Đạo đức nghề nghiệp

(PLO) - Thành phố Hạ Long vừa xử lý rất mạnh tay đối với các tàu du lịch trên vịnh “chặt chém” du khách. Điển hình là bữa trưa 9 triệu đồng, chủ tàu và nhân viên bị “cấm cửa” hoạt động một thời gian.
Ảnh chỉ có tính minh họa
Ảnh chỉ có tính minh họa

Cái gọi là “đạo đức kinh doanh” hầu như không được coi trọng ở tất cả các lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chế biến thực phẩm, trồng trọt, chăn nuôi,... Vừa rồi, việc phát hiện dùng thuốc tẩy giun sán cho động vật để tẩm ướp cá khô chỉ là một vụ đáng sợ tiếp theo các hành vi phổ biến như tiêm hóa chất vào tôm, ngâm sầu riêng vào hóa chất độc hại, chế biến thịt thiu thối cho người dùng.

Còn việc “chặt chém” như ở Hạ Long cũng rất thịnh hành ở các điểm du lịch trên khắp đến nước, ngay cả ở các quán ăn ven đường, nơi khách chỉ ghé qua một lần cũng có hành vi này. Nạn “chặt chém” hoặc đầu độc người tiêu dùng qua đường thực phẩm phản ảnh những người kinh doanh không có lương tâm, đạo đức, đồng thời cũng thấy chính quyền và cơ quan chức năng hoặc bất lực, hoặc làm ngơ trước sự việc nghiêm trọng này.

Làm cán bộ cũng là một nghề và cũng rất cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Thể hiện đạo đức cán bộ trước hết là có trách nhiệm với công việc của mình (thế thôi là đủ, chưa nói đến những mục đích cao cả và xa rời là “phục vụ nhân dân”). Cũng bởi cán bộ ta không làm tròn trách nhiệm của mình nên xã hội mới xảy ra tình trạng như kể trên, tạo môi trường và đất sống cho những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, trái đạo lý.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải chỉ đạo xử lý trường hợp cha đánh con gây thương tích, còn Bí thư Thành ủy Hà Nội thì “truy” việc lát đá vỉa hè. Những việc nhỏ, mang tính cá biệt này thì phạm vi xử lý thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng trực tiếp với các việc đó. Hầu như đã thành thông lệ là bất cứ việc gì đều phải chỉ đạo từ cấp rất cao thì mới làm, thậm chí, có nhiều việc mà người dân bức xúc, báo chí phản ảnh thì người chịu trách nhiệm thản nhiên trả lời “còn chờ chỉ đạo”.

Thái độ trách nhiệm với công việc như thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khái quát thành một trạng thái là “văn hóa không nhúc nhích”. Thứ văn hóa này đang được thể hiện rõ nhất của một thành ngữ mới “trên nóng, dưới lạnh”.

Đạo đức nghề nghiệp được hình thành từ nền tảng đạo lý truyền thống và được quy định trong mỗi bộ Quy tắc ứng xử khi văn bản hóa. Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào lương tâm và đạo đức mỗi con người, trong đó, môi trường xã hội đóng vai trò quyết định, pháp luật điều chỉnh và sự mẫu mực, nêu gương là nhân tố kích thích để hành vi ứng xử tốt đẹp lan truyền. Thiếu những thứ đó, đạo đức nghề nghiệp chỉ là mỹ từ suông, con người hành xử với nhau như trong cõi hỗn mang, sự ích kỷ và vụ lợi lên ngôi, bấp chấp những người khác phải chịu những đau đớn thể xác và tổn thương tinh thần như thế nào!

Đọc thêm