Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp: Cán bộ trẻ cần thay đổi tư duy “sợ trách nhiệm”

(PLO) - Ngày 15/12, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2015 – 2020, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra Hội nghị đối thoại về các yêu cầu đối với công tác tư vấn pháp lý cho DN.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

GS.TS. Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN Lê Hồng Hạnh và Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Hồ Quang Huy đồng chủ trì Hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, Bí thư Đoàn Hồ Quang Huy cho biết, một trong những chủ trương lớn của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI vừa qua là đẩy mạnh các hoạt động gắn công tác đoàn với công tác chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, có các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp, giúp thanh niên nhận thức các kiến thức pháp lý, tăng cường các kỹ năng cần thiết phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Về phía Bộ Tư pháp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cũng có nhiều hoạt động gắn với chủ trương chung của Chính phủ để cùng góp phần tạo sức mạnh tổng lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và Hội nghị là một trong những hoạt động đó. 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng ngày, từng giờ tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta cùng với chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN. Ông cũng ghi nhận và biểu dương Đoàn Thanh niên Bộ đã tích cực, chủ động, thể hiện tinh thần xung kích của thế hệ trẻ trong việc tham mưu công tác về xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Với tinh thần nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, ông Tinh đề nghị các đại biểu tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 35-NQ/CP về việc hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho DN. Ngoài ra, phải tăng cường sự liên kết, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trong việc đồng hành cùng DN, trong đó Đoàn Thanh niên Bộ cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm tham mưu với Lãnh đạo Bộ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN và trách nhiệm là tổ chức của thanh niên luôn tiên phong trong công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực của các công chức, viên chức trẻ… 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đối thoại thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đề xuất các vấn đề mới phát sinh và gửi về Bộ Tư pháp tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ. Các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm một cách cởi mở và tập huấn các kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả kỹ năng tư vấn pháp lý của đội ngũ công chức, viên chức trẻ, đáp ứng những thách thức, yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, trong bối cảnh hiện nay rất cần quan tâm, hỗ trợ để DN phát triển và đây là cơ hội cùng thảo luận cách thức tư vấn pháp lý hiệu quả cho DN. Đồng tình với khó khăn của DN về vốn, công nghệ, quản trị nhưng ông Hạnh cho rằng những điều này là chưa đủ bởi điểm cốt lõi phải là thể chế - vốn đang hạn chế sự phát triển của DN, nhất là DN nhỏ, siêu nhỏ. “Khai thác được thể chế, DN mới phát triển được. Muốn vậy, cần người có khả năng dẫn dắt các DN ra khỏi mê hồn trận về thủ tục hành chính, giấy phép, điều kiện kinh doanh. Để giúp DN thì tư vấn của các bạn trẻ rất quan trọng đối với DN và hoàn toàn có thể làm được” – ông Hạnh khẳng định và gợi ý các đoàn viên, thanh niên lập nhóm, diễn đàn qua mạng xã hội kết nối cả những người có thể giúp các bạn trẻ hỗ trợ DN.

Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu quan niệm, trong công tác tư vấn pháp lý cho DN, các bạn trẻ cần thay đổi tư duy “sợ trách nhiệm”, tư duy “trách nhiệm gắn với lương thưởng”. Khi tư vấn để góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý cho DN, thanh niên không nên lo “mình trả lời thì DN sẽ lách luật” bởi ông Hiếu cho rằng, lách luật không xấu mà cái xấu là vi phạm pháp luật, đồng thời không sợ bị “gài bẫy”. Với DN, theo ông Hiếu, về lâu dài các DN phải tính chi phí cho hoạt động tư vấn về pháp lý, phát triển, giải quyết tranh chấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình cũng như không hành chính hóa mối quan hệ của mình với cơ quan nhà nước.

Đọc thêm