Tường tận chuyện nhà thầu bị cấm vận khiến PVN “lụt” tiến độ dự án tỷ đô

(PLO) - Thông tin mới nhất được Ban quản lý dự án Nhiệt điện Long Phú đưa ra cho thấy, đến thời điểm này, tiến độ dự án đáng lẽ đã có thể đạt 80% nhưng bị kẹt lại từ khoảng tháng 1/2018 do nhà thầu thiết bị cấm vận ở Mỹ. 
PVN cho rằng, Long Phú chậm tiến độ chủ yếu do nhà thầu
PVN cho rằng, Long Phú chậm tiến độ chủ yếu do nhà thầu

Thiết bị bị ách lại ở cảng Mỹ 

Trao đổi với PLVN, Trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện Long Phú (thuộc PVN) – ông Nguyễn Doãn Toàn thông tin, tiến độ thực hiện Dự án Nhiệt điện Long Phú đang có dấu hiệu hồi phục. Tính từ khoảng tháng 9/2017, sau khi tổng kết cho thấy, tiến độ dự án có thể bị chậm 14 tháng nên các bên đã cùng làm việc, đẩy nhanh tiến độ, mỗi tháng tiến độ rút ngắn được khoảng 2%. 

Hiện nay, việc chậm tiến độ đã có thể rút xuống còn khoảng 8 tháng. Tính đến thời điểm này, dự án đã đạt được khoảng 75%, nếu không vướng nguyên nhân khách quan thì tiến độ đã đạt được khoảng hơn 80% kế hoạch. 

Theo ông Toản, việc chậm tiến độ là do yếu tố khách quan, vì lý do một số thiết bị mà nhà thầu Power Machines (Nga) mua từ Mỹ bị kẹt lại, chưa về được nên gây chậm tốc độ của dự án. 

Trả lời phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng xác nhận, tiến độ của Dự án nhiệt điện Long Phú không còn là vấn đề lớn bởi Ban quản lý dự án cũng đã giải quyết được nhiều việc. Tuy nhiên, việc nhà thầu bị cấm vận tại Mỹ khiến cho các thiết bị mà họ đã mua không thể về Việt Nam đúng hẹn. 

“Tôi được biết, tất cả đều đang cố gắng hết sức giải quyết sự việc này”, lời ông Chuyện. 

Theo vị đại diện Ban quản lý dự án Nhiệt điện Long Phú cho biết, yếu tố khách quan đột ngột xuất hiện gây ảnh hưởng tiến độ dự án cũng được các bên liên quan cùng vào cuộc. Cụ thể, phía Bộ ngoại giao Việt Nam đã có Công hàm gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ để đề nghị xem xét, giải quyết vấn đề của nhà thầu Power Machines.

“Cùng lúc, tại Việt Nam, Bộ Ngoài giao cũng mời Đại sứ Mỹ ở Việt Nam  đến làm việc vài lần. Bản thân nhà thầu Power Machines cũng đã nộp hồ sơ lên Bộ Tài chính Mỹ đề nghị xem xét. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Chính Mỹ để tìm hướng giải quyết”, Trưởng ban Toàn nói với PLVN.

Được biết, ngoài ra,  đại diện chủ đầu tư cũng đang đàm phán với một số công ty của Mỹ để có thể gỡ thiết bị. Ông Toàn cũng cho biết thêm, đích thân Thủ tướng Nga cũng đã gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng nhà thầu Power Machines để giải quyết bằng được các vấn đề đang tồn tại.  

Ông Toàn hy vọng, sự việc này sẽ được giải quyết khoảng 3 tháng để thiết bị có thể rời cảng Mỹ, về được Việt Nam là tốt nhất. “Nhưng chúng tôi cũng vẫn lo ngại nhiều”, ông Toàn không giấu được lo lắng. 

