Doanh nghiệp vẫn thờ ơ với tài sản sở hữu trí tuệ

(PLO) - Là tài sản vô hình, song sở hữu trí tuệ (SHTT) đã và đang tạo ra tài sản hữu hình cho DN.  Tài sản này càng có giá trị trong thời đại cách mạng 4.0 khi trí tuệ con người là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều DN vẫn chưa xem trọng loại tài sản không mới này…
Theo đại diện Karofi, phải mất 2 năm DN mới nhận được bằng sáng chế nhưng 2- 3 tháng sau ngoài thị trường đã có sản phẩm nhái
Theo đại diện Karofi, phải mất 2 năm DN mới nhận được bằng sáng chế nhưng 2- 3 tháng sau ngoài thị trường đã có sản phẩm nhái

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Đánh giá thực trạng đăng ký SHTT của các DN Việt Nam, chuyên gia SHTT, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), Luật sư thành viên Công ty Luật Baker & Mckenzie Việt Nam, ông Trần Mạnh Hùng  cho rằng: “Đã có những tiến bộ song sự tiến bộ này chưa như chúng ta mong đợi”. 

Cùng nhận định này, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ cũng cho rằng, trong 10 năm trở lại, số lượng đơn đăng ký của DN Việt trong nước đã tăng đáng kể, đặc biệt sau khi Luật SHTT 2005 có hiệu lực và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. 

Theo thống kê, trung bình mỗi năm số lượng đơn đăng ký SHTT của DN tăng từ 7 - 15%. Tuy nhiên,  số văn bằng Cục SHTT cấp ra từ năm 2005 đến nay chưa đến 300.000 văn bằng, mà trong đó, chưa kể đến nhiều DN lĩnh vực dược có đến 100-200 nhãn hiệu, tương đương 200 văn bằng/một DN. 

“Điều này cho thấy nhận thức của DN chưa cao, có nhiều DN có nhãn hiệu nhưng tự khai thác, chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến không tránh được việc mất nhãn hiệu, khi xảy ra cũng không thể đòi lại được…”- ông Bình nhận định.

Một loạt bài học nhãn tiền được đưa ra như 10 năm trước, cà phê Trung Nguyên bị mất nhãn hiệu tại Mỹ, mặc dù sau đó đã có sự giúp đỡ để DN lấy lại nhãn hiệu, nhưng thực chất lúc đó DN này chưa được công nhận SHTT tại Việt Nam. Hay cách đây mấy năm, cà phê Buôn Mê Thuột cũng bị mất nhãn hiệu bởi chính khách hàng của DN tại Trung Quốc…

Sau những vụ việc đó, cũng có nhiều DN lớn muốn đăng ký ra tất cả các nước của WTO, nhưng theo ông Bình, đây là việc không cần thiết, mà DN có tiềm năng xuất khẩu ở thị trường nào thì quan tâm bảo vệ tại thị trường đó, đó mới là mốc cần hướng tới…

Nhận thức, kinh phí hay thủ tục?

Theo Luật sư Trần Mạnh Hùng (Công ty Luật Baker & Mckenzie Việt Nam), trong SHTT, đăng ký các thủ tục xác lập nhãn hiệu có thủ tục đơn giản nhất, chi phí rẻ nhưng chưa được các DN chú trọng, đặc biệt là các DN startup. Đây cũng là điểm khác biệt giữa DN trong nước và các DN nước ngoài khi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. 

Khó khăn nhất của các DN Việt Nam là khi đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài bởi phần lớn DN Việt Nam đề thiếu hiểu biết các quy định về vấn đề này ở nước ngoài. Đáng ngại hơn, Luật sư Hùng đưa ra một thực tế có lẽ là riêng của Việt Nam là khi Công ty Luật  gửi tới DN bản nộp chào thầu tới nước mà DN quan tâm thì người có thẩm quyền để quyết định lại luôn hỏi rằng có phần trăm hay không? “Chính vì vậy, các DN đã tự giới hạn quyền nộp đơn của mình...” - ông Hùng nhận xét.

