Tìm phương thức giải quyết tranh chấp bảo hiểm

(PLO) - Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, các vụ việc tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) tại Việt Nam cũng ngày càng gia tăng về số lượng vụ việc và ngày càng phức tạp về nội dung, với nhiều nguyên nhân khác nhau, đòi hòi có phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả…
Tìm phương thức giải quyết tranh chấp bảo hiểm

Thị trường càng phát triển, tranh chấp càng gia tăng

Phát biểu tại Hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - Phương án khả thi” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với phối hợp với Hiệp hội BH Việt Nam (IAV) tổ chức hôm 17/7, ông Bùi Gia Anh - Tổng Thư ký IAV chia sẻ, hiện tranh chấp trong hoạt động BH đang được các doanh nghiệp (DN) hội viên quan tâm nhiều hơn bởi cùng với sự tăng trưởng của thị trường thì sẽ có sự gia tăng của các tranh chấp và các vụ tranh chấp cũng ngày càng phức tạp hơn.

“Giải quyết được những tranh chấp này thì mới có thể hoàn thành thủ tục bồi thường BH và càng thực hiện nhanh chóng thì càng đạt được mục tiêu của BH và tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm BH…” - ông Anh phân tích.

Số liệu Cục Quản lý BH (Bộ Tài chính) công bố năm 2017 cho thấy thị trường BH phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng bền vững, với tổng doanh thu phí BH ước đạt 40,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,61% (so với năm 2016). Không có số liệu thống kê về số vụ liên quan đến tranh chấp HĐBH, song theo bà Phạm Thanh Hải - Trưởng ban bán chuyên trách Pháp chế phi nhân thọ của IAV, qua quá trình công tác tại một trong những DN BH lớn nhất Việt Nam, dưới góc độ một luật sư đã trực tiếp theo dõi, tham gia giải quyết rất nhiều vụ việc tranh chấp HĐBH đã phát sinh trong nhiều năm qua, cũng như thông qua quá trình hợp tác, làm việc và trao đổi nghiệp vụ cùng các chuyên gia pháp lý và các luật sư đồng nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực, có thể khẳng định rằng cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường BH Việt Nam, các vụ việc tranh chấp HĐBH tại Việt Nam cũng ngày càng gia tăng về số lượng vụ việc và ngày càng phức tạp về nội dung với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo bà Thủy, những tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoặc có liên quan đến HĐBH (tranh chấp HĐBH) thường phát sinh trong các nhóm nội dung chủ yếu như: Tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí BH đúng và đầy đủ;  Tranh chấp về hiệu lực của HĐBH;  Tranh chấp về phạm vi BH và/hoặc điều kiện loại trừ trách nhiệm BH; Tranh chấp về mức độ tổn thất. Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh doanh BH còn có một loại tranh chấp đặc thù đó là tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu Người thứ ba bồi hoàn cho DN BH số tiền mà DN BH đã bồi thường cho nguyên đơn BH.

Cần những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt

“Tranh chấp ngày một gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất đòi hỏi  phải có những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN khi tham gia các quan hệ HĐBH...” -  Luật sư Phan Trọng Đạt – Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC đặt vấn đề. 

Luật sư Võ Nhật Thăng, Trọng tài viên VIAC đã dẫn một trường hợp tranh chấp liên quan đến HĐBH xảy ra trong thực tế: Tàu cá gặp tổn thất vì thời tiết, nhà giám định được DN BH chỉ định lại cho rằng “tàu không đủ khả năng đi biển, bên giám định khác khẳng định tàu đủ khả năng… Tòa án lại chỉ căn cứ vào kết quả giám định mà DN BH chỉ định. Cứ thế, tranh chấp giữa DN tàu cá và DN BH kéo dài, ngày một phức tạp hơn… ”, Luật sư Thăng  phát biểu.

Theo Luật sư, quy định của pháp luật cho phép DN BH được chỉ định nhà giám định và chi phí giám định do DN BH chi trả. Trường hợp người mua BH không đồng ý với kết quả giám định thì các bên được độc lập chỉ định nhà giám định và tiến hành giám định độc lập. Đã có trường hợp hai công ty giám định đưa ra hai kết quả giám định không giống nhau. Vấn đề này, ở Tòa, thẩm phán hoàn toàn có quyền xem xét các kết quả giám định và quyết định sử dụng kết quả giám định nào mà Tòa án cho là hợp lý hơn. 

Bà Phạm Thanh Hải cho biết, kinh doanh BH là ngành đặc thù, rủi ro. Phí BH không lớn nhưng số tiền bồi thường lớn với các điều khoản phức tạp. Có những DN có hàng ngàn sản phẩm BH. Bà Hải cũng cho biết, việc giải quyết tranh chấp BH liên quan tới Toà án đa số kéo dài từ 3-5 năm. Thậm chí, có một số vụ việc, thời gian xử lý kéo dài đến 10 năm vẫn quay đi sơ thẩm, về phúc thẩm. 

“Với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực BH để giúp các bên phân xử, trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp BH, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho các DN và cộng đồng…” - Luật sư Đạt chia sẻ.

Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp dù các bên “đem nhau ra Tòa” thì vụ án vẫn bế tắc, hoặc cố giải quyết được cũng “bên thắng, bên thua”, trong khi với phương thức giải quyết bằng hòa giải hay trọng tài, cho dù bên phải bồi thường bên được nhận bồi thường, nhưng quan hệ vẫn giữ được uy tín và danh tiếng không bị ảnh hưởng – đó chính là một trong những lợi thế của hòa giải thương mại.

Với việc ra mắt và  đi vào hoạt động VMC trực thuộc VIAC hôm 29/5 vừa qua, ông Đạt cho biết, tại VIAC, DN có 2 sự lựa chọn:  dịch vụ trọng tài và dịch vụ hoà giải. “VMC nhận được nhiều câu hỏi về quy trình thủ tục và hướng dẫn thủ tục tranh chấp. Trong đó, hòa giải trong tố tụng trọng tài phổ biến hơn, số vụ nhiều hơn…” - ông Đạt cho hay.

Thực tế cho thấy, trong số các vụ tranh chấp BH giải quyết bằng trọng tài tại VIAC có một số vụ tranh chấp không kết thúc bằng một phán quyết trọng tài mà bằng một biên bản hòa giải thành… Ông Đạt chia sẻ: “Từ đó có thể hiểu, các bên trong thủ tục trọng tài cũng đã thấy được sự ưu việt của một kết quả hòa giải thành và nỗ lực hòa giải với nhau…”.

Đọc thêm