Dấu ấn tín dụng chính sách trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Bắc Ninh

(PLO) - Trong những nỗ lực tập trung tạo nguồn lực đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương, Bắc Ninh đã chú trọng tới các giải pháp quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách phù hợp, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao cuộc sống.
Cơ sở sản xuất của ông Đỗ Xuân Yên (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được gây dựng từ nguồn vốn chính sách. Ảnh: Trần Việt
Cơ sở sản xuất của ông Đỗ Xuân Yên (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được gây dựng từ nguồn vốn chính sách. Ảnh: Trần Việt

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, chính quyền địa phương, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Ninh đã tích cực huy động, tạo lập nguồn vốn, đổi mới phương thức đầu tư tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng trên toàn địa bàn.

Theo ông Vũ Đình Yên - Giám đốc NHCSXH Bắc Ninh, cùng với nguồn vốn từ Trung ương chuyển về, đơn vị đã khai thác huy động các nguồn lực tài chính tại địa phương từ vốn ngân sách của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, từ các nhà tài trợ, doanh nghiệp đến nguồn vốn trong cộng đồng dân cư, hộ nghèo thông qua 2.375 Tổ Tiết kiệm và vay vốn và 126 Điểm giao dịch xã.

Đến nay, tổng nguồn vốn để hoạt động tín dụng chính sách tại Chi nhánh NHCSXH Bắc Ninh là trên 2.200 tỷ đồng, tăng 28,9 tỷ đồng so với ngày 31/12/2017, gấp 14 lần so với thời kỳ đầu thành lập NHCSXH (2003).

Đặc biệt, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TƯ Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện bổ sung để cho vay các chương trình chỉ định của địa phương là 28 tỷ đồng, nâng tổng vốn ngân sách địa phương lên 61 tỷ đồng, tạo thêm năng lực hoạt động cho NHCSXH.

Tất cả số tiền vốn quý giá đó đã được hơn 100 cán bộ, nhân viên NHCSXH Bắc Ninh chuyển tải kịp thời về tận xóm thôn, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần giúp trên 55 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm mới, ổn định cho gần 230 nghìn lao động, trong đó có 860 thanh niên nông thôn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Vốn chính sách cũng hỗ trợ hơn 60 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập, tiếp sức phát triển các làng nghề truyền thống trên vùng Kinh Bắc như nghề đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình), chế biến đồ gỗ Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn), nghề gốm xã Phù Lãng (huyện Quế Võ), mỹ nghệ thêu ren, đan mây tre xuất khẩu Lạc Vệ, Xuân Lái (huyện Tiên Du)…

Tại xã Bình Định (huyện Lương Tài), các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận tới 15,2 tỷ đồng vốn chính sách đầu tư chuyển dịch cây trồng, phát triển đàn gia súc, gia cầm, mở mang nghề cơ khí sản xuất nông cụ. Gia đình chị Phạm Trị Tròn và anh Hà Trọng Diên (thôn Ngô Phần, xã Bình Định) được vay 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo đã đầu tư nuôi bò Lai sin. Có lãi nhờ bò sinh trưởng tốt, gia đình đầu tư cải tạo ao nuôi cá, gà thịt hiện gia đình được đánh giá là sử dụng hiệu quả vốn vay. 

Tương tự, nhiều hộ dân ở các xã Trí Quả, Nguyệt Đức (huyện Thuận Thành) ngày nay thoát hẳn nghèo túng, nâng cao đời sống nhờ đồng vốn chính sách phát triển sản xuất, khôi phục nghề truyền thống đúc đồng, làm thêm nghề chế biến nông sản.

Cụ thể, gia đình ông Đỗ Xuân Yên (thôn Đào Viên) trước đây có ý định rời bỏ làng quê vào miền Nam làm ăn sinh sống, nhưng nghe theo lời khuyên của chính quyền và Hội Nông dân đã ở lại nơi “chôn nhau cắt rốn”. Gia đình ông Yên đã được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH để chủ động mua sắm nguyên vật liệu, khôi phục nghề truyền thống đúc đồng.

Hiện tại, cơ sở sản xuất của ông Yên bình quân mỗi tháng xuất bán hàng nghìn sản phẩm đúc đồng như đỉnh cây nến, con hạc, lư hương ra khắp thị trường trong, ngoài tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động nông thôn có mức thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng/người.

Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã góp phần đáng kể tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là đáp ứng yêu cầu của chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở xứ Kinh Bắc.

Để hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn phát triển ổn định, NHCSXH tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng trưởng dư nợ, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và đổi mới phương thức quản lý, đầu tư vốn tín dụng chính sách, chủ động đưa Chỉ thị 40 của Đảng vào cuộc sống, giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách thêm điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống.

Đọc thêm