Sẽ đổi mới phương pháp đào tạo cán bộ hải quan

(PLO) - Thay vì đào tạo tập trung và đào tạo tại chỗ như hiện nay, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ bổ sung thêm hai hình thức đào tạo là đào tạo trực tuyến và đào tạo trên các mô hình giả lập. Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Kế hoạch đổi mới công tác đào tạo theo mô tả vị trí việc làm (VTVL) giai đoạn 2019-2021 đang được Tổng cục Hải quan xây dựng. 
Ngành Hải quan chú trọng đào tạo cả lý thuyết và thực tế. Ảnh minh họa
Ngành Hải quan chú trọng đào tạo cả lý thuyết và thực tế. Ảnh minh họa

Chú trọng cả chuyên môn và kỹ năng

Kế hoạch này xác định rõ mục tiêu nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), viên chức hải quan những kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu của VTVL được phân công thực hiện đáp ứng yêu cầu VTVL đã được quy định tại các khung năng lực VTVL do Tổng cục Hải quan ban hành. Đảm bảo chất lượng đội ngũ CBCC ở từng VTVL, đảm bảo yêu cầu chuyển đổi VTVL của CBCC hải quan theo tiêu chuẩn của từng VTVL. Đảm bảo việc đào tạo, bồi dưỡng theo đúng yêu cầu công việc và theo từng VTVL. 

Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hiệu quả của việc thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh khối lượng công việc tăng nhanh từ 10-20%, yêu cầu về năng lực trình độ CBCC ngày càng đòi hỏi cao nhằm đáp ứng tốc độ hiện đại hóa hải quan và môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, khắc phục những điểm còn thiếu và yếu của đội ngũ CBCC hải quan hiện tại, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về kỹ thuật nghiệp vụ và phương pháp quản lý hải quan ngang bằng với hải quan các nước tiên tiến trong khu vực. Mặc khác, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn chức danh lãnh đạo.

Đào tạo gắn chặt với công việc đảm nhận

Theo đánh giá của Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Hải quan), hiện nay theo mô hình đào tạo truyền thống, ngành Hải quan mới chỉ dừng lại ở việc đào tạo, bồi dưỡng các chương trình bắt buộc theo ngạch, theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, theo quy định các kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng các kỹ năng bổ trợ, mà chưa đào tạo theo yêu cầu kiến thức, kỹ năng được quy định tại khung năng lực VTVL. Trong khi đó trên thực tế, mỗi VTVL lại có những yêu cầu khác nhau để hoàn thành tốt công việc tại vị trí đó.

Nhận rõ được những hạn chế và để khắc phục tồn tại trong công tác đào tạo, trong giai đoạn tới đây, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và lấy ý kiến về kế hoạch để đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp và tài liệu giảng dạy cho phù hợp theo yêu cầu khung năng lực của từng VTVL, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng thực tiễn áp dụng cho từng nhóm VTVL. Để tiến hành đào tạo theo VTVL, việc xây dựng khung năng lực chuyên môn trên các lĩnh vực nghiệp vụ là vô cùng cần thiết.

Do đó, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành đầy đủ khung năng lực của VTVL, từ đó thực hiện rà soát, đối chiếu, đánh giá (bằng hệ thống đánh giá năng lực) với thực trạng năng lực của công chức, bản thân công chức và đơn vị quản lý sẽ xác định được yêu cầu từng loại kiến thức và kỹ năng cần bổ sung. Dựa vào các thông tin này, đơn vị quản lý và cá nhân công chức sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với những hình thức đào tạo phù hợp để bổ sung, hoàn thiện những năng lực theo yêu cầu khung năng lực của VTVL đang đảm nhiệm.

Không chỉ có thế, trong quá trình đào tạo theo VTVL, việc “học” sẽ được kết hợp với “hành”, những nội dung đào tạo gắn chặt với công việc CBCC được giao đảm nhận. Đào tạo với mục tiêu hỗ trợ học viên biết cách xử lý công việc chính xác, nhanh hơn, học viên thường xuyên có cơ hội áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn công việc đang đảm nhận.

Cũng theo Vụ Tổ chức cán bộ, việc đào tạo theo VTVL sẽ gắn chặt với hoạt động khác như bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm… Trước khi thực hiện một số nội dung quản lý cán bộ sẽ căn cứ vào khung năng lực của VTVL mới mà CBCC dự kiến sẽ đảm nhiệm thời gian tới để rà soát, đánh giá, xác định nhu cầu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng bổ sung các kiến thức, kỹ năng cần thiết theo VTVL để đảm bảo khi chuyển sang công tác tại vị trí mới, CBCC đã có năng lực cần thiết để thực thi công việc một cách hiệu quả.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, để triển khai kế hoạch đào tạo trên, Vụ Tổ chức cán bộ đã xây dựng cụ thể định hướng đối tượng đào tạo, nội dung đào tạo, khung chương trình đào tạo, trong đó xác định rõ nhu cầu đào tạo của ngành Hải quan trong giai đoạn 2019-2021… Những nội dung này được xác định dựa trên khung năng lực của các VTVL. 

Đặc biệt, Kế hoạch này coi trọng đổi mới về hình thức đào tạo. Thay vì đào tạo tập trung và đào tạo tại chỗ như hiện nay, trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhu cầu đào tạo ngày càng nhiều, tập trung chủ yếu vào việc đào tạo kỹ năng, Tổng cục Hải quan sẽ bổ sung thêm hai hình thức đào tạo là đào tạo trực tuyến và đào tạo trên các mô hình giả lập. Và để phát huy hết ưu thế của từng loại hình, tùy theo nhu cầu đào tạo của các đối tượng khác nhau, 4 hình thức đào tạo trên có thể được sử dụng kết hợp với nhau. 

Đọc thêm