Tháng 10, nhiều doanh nghiệp sẽ được… “cởi trói”?

(PLO) - Nhiều điều kiện kinh doanh còn luẩn quẩn, vòng vo khiến doanh nghiệp  “méo mặt” hay việc cải cách chỉ mang tính hình thức là những vấn đề bức xúc mà doanh nghiệp đặt ra và Bộ Công Thương phản hồi ra sao khi vừa gây tiếng vang với 55,5% điều kiện kinh doanh được cắt bỏ? 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều thủ tục luẩn quẩn

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas tại tỉnh Khánh Hòa cho rằng, các quy định về thủ tục, điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương về lĩnh vực này đang rất luẩn quẩn, vòng vo khiến DN “vò đầu bứt tóc” cũng không thể đáp ứng được. Tương tự, một đại diện DN kinh doanh gas tại tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công Thương không nên đưa ra quy định cứng nhắc là phải có bao nhiêu vỏ bình gas thì mới được kinh doanh mặt hàng này mà phải dựa vào dân số địa phương, nếu không sẽ là làm khó DN ở các tỉnh lẻ. 

Liên quan đến nhiều thủ tục hành chính vẫn khiến DN phải khốn khổ khi đụng đến, bà Lê Thị Hồng Trinh, Chánh Văn phòng Ban Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân cho rằng, cần phải áp dụng mạnh các cơ chế công nhận lẫn nhau, công nhận hậu kiểm, kiểm soát rủi ro để giảm thiểu thời gian dành cho thủ tục hành chính giúp các DN có nhiều thời gian vào công việc kinh doanh, sản xuất hơn. 

Bà Trinh cũng mong muốn đối với một vài lĩnh vực cần phải cải cách ngay. Cụ thể, đối với với mảng logistic, trong năm nay Bộ Công Thương đã tham mưu được kế hoạch hành động, tuy nhiên trong quá trình triển khai thì Hiệp hội logistics cũng như các DN trong mảng này phản ánh quá trình triển khai chưa được Bộ đẩy mạnh, gần như chỉ mang tính hình thức. 

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ để chia sẻ thông tin và dữ liệu dùng chung giữa cấp Bộ với các sở; cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho các sở vì Bộ hiện nay đang ôm đồm quá nhiều giấy phép khiến cho các sở và DN bức xúc vì phải chờ đợi lâu; Rà soát để loại bỏ hoàn toàn các giấy phép nhập khẩu tự động vì nhiều hồ sơ trùng lắp với hồ sơ thông quan tại hải quan, mục tiêu không rõ ràng. 

Các DN cũng cho rằng, Bộ cần bãi bỏ thêm các điều kiện kinh doanh liên quan đến việc quy định quy mô DN; Hoặc những quy định chứng nhận về công bố hợp quy, hợp chuẩn cũng rất cần được chú trọng, nên thay đổi theo hướng để DN tự công bố, tự chịu trách nhiệm mà không cần các giấy chứng nhận, công bố của cơ quan nhà nước. 

Sẽ trình dự thảo “cởi trói” cho doanh nghiệp trong tháng 10

Ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) thừa nhận có nhiều vấn đề gây khó khăn cho DN, bởi DN không sợ thủ tục mà chỉ sợ thủ tục không minh bạch; Hoặc có những thủ tục được xem là rườm rà có thể có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây nhũng nhiễu cho người dân và DN nên Bộ cũng đang mạnh dạn xem xét, cắt bỏ. 

“Chúng tôi đã tính toán, việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính của Bộ đã giúp tiết kiệm được trên 4,3 tỷ/năm, dựa trên tính toán chi phí thời gian trung bình, chưa tính chi phí cơ hội”, ông Thưởng cho biết. Cụ thể, trong năm 2016, Bộ này bãi bỏ 6 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 33 thủ tục trong nhóm thương mại điện tử, hóa chất, rượu, năng lượng, an toàn thực phẩm… Đến thời điểm hiện nay, chỉ tính riêng con số thủ tục hành chính tại văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, Bộ Công Thương đã thực hiện đơn giản hóa 56 thủ tục trong số 452 thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Bộ đang chuyển dần việc quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. “Khi đã chuyển sang hậu kiểm thì chắc chắn Bộ không thể ôm xuể, phải phân cấp mạnh mẽ không chỉ ở mảng cấp giấy phép, do vậy, sắp tới đây, trách nhiệm của các địa phương sẽ nặng nề hơn”, ông Tân khẳng định. 

Về quy trình chứng nhận hợp quy, ông Tân cho biết, hoạt động này sẽ chuyển từ trách nhiệm kiểm tra công bố của cơ quan nhà nước sang việc DN tự đi xét nghiệm, kiểm tra, công bố và tự chịu trách nhiệm với kết quả công bố của mình. 

Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ và sửa đổi hoặc bãi bỏ những vướng mắc tại Nghị định 19/NĐ-CP cho DN kinh doanh khí; Cân nhắc bãi bỏ quy định về giấy xác nhận trong kinh doanh hóa chất, nhập khẩu ôtô theo Thông tư 20; Đồng thời phối hợp với Hiệp hội Dệt may tháo gỡ những bất cập trong việc kiểm tra mẫu vải quy định tại Thông tư 37… 

Hiện Vụ Pháp chế đang tập hợp ý kiến, xây dựng, chỉnh sửa để có thể ban hành dự thảo sớm nhất, dự kiến sẽ xong trong tháng 10 này. 

Đọc thêm