Tồn 50.000 m3 sản phẩm gỗ trắc, Làng nghề Đồng Kỵ kêu cứu

(PLO) - “Làng nghề chúng tôi đang rất gay go khi hàng loạt sản phẩm gỗ trắc làm ra 4 năm năm nay không xuất khẩu được. Lượng sản phẩm này quy ra khoảng 50.000 m3 gỗ và giá trị rất lớn. Làm sao chúng tôi xuất được số hàng này bây giờ? Các cơ quan chức năng hãy giúp chúng tôi!”, ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cho biết. 
Lượng sản phẩm làm từ  gỗ trắc tồn kho không xuất được lên tới 50.000 m3. Ảnh minh họa
Lượng sản phẩm làm từ gỗ trắc tồn kho không xuất được lên tới 50.000 m3. Ảnh minh họa

“Cấm có nghĩa là cấm kêu”

Ông Vương cho biết, đây là số gỗ trước đây nhập khẩu từ Lào, Campuchia, khi đó theo Văn bản số 4719/VPCP –NN ngày 22/8/2007 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết ách tắc trong việc xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ cao cấp thì đối với hàng gỗ thủ công mỹ nghệ, hàng gỗ cao cấp, từ nhóm gỗ 1A trở lên, đã được chế biến hoàn chỉnh, khi xuất khẩu chỉ cần kê khai với Hải quan đầy đủ số lượng, chủng loại, không phải xuất trình nguồn gốc gỗ. Việc kiểm tra nguồn gốc gỗ phải được thực hiện tại cơ sở sản xuất (đầu nguyên liệu vào xưởng).

Thông tin này khiến không ít người bất ngờ. Ông Võ Đình Tuyên - Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ ngạc nhiên: “Chứng tỏ làng nghề không cập nhật thông tin. Cites đã có quy định về nguồn gốc gỗ xuất khẩu từ cách đây mấy năm, đây là gỗ đã nhập khẩu từ trước, nhưng làng nghề phải báo cáo lên chứ! Bây giờ mới nói là quá muộn!”.

“Cách đây 3 năm, Cites Quốc tế đã  đưa ra lệnh cấm với gỗ trắc. Cấm có nghĩa là cấm kêu, không bàn cãi gì, một số loại gỗ trắc khác phải xin phép. Khi Cites Quốc tế đưa ra lệnh này, Cites Việt Nam cũng đã công bố rồi. Làng nghề phải thường xuyên cập nhật thông tin. Bây giờ phải thống kê lại xem có những loại trắc gì, chủng loại ra sao…” - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt nam (VIFORES), ông Nguyễn Tôn Quyền đề nghị.

Trao đổi với Báo PLVN,  Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ Vũ Quốc Vương  cho biết, nếu quy ra giá trị thì giá trị thành phẩm của 50.000 m3 gỗ trắc đó là khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp tồn nhiều lên tới 500 tỷ đồng, doanh nghiệp tồn ít cũng ngót nghét 5 tỷ đồng. Được biết, không chỉ tồn đọng vốn, số hàng thành phẩm này đã “đắp chiếu” hàng năm nay,  ảnh hưởng đến công ăn việc làm của khoảng 8.000 lao động và phương hướng phát triển của làng nghề.

“Thực ra cũng có khách hàng muốn mua nhưng doanh nghiệp không thể xuất qua biên giới được. Còn bán trong nước thì không khách hàng nào kham nổi bởi gỗ trắc nguyên liệu khi mua vào đã 250 triệu đồng/m3, có thời điểm lên tới 1 tỷ đồng/m3…” - Ông Vương cho biết. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ, do lượng hàng  hoá tồn đọng tại làng nghề Đồng Kỵ còn nhiều nên cần phải tiếp tục xuất khẩu số hàng tồn để thay thế nhóm gỗ mới trong 3 năm tới …

Coi chừng một số thị trường “dừng là chết”!

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, câu chuyên làng nghề Đồng Kỵ cũng là bài học chung cho các làng nghề và doanh nghiệp. “Các loại gỗ quý hiếm như gỗ hương, gỗ trắc, gỗ gụ… sẽ ngày càng hiếm đi, vì vậy doanh nghiệp cần tính đến các lọai gỗ thay thế. Như một số làng nghề ở miền Nam đã chuyển sang dùng gỗ xà cừ…” - ông Quyền cho nói. Đặc biệt, ông Quyền lưu ý, nhiều làng nghề, doanh nghiệp hiện nay quá phụ thuộc vào thị trường Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc nên các thị trường này “dừng là chết”.

Nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends cũng cho thấy, trong những năm qua, cầu đối với các loài gỗ quý, đặc biệt là cầu tại thị trường Trung Quốc giảm rất lớn đã làm chững lại các hoạt động thương mại các loài gỗ quý giữa Việt Nam và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Công. Cầu tại Trung Quốc giảm cũng làm tê liệt các hoạt động tại nhiều làng nghề gỗ của Việt Nam.

“Hiện chưa có tín hiệu rõ ràng rằng cầu tại Trung Quốc về các sản phẩm gỗ quý sẽ không tăng trở lại trong tương lai…” - Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends nhận định.

“Các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau thành doanh nghiệp lớn, liên kết với vùng nguyên liệu để tự chủ nguồn nguyên liệu. Cần đổi mới mô hình hoạt động, có thể thành lập mô hình hợp tác xã kiểu mới, đứng ra làm “bà đỡ” cho nông dân. Đặc biệt, Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng di dân tái thủy điện, các doanh nghiệp cần tiếp cận theo hướng này…” - ông Võ Đình Tuyên - Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ đưa ra lời khuyên.

Cũng theo đại diện Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo sát sao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi sự phát triển của doanh nghiệp cũng chính là góp phần vào tăng trưởng GDP…

Đọc thêm