Xây dựng Đề án Vị trí việc làm (Bài 2): Nhiều địa phương tìm cách hợp thức hóa công việc

(PLO) - Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, nhìn một cách tổng thể thì đến nay, việc xác định vị trí việc làm (VTVL) đối với công chức, viên chức (CCVC) chưa đạt được những yêu cầu đã đặt ra. Tất cả nội dung quan trọng của VTVL như mô tả công việc, xác định khung năng lực, đặc biệt các tiêu chí đánh giá để trên cơ sở đó xác định số biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập chưa tốt. Thậm chí, các đơn vị, cơ quan thường chia nhỏ nhiệm vụ công việc được giao để hình thành các tổ chức trực thuộc.
Hình minh họa
Hình minh họa

Chia nhỏ nhiệm vụ được giao

Tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Đề án VTVL do Bộ Nội vụ tổ chức mới đây, đại diện các đơn vị đã chỉ ra nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng và triển khai Đề án. Theo Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai xây dựng Đề án này từ tháng 9/2016 đến cuối năm 2017. Tuy nhiên, xem xét các kết quả xây dựng Đề án, Ban Tổ chức Trung ương nhận thấy có thực trạng là tuy cùng thực hiện quy định về chức năng, nhiệm vụ do Ban Bí thư giao nhưng các địa phương xác định VTVL cho kết quả khác nhau, chỉ có khoảng 60% các địa phương xây dựng từ 146 đến 180 VTVL. 

Ban Tổ chức Trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới tình trạng này, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ công tác tổ chức. Theo đó, các đơn vị, cơ quan thường chia nhỏ nhiệm vụ công việc được giao để hình thành các tổ chức trực thuộc. Cùng với đó là quan điểm xác định VTVL để giao biên chế, dẫn tới không thể áp dụng cơ chế thống nhất về đổi mới quản lý công chức với VTVL nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và tinh giản biên chế đúng với chủ trương của Đảng.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng và triển khai thực hiện Đề án VTVL có tính khả thi không cao, khó thực hiện. Việc xây dựng khung năng lực của VTVL cũng mang tính chất định tính và bị chi phối bởi số lượng, chất lượng, kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có. Do đó, khi xây dựng Đề án ở các bộ, ngành, địa phương có hiện tượng căn cứ vào biên chế hiện có để mô tả, hợp thức hóa các công việc đang thực hiện và căn cứ vào khối lượng công việc để đề xuất bảo toàn số lượng biên chế hiện có chứ chưa hoàn toàn xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ để lựa chọn cán bộ, công chức. 

Cùng băn khoăn, ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng – cũng cho rằng, có không ít đơn vị khi xây dựng đề án mô tả VTVL có tâm lý muốn tăng thêm hoặc giữ nguyên biên chế nên chưa mô tả hết thực chất, tính chất công việc của từng VTVL, công chức kê khai không đúng tỉ lệ thời gian thực hiện công việc của mình do lo sợ bị giảm biên chế. Ông Đồng cũng cho rằng, với yêu cầu quản lý biên chế, tinh giản biên chế như hiện nay thì việc đảm bảo biên chế theo VTVL đã được phê duyệt cũng trở nên khó khăn.

Thậm chí, theo một số báo cáo, ở một số địa phương, đơn vị, nếu bố trí người đúng theo danh mục VTVL thì số lượng biên chế còn tăng thêm. Thí dụ, tỉnh Đồng Nai xác định VTVL theo nguyên tắc giữ nguyên biên chế (trừ trường hợp thành lập mới hoặc tăng nhiệm vụ), nhưng qua rà soát, thẩm định, sau khi xây dựng Đề án VTVL, số lượng biên chế tăng hơn 2.500 người so với trước đây.

Trao đổi với PLVN, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an - Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất đúng. Song, để đảm bảo thực hiện xác định VTVL đúng chủ trương, nguyên tắc đã đề ra thì cần phải có sự chuẩn hóa để tránh việc “đối phó”. “Ví dụ phải quy định một xã 2 vạn dân thì có mấy biên chế, xã miền núi thì phải khác xã miền xuôi. Cái này nếu làm không khéo thì có tình trạng đối phó, có khi lại đi ngược lại mong muốn”, Tướng Cương nhận định. 

Biên chế ít hơn, làm sao để cho thôi việc?

