Tái cấu trúc tài chính công: Tỷ lệ động viên vào NSNN từ thuế phí chưa bền vững

(PLO) - Khẳng định kết quả đạt được sau 3 năm tái cơ cấu tài chính công (TCC) là đã chặn đứng được đà giảm sút của việc huy động nguồn lực từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước (NSNN), song Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng thách thức lớn nhất vẫn là tỷ lệ động viên vào NSNN từ thuế phí vẫn chưa bền vững…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn

Với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam”, hôm qua (20/9), Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của 300 đại biểu từ các bộ, ban ngành, các tổ chức trong nước vào quốc tế, các trường đại học…

Diễn đàn nhằm tập hợp trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chủ thể, khách thể thụ hưởng và chịu tác động của các chính sách có liên quan trong và ngoài nước… để cùng thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu, các quan điểm để hình thành một hệ thống các luận cứ khoa học cho việc đề xuất, kiến nghị về tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, tái cơ cấu TCC để góp phần tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững là nhiệm vụ then chốt, quan trọng đối với lĩnh vực tài chính. Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, sau 3 năm tái cơ cấu TCC, đã đạt được những kết quả tích cực, đó là đã chặn đứng được đà giảm sút của việc huy động nguồn lực từ thuế, phí vào NSNN, đã phục hồi tỷ lệ động viên vào NSNN, tạo thuận lợi thương mại, tạo môi trường để huy động vốn đầu tư, chống chuyển giá, chống xói mòn thuế.

Bội chi được kiểm soát từ 5,12% GDP vào năm 2015 xuống còn 3,6% GDP năm 2016. Cùng với đó, nợ công được kiểm soát tốt hơn, cuối 2017, chỉ còn trên 61% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát dưới 50%. Cùng với đó tăng được tỷ trọng chi đầu tư phát triển, từ 21 - 22% đến nay đã đạt được 26 - 27%...

Bên cạnh đó là những cải cách quan trọng về thể chế. Theo đó, hệ thống luật pháp tài chính đã được xây dựng phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, trên cơ sở phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Một số luật quan trọng được ban hành trong thời gian qua như: Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN)… đã đáp ứng được các tiêu chí này.

Một trong những thành công trong quá trình tái cấu trúc nền TCC được Thứ trưởng Bộ Tài chính nhắc đến đó là những thành công trong cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính, trọng đó lĩnh vực thuế, hải quan, được các tổ chức quốc tế nhận định và đánh giá cao. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh những thành công, chúng ta cần nhìn nhận lại các thách thức, đặc biệt trong 3 năm tới để từ đó đề xuất những giải pháp, hướng đến một nền TCC phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Thứ trưởng đề cập tới 6 thách thức trong tái cấu trúc nền TCC của Việt Nam. Thách thức lớn nhất được đề cập tới là tỷ lệ động viên vào NSNN từ thuế phí mặc dù đã chiếm khoảng 27% GDP nhưng chưa bền vững. “Các khoản thu nội địa năm 2017 chiếm khoảng 82% tổng thu, song một bộ phận thu nội địa ở địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn” - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn luu ý.

Thứ trưởng cũng cho rằng cơ cấu về ngân sách tuy có chuyển biến nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng TCC và NSNN đang là thách thức lớn. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho rằng cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản trị và quản lý vốn nhà nước tại khu vực DN, sử dụng hiệu quả tài sản công quốc gia. Bên cạnh đó, dù nợ công đã được cải thiện, nhưng các khoản nợ dự phòng, những rủi ro về tỷ giá, nợ dự phòng bảo lãnh của Nhà nước đối với khu vực DN vẫn tiếp tục là thách thức lớn trong thời gian tới.

Thứ  trưởng cũng nhấn mạnh, cần xây dựng thể chế để giải quyết được thách thức lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là chi phí vốn khu vực DN. Đặc biệt, cần nâng cao kỷ luật kỷ cương tài chính, công khai, minh bạch về tài chính- ngân sách. Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đề nghị các diễn giả tham luận để có giải pháp về thể chế cũng như về tổ chức thực hiện, giải quyết những thách thức để đảm bảo mục tiêu tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam…

Đọc thêm