Rùng mình nghe sinh viên nghiện game kể động cơ giết người

(PLO) - Vì quá xa đà vào thế giới ảo, muốn thể hiện mình là game thủ vô địch một sinh viên trở thành kẻ giết người. 
Phạm Văn Trọng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.
Phạm Văn Trọng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Hôm nay (27/7), tại TP Cần Thơ, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lưu động vụ Phạm Văn Trọng (SN 1993, ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) về tội “Giết người” do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 

Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2008 đến cuối năm 2012, Trọng thường xuyên lên mạng chơi game, nghiện game trực tuyến. Muốn thể hiện mình là game thủ vô địch nên Trọng nảy sinh ý định giết người để gia nhập hội nhưng không xác định được mục đích, ý nghĩa của hội tên là gì, do ai quản lý.

Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 12/6/2013, Trọng đem theo hung khí đi bộ từ đường 30/4 (quận Ninh Kiều) hướng về quận Cái Răng tìm người để giết. Khi đến cầu Đầu Sấu (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) thì Trọng gặp ông Nguyễn Thanh Tâm (chạy xe ôm chở khách) hỏi Trọng có đi xe không.

Do có ý định giết người nên Trọng đồng ý và kêu ông Tâm chạy xe về hướng Quốc lộ 61B hướng về TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Khi đến đoạn đường vắng thuộc ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thì Trọng xuống xe lấy 50.000 đồng trả tiền cho ông Tâm. Khi ông Tâm lấy tiền chuẩn bị chạy đi thì Trọng dùng dao đâm vào lưng ông Tâm. Hai bên giằng co, ông Tâm giật được dao rồi bỏ chạy đến Công an phường Ba Láng trình báo.

Trọng gây án xong trên đường bỏ trốn thì bị Công an huyện Phong Điền bắt giữ. Kết quả giám định cho thấy ông Tâm bị thương tật 25%. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trọng bị tuyên phạt 7 năm tù về tội giết người và phải bồi thường thêm cho bị hại 15 triệu đồng.

Theo HĐXX, hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, giết người vô cớ. Hành vi của bị cáo phạm tội giết người quy định tại Điểm n, Khoản 1, Điều 93 Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên theo kết quả của Trung tâm giám định pháp y tâm thần Sở Y tế Cần Thơ kết luận, về y học, trước khi phạm tội đương sự không có rối loạn tâm thần, trong, sau khi phạm tội, và hiện tại đương sự bị rối loạn tâm thần không xác định được.

Đồng thời, tại biên bản giám định pháp y tâm thần sau thời gian điều trị bắt buộc, Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương phía Nam kết luận, Phạm Văn Trọng bị bệnh loạn thần không xác định. 

TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có công văn yêu cầu Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương phía Nam giải thích rõ việc kết luận của mình nhưng Viện pháp y tâm thần Trung ương phía Nam có công văn trả lời rằng kết luận của Viện là theo yêu cầu của VKSND TP Cần Thơ về tình trạng tâm thần của bị can Trọng sau thời gian bắt buộc chữa bệnh.

Để đánh giá năng lực nhận thức và điều khiển hành vi tại thời điểm gây án phải có quyết định trưng cầu giám định khác. Muốn kết luận Trọng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không cần có kết luận của cơ quan chuyên môn tại thời điểm gây án bị cáo Trọng có bị bệnh tâm thần hay không. Nếu bị bệnh tâm thần thì cần kết luận rõ với bệnh lý đó bị cáo có phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình gây ra hay không.

Từ những phân tích trên, tòa đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại, chuyển toàn bộ hồ sơ cho VKSND TP Cần Thơ để điều tra lại theo quy định.

Chú thích ảnh:

Anh: 

Đọc thêm