Theo Ban quản lý dự án Nhiệt điện Long Phú, tất cả thiết bị đã nằm ở cảng, chỉ cần xử lý xong giấy phép từ Chính phủ Mỹ là thanh toán và vận chuyển về Việt Nam. Nhà thầu Nga cũng đã thanh toán 1/2 chi phí mua số thiết bị nói trên. Hiện nay, nước Nga cũng không nhận được thanh toán bằng tiền USD nên Ban quản lý dự án càng gặp khó khăn hơn vì phải xử lý cả vấn đề về đồng tiền giao dịch. 

Trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện Long Phú Nguyễn Doãn Toàn (đứng): "Hy vọng 3 tháng nữa thiết bị sẽ về Việt Nam"
Trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện Long Phú Nguyễn Doãn Toàn (đứng): "Hy vọng 3 tháng nữa thiết bị sẽ về Việt Nam"

Dùng hàng châu Âu, G7 nên... đội vốn? 

Ông Toàn cho biết, việc xử lý vốn ở dự án Nhiệt điện Long Phú cơ bản đã xong, các ngân hàng của Nga đã cam kết cho vay. Đồng tiền sử dụng trong việc vay vốn này bao gồm một số ít bằng tiền Euro, còn lại là VND và đồng Rup. Có nhiều khoản phía Nga đề nghị thanh toán tiền Việt nên cũng khá thuận lợi cho dự án.

Được biết, phía Nga tài trợ vốn cho vay với lãi suất thấp, chỉ 3,5%. Phía họ còn đề nghị một phần khoảng 300 - 400 triệu USD thanh toán bằng đồng rup. Theo ông Toản đây là một đề nghị rất thuận lợi cho phía thực hiện dự án vì ông được biết, khá nhiều doanh nghiệp Nga đang nợ doanh nghiệp Việt nhiều tiền thông qua chương trình hàng đổi hàng nên phía Việt Nam cũng mong muốn khấu trừ luôn để thuận lợi cho 2 bên, lại đỡ mất phí chuyển đổi tiền. 

Tuy nhiên, một khó khăn nữa cho Ban quản lý dự án là vấn đề thay đổi tổng mức đầu tư dự án. Do thời điểm phê duyệt đầu tư dự án từ năm 2009, lại có nhiều hạng mục phê duyệt không sát thực tế nên lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo điều chỉnh cho phù hợp để còn cơ sở thực hiện tiếp dự án. 

Ông Toản so sánh, Dự án nhiệt điện Thái Bình 1 công suất 600MW có tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD, Dự án nhiệt điện Long Phú có công suất gấp đôi, 1.200 MW lại chỉ có số vốn 1,6 tỉ USD trong khi toàn sử dụng thiết bị châu Âu nên chuyện tăng vốn là điều cần thiết. Do đó, ngay khi nhà thầu báo cáo phương án điều chỉnh vốn, Ban quản lý dự án đã thuê tư vấn nghiên cứu và dự kiến, sẽ báo cáo Thủ tướng phê duyệt trong khoảng 1 tuần nữa. 

Tân Thứ trưởng Công thương yêu cầu báo cáo Dự án Long Phú, Sông Hậu

Ít ngày sau khi nhận nhiệm vụ mới,  Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về các dự án trọng điểm chậm tiến độ như Nhiệt điện Long Phú, Nhiệt điện Sông Hậu… 

Cựu Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng (đã chính thức được phê duyệt chức danh Thành viên Hội đồng thành viên PVN) đã báo cáo về các dự án Nhà máy Nhiệt điện than gồm Thái Bình 2, Long Phú, Sông Hậu. Trong đó, dự án Thái Bình 2 đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục chính của nhà máy.

Tuy nhiên, còn 2 dự án Long Phú và Sông Hậu đang gặp những khó khăn  cần thời gian tháo gỡ. Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, trong thời gian tới, thứ trưởng sẽ cùng PVN làm việc trực tiếp cụ thể về từng vấn đề của từng dự án đang khó khăn để từ đó nhanh chóng tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ của từng dự án.

Đọc thêm