Đặc biệt về vấn đề sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, theo thống kê báo chí nước ngoài thì Việt Nam là nước ít có đóng góp nhất về tài sản sáng tạo. So với Trung Quốc – nước ở gần Việt Nam thì họ lại ý thức vấn đề này rất lớn. 

 “Chúng tôi có đăng ký sáng chế ở Mỹ cho 1 DN Việt Nam thì phòng nghiên cứu phát triển tập đoàn chỉ có bản mô tả  3 trang giấy. Khi đưa sang Mỹ để viết theo yêu cầu của cơ quan sáng chế nước này thì lên tới 45 trang. Khả năng viết được bản mô tả như vậy rất là khó bởi công ty luật không có kiến thức chuyên ngành. Và để có bản mô tả 45 trang như vậy, chúng tôi đã phải trả phí cho luật sư Mỹ 25 ngàn đô, trong khi phí chúng tôi nhận được từ DN là 2,5 ngàn đô…” -  ông Hùng đưa ra một trường hợp thực tế và cho biết Công ty Luật Baker & Mckenzie Việt Nam cũng muốn giúp đỡ các DN nhưng không thể mãi như thế vì tiền không đủ để trả cho luật sư nước ngoài.

“Khi chúng ta không có đủ tiềm lực tài chính cũng như hiểu biết về đăng ký tại nước ngoài thì chúng ta không thể phát triển các tài sản sáng tạo được...”- ông Hùng khẳng định.

Nếu như  với việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, sự hiểu biết và kinh phí vấn đề đáng ngại của các DN Việt Nam thì đăng ký trong nước vẫn là câu chuyện thủ tục.

Từ thực tế của chính DN mình, đại diện Công ty Karofi Việt Nam, ông Đoàn Thanh Hòa  cho biết, thời gian từ khi nộp đơn tới khi nhận bằng sáng chế là 2 năm. Ông Hòa cho biết, mỗi năm 2 lần, DN luôn tự mình cải tiến sản phẩm, tuy nhiên khi mang các sản phẩm này đi đăng ký thì phải đợi đến 2 năm mới nhận được bằng. Trong khi đó, 2 -3 tháng sau, ngoài thị trường đã có các sản phẩm “nhái” sản phẩm của Karofi.  “Thời gian 2 năm để nhận bằng sáng chế cho vòng đời một sản phẩm là quá lâu. Khi nhận được bằng sáng chế thì khi ấy cũng không còn ý nghĩa...”- ông Hòa nói.

Đại diện Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt, bà Hải Yến cũng xác nhận, trong quá trình xác lập quyền cho DN, công ty gặp phải nhiều vấn đề, như Cục SHTT chậm trễ trong việc xử lý đơn, thẩm định nội dung khiến tồn đọng rất nhiều. Lý do chậm trễ thường được đưa ra là số lượng đơn quá nhiều so với số lượng nhân sự xử lý, để đảm bảo chất lượng của quá trình này, họ cần thời gian xử lý…

Có một thực tế được  ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển Tài sản Trí tuệ chia sẻ, đó là hàng năm Cục SHTT nhận được khoảng từ 3 – 4 nghìn đơn đăng ký, nhưng số đơn đăng ký của người Việt thì chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là của người, DN nước ngoài. Đáng chú ý, trong số 10% đơn đăng ký đó, số đơn đăng ký thành công của người Việt chỉ chiếm 10 – 15%, trong khi của người, DN nước ngoài, tỷ lệ này là 50%. 

Ông Bình chỉ ra, một trong những nguyên nhân dẫn dến tình trạng này đó là do đơn mô tả đăng ký SHTT của người, DN Việt Nam chưa hoàn thiện và khá sơ sài. “Những bản mô tả của đơn đăng ký có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho người đăng ký. Bản mô tả càng chi tiết, cụ thể và rõ ràng thì Cục càng bảo vệ cho người đăng ký nhiều hơn…” - ông Bình khẳng định.

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh,  Chủ tịch VIAC, rõ ràng đây không phải là câu chuyện riêng của DN nhưng điểm mấu chốt để giải quyết được vấn đề này thì DN vẫn đóng vai trò là chủ động và quan trọng nhất.

Đọc thêm