Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước

(PLO) - Để nâng cao năng suất vốn, hiệu quả sử dụng nguồn lực, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần phải quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước - nơi nắm giữ một nguồn vốn lớn của nền kinh tế nhưng việc sử dụng vốn chưa đem lại hiệu quả tương xứng, nhiều bất cập...
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Diễn đàn
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017 với chủ đề “Tăng năng suất - đòn bẩy cho phát triển bền vững” đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng qua (13/12). 

Nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn với Việt Nam 

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận việc nâng cao năng suất vẫn đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam dù trên thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng nội ngành kinh tế. Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng đã nêu bật một số nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo đó, để nâng cao năng suất vốn, hiệu quả sử dụng nguồn lực, Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, các thị trường tài chính theo hướng tăng quy mô, tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam cần phải quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước - nơi nắm giữ một nguồn vốn lớn của nền kinh tế nhưng việc sử dụng vốn chưa đem lại hiệu quả tương xứng, nhiều bất cập và cho biết Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục rà soát và hoàn thiện cơ chế sử dụng các nguồn tài nguyên, phân bổ vốn đầu tư công trên cơ sở nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế - xã hội.

Để cải thiện năng suất lao động, theo Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, nguồn lực xã hội đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động, giúp người lao động có thể phát triển sinh kế, làm chủ được sự nghiệp của bản thân, có động cơ làm việc tốt hơn, phát huy tối đa sức sáng tạo. Việt Nam cũng đang chủ động hội nhập quốc tế trên tinh thần phát huy nội lực, vượt qua thách thức, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới. 

Mô hình cũ không còn phù hợp

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành công, trong đó, sau nhiều năm, cả 13 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao dự kiến đều đạt và vượt. Nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, GDP năm 2017 ước đạt 6,7%. Tuy nhiên, ông Dũng cũng chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đang chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động và khai thác tài nguyên.

Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. “Mô hình cũ không thể giúp chúng ta gia tăng tốc độ tăng trưởng một cách nhanh chóng và bền vững. Để nâng cao mức sống cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, tăng năng suất chính là chìa khóa của tăng trưởng bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cũng tại phiên khai mạc Diễn đàn, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, trong 5 năm qua, đặc biệt là sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, Việt Nam đã có sự hồi phục đáng khích lệ về tăng trưởng.  Song, việc năng suất lao động vẫn tiếp tục tăng với tốc độ thấp là một vấn đề cần quan tâm. “Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ vào khoảng 4%, so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc ở vào thời điểm những nước này có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore”, ông nhận định. 

Cho rằng câu hỏi làm thế nào để Việt Nam khắc phục trở ngại về năng suất lao động, làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam tăng được năng lực sản xuất với cùng một mức đầu vào là “câu hỏi đơn giản nhưng để tìm được câu trả lời không hề dễ dàng”, ông Dione nhận định việc cải thiện hiệu quả phải được thực hiện trong từng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực và muốn vậy “phải có thể chế thị trường hiệu quả và sự hỗ trợ của Nhà nước”. 

Đọc thêm