Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Cần được trao đủ thẩm quyền, nguồn lực

(PLVN) - Đó là quan điểm của nhiều Đại biểu (ĐB) khi thảo luận ở hội trường về mô hình tổ chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) chiều qua (13/6).
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội)
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội)

UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ?

Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH), về vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ của UBCKNN, đa số ý kiến cho rằng vị trí, vai trò của UBCKNN cần được xác lập để UBCKNN có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức, quản lý và giám sát toàn diện hoạt động đối với TTCK (là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; bổ nhiệm nhân sự, phê duyệt Điều lệ của Sở Giao dịch chứng khoán, tổ chức lưu ký và bù trừ chứng khoán; thanh tra, xử lý vi phạm). Tuy nhiên, về mô hình tổ chức của UBCKNN có 2 loại ý kiến. 

Tại phiên họp buổi sáng, QH đã thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật Kiến trúc.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng UBCKNN cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của UBCKNN, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng để bảo đảm ổn định, UBCKNN trước mắt vẫn trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần tăng thẩm quyền quản lý nhà nước và bảo đảm tính độc lập trong hoạt động. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết.

Tán thành với đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế, ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, ngoài các sản phẩm tài chính thuộc thị trường chứng khoán cơ sở như cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, dự thảo Luật đã mở rộng phát triển thêm thị trường chứng khoán phái sinh.

Theo ĐB, đây là xu hướng đúng, giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro trên thị trường chứng khoán cơ sở, chống đầu cơ và mở rộng chủng loại sản phẩm hàng hóa giao dịch  trên thị trường. Khi hàng hóa trên thị trường chứng khoán được đa dạng, vai trò điều tiết hàng hóa không chỉ dừng lại ở Bộ Tài chính mà cần cơ quan lớn hơn để bao quát toàn bộ các sản phẩm này. Có 4 ĐB khác đề nghị xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ.

Giữ nguyên mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính

Tuy nhiên, 9 ĐB khác đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. ĐB Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho rằng việc chuyển UBCKNN thành cơ quan thuộc Chính phủ là vấn đề cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động. Bởi lẽ, theo ĐB, UBCK là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo thị trường công bằng, hiệu quả và minh bạch, giảm rủi ro hệ thống.

Để hoạt động hiệu quả, UBCK phải độc lập trong việc thực thi các chức năng và quyền hạn của mình; có trách nhiệm rõ ràng, đủ thẩm quyền, nguồn lực và có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Dẫn số liệu và tình hình của thị trường chứng khoán Việt Nam, ĐB Hàm cho rằng mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính không gây ách tắc cho sự phát triển, chưa cản trở sự tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán. 

Đồng quan điểm, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cũng đề nghị giữ nguyên mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính. “Việc tách UBCKNN thành cơ quan độc lập đồng nghĩa với việc làm tăng thêm đầu mối, tăng thêm biên chế và đương nhiên sẽ tăng chi ngân sách cho bộ máy”, ĐB nói. Bên cạnh đó, theo ĐB Mai, việc tách UBCKNN ra khỏi Bộ Tài chính chưa có đầy đủ cơ sở thực tiễn.

“Theo báo cáo của Bộ Tài chính, với mô hình như hiện nay, Ủy ban Chứng khoán trong những năm qua hoạt động đã có mức tăng trưởng đáng kể. Kết thúc năm 2018, quy mô thị trường vốn hóa cổ phiếu đã đạt mức 71,9%, tăng 1.680 lần so với năm 2002. Như vậy, căn cứ để cần thiết phải thay đổi là chưa đủ”, ĐB phân tích. 

ĐB Mai cũng cho rằng, quy định của pháp luật hiện hành cũng như dự thảo luật cơ bản đã đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính độc lập của UBCKNN. Dự thảo luật cũng bổ sung thêm một số quyền năng mới cho Ủy ban này.

Thêm vào đó, ĐB Mai cho rằng việc phát triển thị trường chứng khoán luôn gắn liền với các chính sách tài khóa mà nếu giữ như mô hình hiện nay của Bộ Tài chính sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đồng thời cũng đảm bảo tính nhất quán trong việc thực thi các chính sách tài khóa… ĐB Mai và ĐB Hàm cùng nhiều ĐB khác đề nghị có những quy định đảm bảo tính độc lập; quy định rõ trách nhiệm, trao đủ thẩm quyền, nguồn lực để UBCKNN có đủ năng lực quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán. 

Đề nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm

ĐB Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) và ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn TP Hà Nội) chỉ ra rằng quy định tại khoản 2 Điều 55 và khoản 3 Điều 63 của dự thảo luật về thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam dẫn tới sự chồng lấn giữa các cơ quan chức năng. 

ĐB Nguyễn Tạo
ĐB Nguyễn Tạo 

Theo ĐB Tạo, thực tiễn cho thấy việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán tại các Trung tâm đăng ký không có vướng mắc, bất cập gì; các trung tâm hoạt động bình thường.

Do đó, ĐB đề nghị không nên trao này lại quyền này cho Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Việc trao lại quyền như vậy, theo ĐB không phù hợp với thực tiễn, dẫn tới sự phân tán việc tổ chức đăng ký và quản lý thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản.

Thêm vào đó, việc này còn không đảm bảo tính công khai, nhất quán về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên khi xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

“Do đó, thiết chế này phải là thiết chế của Nhà nước, đặt dưới sự bảo hộ của quyền lực Nhà nước, người thực hiện đăng ký phải là đăng ký viên, là công chức và viên chức của Nhà nước nhằm đảm bảo tính chắc chắn, chính xác trong việc thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm”, ĐB nói. 

Đọc thêm