Nhìn lại 3 năm qua, VNPT có gì thay đổi?

(PLO) - Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kết quả 3 năm liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận 25% cho thấy, tái cơ cấu đúng hướng của VNPT đang mang đến những thay đổi đáng mừng về chất. 
Làm thế nào để thoái vốn vừa đảm bảo hiệu quả vừa không làm thất thoát  của nhà nước tại VNPT?
Làm thế nào để thoái vốn vừa đảm bảo hiệu quả vừa không làm thất thoát của nhà nước tại VNPT?

Doanh thu tăng trưởng 25%/năm 

Theo Công bố thông tin kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 3 năm gần nhất của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), giai đoạn 3 năm (2014 – 2016), tổng lợi nhuận hợp nhất Tập đoàn đạt 10.220 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân 25%/năm. Tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 154.876 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân 4,3%/năm. Nộp ngân sách nhà nước là 11.208 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2014 – 2016, VNPT đã tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển cho năng lực mạng lưới và dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin với dung lượng lớn, công nghệ hiện đại, dịch vụ phong phú, chất lượng cao đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. Các chương trình, lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, cấu trúc mạng viễn thông đã được tối ưu, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nhằm tập trung đầu tư phát triển các dịch vụ có hiệu quả cao. Các dự án đầu tư được kiểm soát chặt chẽ (từ khâu chấp thuận chủ trương) đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu về quy hoạch mạng lưới và định hướng phát triển của Tập đoàn. 

Có thể nói, 3 năm vừa rồi là giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển của VNPT, bởi đây là khoảng thời gian đầu tiên VNPT thực hiện tái cấu trúc theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014 – 2015. Trong thời gian này, VNPT chuyển giao Công ty Thông tin di động (MobiFone), Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bưu điện Trung ương về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, bàn giao 2 trường trung học BCVT&CNTT cho UBND các tỉnh.

Sau khi thành lập 3 tổng công ty (TCty) trực thuộc là các TCty: Hạ tầng mạng VNPT-Net, Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone), Truyền thông (VNPT-Media), VNPT tiếp tục thực hiện cấu trúc bộ phận quản lý, điều hành của VNPT với việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị tham  mưu, giúp việc Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc VNPT. Kết thúc năm 2015, VNPT hoàn thành công tác tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo đúng các nội dung quy định tại Quyết định số 888/QĐ-TTg.

Song song với việc sắp xếp lại cấu trúc tinh gọn hơn, phân rõ chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, sau 2 năm tái cơ cấu, VNPT đã có những bước chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu tăng trưởng, từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ VT-CNTT. Sự chuyển dịch đó bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, các giải pháp CNTT của VNPT đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Trong 3 năm qua, Tập đoàn VNPT cũng đã làm được những điều tưởng như không thể: từ những sản phẩm CNTT còn khiêm tốn đến nay đã triển khai VNPT - HIS, VnEdu, đã ký kết hợp tác về VT-CNTT với 51/63 UBND tỉnh, thành phố để triển khai các sản phẩm chính phủ điện tử (iOffice, iGate…). Tính tới thời điểm này, VNPT đã tham gia sâu rộng vào việc ứng dụng CNTT trong an sinh xã hội và phục vụ chính quyền điện tử trên toàn quốc, có mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương. Mới đây nhất, VNPT tiếp tục đi đầu trong việc xây dựng thành phố thông minh (Smartcity) tại Việt Nam khi chính thức được lựa chọn trở thành đối tác triển khai xây dựng Smartcity tại một số tỉnh/thành như TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang (Phú Quốc), Tiền Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk…

Đây chính là những bước đi cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu phát triển của VNPT là sẽ tập trung chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp giải pháp dịch vụ ICT.

Thị trường chứng khoán trầm lắng, thoái vốn còn khó

Trong khi VNPT và các đơn vị trực thuộc nỗ lực vừa đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giao, vừa hoàn thành công tác tái cơ cấu, thì một trong những khó khăn mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt là công tác thoái vốn ở những công ty cổ phần mà VNPT có góp vốn nhưng không nắm cổ phần chi phối.

Theo đó, đơn vị này thừa nhận, sự trầm lắng của thị trường chứng khoán, tính thanh khoản thấp, thiếu nhà đầu tư quan tâm làm ảnh hướng đến công tác thoái vốn của VNPT theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cách đây chưa lâu, trong một Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT quý I/2017, ông Phạm Đức Long - Tổng giám đốc VNPT - cho biết, trong tháng 3, VNPT đã tổ chức đấu giá công khai để thực hiện thoái vốn tại 8 danh mục đều không thành công vì không có nhà đầu tư quan tâm, trong số 8 danh mục này có 7 công ty thuộc khối xây lắp và Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank).

Tính đến cuối năm 2016, VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 15 danh mục; giá trị vốn đầu tư trên sổ sách đã thoái xấp xỉ 31% tổng giá trị vốn đầu tư trên sổ sách phải thoái vốn (602 tỷ đồng/2.002 tỷ đồng). Tổng giá trị thu về là 1.044 tỷ đồng, bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT. 

VNPT đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 16 danh mục theo phương thức tích tụ, thực hiện thoái vốn tại 36 danh mục theo phương thức thoái vốn trực tiếp (khớp lệnh, thỏa thuận, đấu giá, sáp nhập, giải thể). Tuy nhiên, việc triển khai tại các đơn vị này khá khó khăn, VNPT đã thực hiện thủ tục công bố bán cổ phần nhiều lần nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm. Việc thoái vốn không thành công tại nhiều đơn vị nhất là các đơn vị nhỏ thuộc khối xây lắp là một trong những việc chưa hoàn thành khi triển khai Đề án tái cơ cấu VNPT được thực hiện trong hơn 2 năm qua.

Trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, việc thoái vốn theo đề án đã được phê duyệt phải thực hiện với yêu cầu đảm bảo hiệu quả việc thoái vốn, không làm thất thoát vốn nhà nước. Đây là một bài toán khó mà VNPT nhất định phải tìm được hướng giải trong thời gian tới.

Đọc thêm