Tháo 'chốt' cho phụ nữ

(PLO) - Đã là năm thứ 16 của thế kỷ 21, tuy nhiên nếu đi bất kỳ vùng nông thôn nào của Việt Nam, hỏi bất kỳ người phụ nữ làm nông nghiệp nào cũng có thể thấy một thực tế: họ chỉ học hết phổ thông (thậm chí chỉ hết cấp 2) vì cha mẹ quan niệm con gái làm nông không cần học nhiều; rất muốn học nghề, tìm nghề để thoát khỏi việc nhà nông hoặc làm nông nghiệp theo hướng hiện đại nhưng không biết bắt đầu từ đâu vì không được đào tạo… 
Những quy định đối với lao động nữ đã có trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Bình đẳng giới… nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập.
Những quy định đối với lao động nữ đã có trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Bình đẳng giới… nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập.

Cán cân bình đẳng vẫn lệch trong cơ cấu lao động

Thực tế này cũng phù hợp với kết quả khảo sát của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc (UN Women) và Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), theo đó, hiện nay hơn 70% lao động nữ nông thôn ở Việt Nam không có khả năng tiếp cận đào tạo nghề do hạn chế về trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp...  khiến cho có rất ít phụ nữ đang giữ các vị trí ra quyết định trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. 

Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa nhanh và sức ép của việc thu hẹp đất đai canh tác, không có nghề phụ đã khiến cho mức di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng lên. Ước tính cả Hà Nội và TP HCM có hơn triệu lao động nữ tràn về để tìm việc làm.

Lao động nữ di cư ở Việt Nam có độ tuổi khá trẻ với hơn 60% phụ nữ có độ tuổi từ 15 đến 29; và 1/3 phụ nữ di cư lần đầu tiên khi còn ở độ tuổi 15-19. Điểm chú ý là phụ nữ lao động di cư hầu như chưa được qua đào tạo nghề hay chuyên môn, nghiệp vụ gì: chỉ có dưới 10% được đào tạo ở bậc trung cấp, số còn lại mới chỉ tốt nghiệp phổ thông. Lao động nữ di cư chịu đủ mọi thiệt thòi vì phần lớn họ ra thành phố làm việc theo quan hệ thỏa thuận, không theo quy định giờ giấc, không có chế độ bảo hiểm y tế, nhiều trường hợp bị chủ nhà ngược đãi hoặc lạm dụng. 

Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ lao động nữ duy trì ở mức cao chiếm 48,3% trong tổng số lực lượng lao động của cả nước, tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt 24,9%. Số liệu thống kê của Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2016, giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động (lao động nữ chiếm 48%); 46% lao động nữ được học nghề theo các đề án, chương trình; Quỹ Quốc gia về việc làm hỗ trợ việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nữ khu vực nông thôn, với tổng vốn trên 5.040 tỉ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000 – 2.500 tỉ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động/năm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động – việc làm vẫn gặp phải một số khó khăn, thách thức như: một số quy định phân biệt đối xử đối với nữ về quy định tuổi nghỉ hưu, danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ; chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm sau học nghề chưa xóa bỏ được định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành, nghề đào tạo; chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ còn nhiều vướng mắc trong thực tế; nhiều chính sách trong lĩnh vực lao động - việc làm chưa được lồng ghép giới đầy đủ và hiệu quả...

Bên cạnh đó, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng; tỉ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm 44,6% trên tổng số 1.117.000 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp; tỉ lệ LĐN có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm 57,2% trong hơn 592.000 quyết định trợ cấp...

Bình đẳng giới trong lao động còn nhiều ngổn ngang

Ở góc độ pháp luật, nhìn chung các chính sách cho lao động nữ của Việt Nam tương đối đầy đủ. Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới và đảm bảo quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản qui phạm pháp luật được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Từ năm 2010 đến nay đã có 40 đạo luật được lồng ghép giới và hàng loạt văn bản dưới luật được xem xét lồng ghép giới, đồng thời được xây dựng và thông qua. Thực hiện các chương trình, chính sách dự án về bình đẳng giới hướng tới sự phát triển bền vững của quốc gia vẫn  được coi là giải pháp hiện hữu nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực. Năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam có “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, những quy định đối với lao động nữ đã có trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Bình đẳng giới… nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập và chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và còn thiếu lực lượng giám sát thực thi chính sách. Năm 2016, trong một cuộc hội thảo về chính sách giới và lao động việc làm do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Bà Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội đã nhấn mạnh việc “Hãy tháo “chốt” cho phụ nữ!”, vì theo bà ngay trong chính sách vẫn còn nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải cân nhắc để xem xét trên phương diện bình đẳng giới.

“Bình đẳng giới còn nhiều ngổn ngang. Ai cũng biết là “chốt” ở đâu nhưng có mở “chốt” hay không mới là quan trọng. Đơn cử như vấn đề về tuổi nghỉ hưu hay vấn đề bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức, nơi mà lao động nữ chiếm tỉ lệ lớn… Chúng tôi thường nói những điều đó là “glass ceiling - bức tường vô hình”, nhưng có lẽ đó đang là “bức tường xi măng” - bà Lan Hương cho hay. 

Thực tế cho thấy việc hội nhập của Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN một mặt nào đó phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng và không đạt được lợi ích đầy đủ về việc làm và mức lương. Vì thế, rà soát tình hình thực hiện lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm trong ASEAN, các thách thức và khó khăn trong quá trình thực hiện; xây dựng danh mục đánh giá nhằm xác định việc thực hiện lồng ghép giới vào lao động và việc làm của các quốc gia thành viên… là những việc làm cần thiết và cũng là mục tiêu của cuộc hội thảo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 5/10, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Theo những đại biểu tham dự hội thảo, để đối mặt với câu chuyện hội nhập kinh tế Việt Nam cần có chế độ đào tạo việc làm cho phụ nữ. Cần có những ứng xử ưu tiên đối với phụ nữ, ưu tiên thuế đối với những công ty sử dụng nhiều lao động nữ, cần tăng cường hơn khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ, đầu tư hạ tầng xã hội và chính sách để giúp phụ nữ tham gia nhiều vào những công việc có hiệu quả cao và thu nhập tốt. Cần phải có những đối thoại công tư cho các lĩnh vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động về bình đẳng giới để thu được nhiều sáng kiến cũng như bằng chứng để thực hiện chính sách. Chính phủ phải bảo đảm ngân sách thực hiện, cơ chế mở rộng hơn để thu hút bộ phận tư nhân, tổ chức phi chính phủ tham gia toàn lực, hỗ trợ, đóng góp cho lĩnh vực này…

Như vậy, vấn đề giới là quan trọng và tiếp tục là ưu tiên của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và tất nhiên, bình đẳng giới với tính thực chất không nằm riêng rẽ mà tiếp tục được lồng ghép trong các chính sách. Tuy nhiên, quan trọng hơn cần giám sát tốt để đảm bảo hiệu lực thực thi trong thực tế. Hệ thống các cơ quan quản lý lao động ở địa phương; hiệu quả của chính quyền địa phương mới là yếu tố đảm bảo cho việc hiện thực hóa trên thực tế quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.

Đọc thêm