Đặc biệt, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, trong điều kiện bố trí sử dụng công chức trong các cơ quan như hiện nay, về cơ bản chưa thể xác định một cách khoa học chính xác số biên chế cho một VTVL cũng như biên chế của cơ quan địa phương. Bởi, để xác định được biên chế cần làm rõ các thông số như số lượng và các loại công việc, mức độ phức tạp của từng công việc, quy trình thực hiện, năng suất lao động bình quân… để thực hiện từng công việc cụ thể của một VTVL.

Cho đến nay, phần lớn các cơ quan chưa ban hành được các quy trình thực hiện và chưa xác định được năng suất lao động bình quân của từng công việc. “Nhưng giả sử thời điểm này xác định được biên chế của 1 tổ chức ít hơn số công chức hiện có, với cách thức sử dụng, đánh giá công chức như hiện nay thì khó chỉ ra được công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc còn hạn chế năng lực để buộc họ chấp nhận thôi việc theo quy định nếu họ không vi phạm kỷ luật đến mức buộc thôi việc”, đại diện Ban Tổ chức Trung ương phân tích.

Từ phát hiện trên, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị, về nguyên tắc khi áp dụng cần có cơ chế chính sách phù hợp cho 3 khả năng xảy ra khi bố trí sử dụng công chức theo VTVL. Khả năng thứ nhất là công chức hàng năm liên tục được đánh giá hoàn thành công việc và được điều chuyển hoặc phân công lại để đảm nhiệm hết các công việc của VTVL chuyên môn; nếu có đủ tiêu chuẩn điều kiện và năng lực phù hợp có thể được bố trí đảm nhiệm công việc của một VTVL chuyên môn của ngành công chức cao hơn.

Khả năng thứ hai là công chức đó 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ hoặc một năm không hoàn thành nhiệm vụ và một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế thì có thể xem xét cho thôi việc theo quy định hiện hành. Khả năng thứ ba là trong tổ chức, VTVL chuyên môn đó không có công việc, do đó có thể tùy theo khối lượng công việc của các VTVL chuyên môn có ngạch thấp hơn của tổ chức để điều chuyển, đồng thời xếp lại ngạch công chức tương ứng với VTVL đó hoặc cho thôi việc dạng giảm tinh giản biên chế.

Bình luận về vấn đề trên, Tướng Lê Văn Cương cho rằng đây là một công việc “khó” và đặt ra yêu cầu công tác cán bộ phải làm công khai. “Ví dụ ở cấp xã, thường vụ, Đảng ủy xã, ủy ban nhân dân xã phải công minh. Đang từ 5 người xuống còn 2, 3 người thì phải công khai lý do giữ người này, người kia lại. Nếu lãnh đạo làm công bằng, công khai, chú ý công tác làm tư tưởng thì mọi người sẽ hiểu được rằng mình nghỉ như thế là phải, rằng mình từ trưởng phòng xuống phó phòng cũng phải. Việc này nếu làm lơ mơ là có thể “chạy” và để “chạy cổng sau” thì nguy. Cho nên, yêu cầu đặt ra là hơn lúc nào hết công tác cán bộ phải minh bạch, phải công khai, phải dựa vào dân”, ông Cương nói. 

Ông Cương cũng gợi mở rằng, với trường hợp cần giảm biên chế, lãnh đạo, cấp ủy cơ quan phải họp toàn bộ cán bộ chủ chốt trong đơn vị đó, bàn tính kỹ, “phân tích tại sao để ông này không để ông kia”, rồi bỏ phiếu lựa chọn.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn – Trưởng ban Dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang: Ở Hà Nội hay các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì đề án VTVL đáp ứng được khoảng 80% vì cán bộ ở đây đều được đào tạo cơ bản. Nhưng ở những tỉnh như Hà Giang, Đề án VTVL mới đạt mức khoảng 60%. Trong 40% còn lại thì có 20% liên quan đến đặc thù của vùng, bao gồm điều kiện vị trí địa lý và điều kiện để nâng cao năng lực.
“Ví dụ việc sắp xếp một cán bộ vào vị trí lãnh đạo của một huyện đòi hỏi cán bộ phải có trình độ văn hóa cao học, trình độ chuyên viên chính, phải có bằng cao cấp lý luận chính trị. Khi sắp xếp vị trí thì phải tra soát tất cả các tiêu chí theo Đề án để xem có đáp ứng được không. Nhiều người cũng gặp khó khăn khi họ không được quan tâm bố trí cho đi học tập nâng cao trình độ, năng lực và cũng không có điều kiện để tự đi học”, ông Toàn nói và cho rằng, để sắp xếp VTVL đảm bảo đúng người, đúng vị trí đòi hỏi phải cân bằng, có phần riêng cho vùng để rút ngắn khoảng cách.

Đọc thêm