ĐBSCL đối mặt tình trạng đất nông nghiệp bị “suy dinh dưỡng”

(PLO) - Đó là vấn đề được đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia bàn bạc, thảo luận và tìm hướng giải quyết tại Hội nghị Khoa học “Sử dụng bền vững tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2018” diễn ra tại Trường Đại học Cần Thơ sáng 19/10 vừa qua.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

ĐBSCL được đánh giá là khu vực sản xuất nông sản lớn nhất cả nước: lúa gạo, thủy sản… Nơi đây cũng được quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian phát triển đã tác động tiêu cực đến chất lượng đất sản xuất. Xảy ra hiện tượng sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức, biến đổi khí hậu, hạn hán…làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất.

Hiện nay cả khu vực có hơn 4 triệu ha đất. Trong đó, 2,6 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp. Từ đó tạo ra nguồn nông sản chủ lực cho cả nước. ĐBSCL chiếm 70% sản lượng thủy sản cả nước. Chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu tôm và 100 kim ngạch xuất khẩu cá tra. Đất được xem là nền tảng của nông nghiệp bền vững. Nếu đất bị suy thoái thì nông nghiệp dễ bị lung lay. Từ đó cần phải có biện pháp sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đất để sử dụng lâu dài.

PGS.TS Trần Kim Tính, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, đất nông nghiệp ĐBSCL hiện nay rất nghèo nàn về dinh dưỡng. Ai cũng nhìn thấy rõ vấn đề này nhưng thực tế vẫn chưa giải quyết được. Ông Tính đặt ra vấn đề “Tuột độ pH ảnh hưởng đến dinh dưỡng phải làm như thế nào?” đồng thời cho biết, điều này đã được đặt ra hàng chục năm nay nhưng lại không quan tâm đến biện pháp khắc phục, không giải quyết đến nơi đến chốn.

“Người dân không hiểu chua có vai trò quan trọng và thiệt hại như thế nào đối với cây trồng. Rõ ràng vấn đề này chưa tới tay nông dân mà chỉ nằm chỗ các nhà khoa học”, ông Tính nhấn mạnh.

Nói về vấn đề chất hữu cơ trong đất, ông Tính khẳng định, theo các nhà khoa học, chất hữu cơ có vai trò làm tăng khả năng giữ dinh dưỡng của đất, làm tăng độ phì nhiêu cho đất. Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận chất hữu cơ trong đất hiện tại rất hạn chế. “Chất hữu cơ trong đất không còn nữa làm mất đi vai trò của nó”, ông Tính nhấn mạnh.

Theo ông tính, vấn đề này là do chưa có sự quan tâm đúng mức từ các bên liên quan. Điều đó khiến tình trạng dinh dưỡng ngày càng tuột dốc. Ông Tính cho biết, hiện nay người dân mắc nhiều sai lầm trong trồng cây và chăm sóc dẫn đến cây trồng dễ bị vàng lá, cháy lá. Đồng thời, cây lúa không đảm bảo tính bền vững, canh tác dễ đổ ngã, thất thu. “Kỹ thuật bón phân có rất nhiều vấn đề. Phải làm sao đưa vấn đề này xuống đến người dân”, ông Tính yêu cầu.

Từ những thực tế trên, các nhà khoa học cần tìm ra nhiều biện pháp hữu hiệu để đảm bảo sự phát triển bền vững, đảm bảo dinh dưỡng của đất. Đồng thời cách thức gieo trồng, bón phân hợp lý, sử dụng đất đúng cách phải được phổ biến, lan rộng để người dân hiểu và thực hiện. Từ đó mới chung tay giữ gìn sự bền vững của tài nguyên đất. 

Đọc thêm