Để cộng đồng khởi nghiệp “cất cánh”

(PLO) -Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện nay đang hội tụ đủ những yếu tốt cần thiết để trở thành một quốc gia khởi nghiệp với cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động trẻ cùng nhiều nhân tài trong lĩnh vực công nghệ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Tuy nhiên, điều Việt Nam vẫn thiếu cho tới hôm nay để cộng đồng khởi nghiệp “cất cánh” chính là một hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có ba yếu tố đóng vai trò quan trọng gồm chính sách, cộng đồng và tài chính.

Ngân hàng chưa mặn mà cho vay khởi nghiệp 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 có khoảng 1 triệu DN, khu vực tư nhân đóng góp 48 - 49% GDP, năng suất lao động tăng bình quân 5%/năm… Trong đó, đưa ra 5 nhóm giải pháp quan trọng về cải cách hành chính; về hỗ trợ DN khởi nghiệp (start-up) và DN đổi mới sáng tạo; về đảm bảo quyền kinh doanh bình đẳng đối với các loại hình DN; về giảm chi phí kinh doanh; về bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của DN. Với mục tiêu trên cần phải có hỗ trợ tài chính cho DN hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hiện thực hóa Nghị quyết của Chính phủ, một tin vui cách đây chưa lâu cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã chính thức giới thiệu Dự án Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp mang tên VPBank StartUp. VPBank StartUP đánh dấu bước đi mới của ngân hàng trong việc triển khai các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của DN, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ toàn diện cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.

Với việc tham gia này, VPBank hy vọng sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, ngay trong hai năm 2017 và 2018, VPBank StartUP sẽ dành ít nhất 1 triệu USD để thực hiện các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Trong năm đầu của dự án, dự kiến VPBank Startup sẽ dành 6,5 tỉ đồng để hỗ trợ nơi làm việc cho các start-up tại Up@VPBank.

Tuy nhiên, đến nay việc tiếp cận vốn ngân hàng đối với các start-up còn quá nhiều khó khăn, ngay cả DN nhỏ và vừa (SME) cũng không ngoại lệ. Vậy đâu là lý do khiến nhiều ngân hàng vẫn “chùn tay” cho vay đối với start-up hay SME? Lãnh đạo một ngân hàng từng thẳng thắn, start-up và SME có 3 điểm yếu khiến DN khó vay vốn ngân hàng. Đó là tài sản không ổn định, tài chính không chứng minh được và sản phẩm khó cạnh tranh. Vì thế, dù nhiều ngân hàng cũng muốn mở rộng cho vay đối với khách hàng là các start-up nhưng lo ngại việc cho vay nhiều rủi ro, thậm chí mạo hiểm nên ngân hàng cần phải có cơ chế rõ ràng từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tạo thuận lợi cho các start-up

Đồng tình với nhận định trên, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Võ Tấn Hoàng Văn cũng cho rằng, đối với SME và start-up thì tài sản đảm bảo ít hoặc hầu như không có, nếu cho vay theo phương án kinh doanh thì phương án không rõ ràng, không thuyết phục, chu kỳ sản phẩm không dài. Do đó, các DN, đặc biệt là các start-up có yếu tố trông chờ vào nguồn vốn đầu tư mạo hiểm nhiều hơn. Ông Văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần nghiên cứu để cho phép các ngân hàng thương mại thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các SME và start-up.

Riêng tại TP HCM, đã có Quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp và có hẳn một chương trình kết nối ngân hàng – DN, song kết quả còn khiêm tốn. Trong năm 2017, 16 ngân hàng có trụ sở tại địa bàn TP HCM cam kết gói tín dụng hỗ trợ là 226.177 tỷ đồng và 10 triệu USD. Tính chung trong cả nước, sau năm 2016, Việt Nam chứng kiến những bước tiến đáng kể trong cộng đồng khởi nghiệp với hơn 100.000 DN nhỏ (dưới 7 người) được thành lập. Một số start-up đã gọi vốn thành công với con số lên tới hàng chục triệu USD và nhiều start-up đã phát triển ra thị trường thế giới. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chia sẻ, khởi nghiệp luôn mạo hiểm và rủi ro, trong khi tại Việt Nam, các quỹ đầu tư còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, chưa kể nếu thất bại thì không có hỗ trợ gì, bởi vậy chưa thu hút được nhiều “nhà đầu tư thiên thần”. “Quỹ đầu tư mạo hiểm là các nguồn vốn để giúp cho chính những DN, cá nhân có những sản phẩm đổi mới sáng tạo nhưng họ không biết thương mại hóa như thế nào. Các quỹ mạo hiểm đấy gồm có quỹ đầu tư thiên thần, quỹ hạt mầm, quỹ huy động đám đông... quỹ này giúp cho sản phẩm đổi mới sáng tạo bắt đầu từ ý tưởng cho đến làm sản phẩm mẫu, kế hoạch kinh doanh, tiếp thị, đến khi ra được thị trường” - Thứ trưởng Đông phân tích.

Để hợp thức hóa các nguồn vốn đầy tiềm năng trong dân cư, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 đã cung cấp kênh tiếp cận vốn đa chiều cho DN, trong đó có Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các quỹ đầu tư hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp không nên giao nhiều cho cơ quan nhà nước quản lý, mà chủ yếu là để các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức của cộng đồng quản lý, với các quy chế chặt chẽ nhằm tạo thuận lợi cho DN khởi nghiệp.

Đọc thêm