập úng cây trồng, làm thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí thất thu.
Nông dân thu hoạch lúa bị nước lũ “tấn công”.
Nông dân thu hoạch lúa bị nước lũ “tấn công”.

Hôm qua (23/6), tại Cần Thơ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất vụ Hè Thu 2017 và triển khai kết hoạch sản xuất vụ thu đông, mùa 2017 tại Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Nông nghiệp “thất thường”, cánh đồng lớn gặp khó

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, trong vụ Hè Thu 2017 toàn vùng Nam bộ gieo sạ trên 1,7 triệu ha, giảm hơn 30.000ha so với năm trước và giảm nhiều ở các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Long An,… năng suất ước đạt 5,69 tấn/ha tăng hơn 3 tạ/ha, tăng 2,98 tạ/ha và sản lượng trên gần 10 triệu tấn, tăng hơn 300.000 tấn so với vụ Hè Thu năm 2016.

Nông nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định, thời tiết thất thường, mùa mưa chấm dứt trễ và trái mùa với lượng mưa lớn, nước rút chậm nên một có nơi việc tuân thủ mùa vụ, lịch thời vụ gieo trồng chưa được kiểm tra thường xuyên. Hiện trạng vườn cây ăn trái ở các tỉnh ven biển như Bến Tre, Sóc Trăng do bị ảnh hưởng của hạn mặn năm trước nên năng suất, chất lượng quả năm nay thấp hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, làm ảnh hướng đến sinh trưởng phát triển cây lúa đã làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng giảm so với vụ  Hè Thu năm trước do mùa mưa năm nay sớm hơn, lượng mưa nhiều hơn nên việc gieo trồng gặp nhiều khó khăn chưa mang tính ổn định, còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu, chưa tập trung thành vùng sản xuất lớn. Đầu ra sản phẩm chuyển đổi chưa đa dạng, manh mún, lệ thuộc vào mùa vụ và chưa hình thành vùng nguyên liệu, chưa tạo điều kiện bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Mô hình cánh đồng mẫu lớn được xác định là có nhiều lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhưng trong vụ Hè Thu 2017, diện tích cánh đồng mẫu lớn chỉ thực hiện được trên 100.000ha, giảm hơn 27.000ha. 

Để vụ Thu Đông thu được kết quả khả quan hơn, các đơn vị cần phải theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa để có kế hoạch chỉ đạo cụ thể. Việc sử dụng phân bón ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cần quan tâm và tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão. Đặc biệt chú ý đến vấn đề dư thuốc bảo vệ thực vật trong lúa gạo hàng hóa để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt cho việc xuất khẩu.

Tăng cường xây dựng đê bao nếu lũ lớn kéo về

Với dự báo năm nay có khả năng lũ sẽ về sớm và cao hơn các năm, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi cho biết, Tổng cục Thủy lợi đã yêu cầu các địa phương và các địa phương trong vùng ngập lũ có giải pháp xây dựng kế hoạch tu bổ hệ thống đê bao, bờ bao chuẩn bị cơ sở vật chất thủy lợi để đảm bảo vụ sản xuất Thu Đông hiệu quả theo kế hoạch Bộ và địa phương đặt ra. 

Bên cạnh đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ tháng 6 đến tháng 8 Nam bộ có lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 30% góp phần nâng cao mực nước trong mùa lũ. Quan điểm của Bộ NN&PTNT là ưu tiên sản xuất vụ Thu Đông ở những vùng an toàn đối với lũ, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra bằng những giải pháp đồng bộ về thời vụ, cơ cấu giống, hệ thống công trình đê bao, cống đập, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy…

Theo đó, đề nghị, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành tiếp tục theo dõi tính toán cân đối nguồn nước, dự báo tình hình lũ, ngập úng cục bộ quản lý chặt chẽ không để gieo trồng ngoài kế hoạch ở những khu vực nguồn nước không đảm bảo hoặc không an toàn. 

Đọc thêm