“Mỗi xã một sản phẩm” để phát triển kinh tế nông thôn

(PLO) - Vừa qua, tại Bắc Giang, Ban Chỉ đạo TƯ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020. 
Lễ ký kết chương trình hợp tác thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020... Ảnh Báo Dân trí
Lễ ký kết chương trình hợp tác thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020... Ảnh Báo Dân trí

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện cả nước có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 doanh nghiệp (chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước), tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm (gồm: Nhóm Thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm Đồ uống có 1.041 sản phẩm; nhóm Thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm Vải và may mặc có 186  sản phẩm; nhóm Lưu niệm-nội thất-trang trí có 580 sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm với 413 làng bản Văn hóa gắn liền với du lịch). 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm,  dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa. Đây có thể xem là một lợi thế, nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách cụ thể, bài bản, đồng bộ thì việc triển khai các nội dung Đề án Chương trình OCOP sẽ rất thuận lợi, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đi vào thực chất, bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Chương trình OCOP bắt nguồn từ Nhật Bản. Qua triển khai thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh 4 năm qua, có thể khẳng định đây là một hướng đi đúng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn gắn với phát triển từ nội lực của mỗi địa phương gắn với điều kiện tự nhiên, văn hóa của từng địa phương. Chương trình này là một trong những giải pháp góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đây là chương trình phát triển kinh tế chứ không phải chương trình mang tính phong trào, do đó các bộ, ngành, các địa phương không được nóng vội, chủ quan dẫn đến thất bại. Chương trình này chủ yếu do người dân và doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo cơ chế chính sách, môi trường để tạo môi trường thuận lợi phát triển… 

Đọc thêm