Không nên để 'câu chuyện Sơn Trà' gây rắc rối đến đời sống chính trị Đà Nẵng

(PLO) - Đó là ý kiến của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khi phát phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến cúa các vị đại biểu HĐND ngày 7/12.

“Người dân đừng để bị kích động”

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhắc lại "câu chuyện Sơn Trà" đang được dư luận quan tâm. Ông Thơ nhấn mạnh, đầu tư trên Sơn Trà diễn ra rất lâu, đã được cấp phép, giao đất và thực hiện các thủ tục đầu tư từ năm 2015.

Sau khi có ý kiến của người dân và ý kiến của Trung ương, hiện nay, thành phố thực hiện xong các báo cáo, đề xuất để gửi Chính phủ. Đà Nẵng cũng đã đề xuất giảm, cắt giảm nhiều dự án đầu tư trên Sơn Trà, loại bỏ bớt yếu tố cư trú. 

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu

“Đây là sự nỗ lực không nhỏ của Đà Nẵng bởi câu chuyện thuộc về lịch sử. Vấn đề bây giờ, Đà Nẵng đã và đang tập trung giải quyết trên tinh thần cầu thị, “bảo tồn đi đôi với phát triển” như mục tiêu bào cáo trước đây”, ông Thơ nói

Đặc biệt, ông Thơ kêu cho rằng: "Không nên lợi dụng Sơn Trà để cho rằng chính quyền "lợi dụng làm bậy bạ". Việc giao đất, cấp đất sai trái  như thế nào đã được Thanh tra chính phủ vào cuộc. Người dân cũng không nên dựa vào các thông tin trái chiều trên mạng xã hội rồi quy chụp và để bị kích động". 

Ông Thơ đơn cử, vụ việc Công ty Cổ phần đầu tư Tiên Sa xây lại kè để bảo vệ đất, tránh tình trạng sạt lở nhưng mới đây, có người đưa lên mạng “rao rêu” dự án tái khởi động. Luồng dư luận theo đó đã suy diễn “thành phố dung túng, bao che… cho dự án”. 

"Không nên để Sơn Trà gây rắc rối đến đời sống chính trị của chúng ta", Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói. “Ai sai người nấy chịu. Sai phạm tới đâu, đã được nêu rõ và xử lý. Chúng ta cần có sự thống nhất cao, đừng để thông tin xuyên tạc, chi phối". 

Tiến tới đình chỉ cán bộ nếu để xảy ra sai phạm

Liên quan đến vấn đề xây dựng trái phép, ông Thơ thông tin, bản thân chủ tịch thành phố cũng chịu áp lực rất nhiều. “Các đây 4 ngày, có người tới nhà tôi tố cáo ở nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) đang chia lô, bán đất, lấn chiếm đất công, lấn chiếm vệt cây xanh. Rồi cách đây khoảng 1 tháng, tôi đi kiểm tra và phát hiện hàng chục nhà xây dựng trái phép ở quận Liên Chiểu”, ông Thơ kể.

Ông Thơ không muốn đơn cử thêm vì “nhiều quá”. Qua vụ việc này, ông Thơ yêu cầu huyện Hòa Vang, Liên Chiểu tiến hành xử lý nội bộ. “Không đủ năng lực điều hành thì phải chịu trách nhiệm. Đà Nẵng cần tiến tới đình chỉ công tác cán bộ. Làm như vậy, để thấy chúng ta cương quyết, không dễ giải trong vấn đề xử lý sai phạm”, ông Thơ nhấn mạnh.

Đà Nẵng cần tiến tới hình thức đình chỉ cán bộ công tác nếu để xảy ra sai phạm
Đà Nẵng cần tiến tới hình thức đình chỉ cán bộ công tác nếu để xảy ra sai phạm

Trong vấn đề xây dựng đô thị đất đai, ông Thơ thừa nhận, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp sang “mục đích khác”, đã “hô biến” nhiều khu thành đất ở. Việc này còn có sự thông qua việc “ký lui, lý tới” rất phổ biến những năm trước đây và bây giờ  vẫn còn. Do đó, ông Thơ nhận thấy, quản lý ở cơ sở địa phương rất quan trọng.

Về vấn đề mở lối xuống biển được cử tri Ngũ Hành Sơn phản ánh thời gian qua, ông Thơ nêu, đã liên hệ với đơn vị đầu tư nhưng việc thương lượng không có kết quả nên thành phố phải đi xin từng chủ đầu tư để thực hiện. 

Đối với lối Furama và Ariyana (Ngũ Hành Sơn), chủ đầu tư không chịu chia cắt. Tuy nhiên, vị trí này là cống nước công cộng, nên thành phố phải làm để vừa mang lợi ích cho người dân, vừa tính đến sự hài hòa trong khu du lịch này.

Đối với đường Hồ Xuân Hương, những năm trước, thành phố đã giao đất và không thu tiền sử dụng đất, sau đó còn cho phép xây dựng và làm bãi đổ xe, làm cổng chào. Ông Thơ chia sẻ với bà con cử tri về điều này và hứa cố gắng đáp ứng yêu cầu của bà con.

Đọc thêm