100% đồng bào dân tộc thiểu số đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế

(PLO) - Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sau thời gian thực hiện đồng bộ các chính sách An sinh xã hội cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, 100% đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là một trong những điều kiện quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với đặc thù cư trú chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, quy mô dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt... nên tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta cao, khoảng 23,1%, cao hơn 3,3 lần so với mức chung cả nước (7,0%).

Do vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách An sinh xã hội, hỗ trợ lao động, việc làm đối với đối tượng này như trợ cấp khó khăn, tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo; cấp đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp; dạy nghề miễn phí và miễn giảm học phí cho học sinh nghèo; hỗ trợ mua thẻ BHYT và miễn giảm chi phí khám, chữa bệnh; cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nước sinh hoạt cho người dân... 

Nhờ những chính sách mới của Đảng và Nhà nước, mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số bình quân giảm 3-4%, thu nhập tăng thêm khoảng 20%; 27,5% hộ nghèo được hưởng vốn tín dụng ưu đãi; 334.000 hộ nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; 25,5% tổng số lao động được đào tạo nghề; hơn 10.000 lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động (80% là đồng bào dân tộc thiểu số); 37% hộ nhận trợ giúp xã hội; 224.000 hộ được hỗ trợ nhà cửa để định canh định cư và đặc biệt, 100% đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT.

Tuy nhiên, hiện nay công tác An sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số còn một số hạn chế như chưa đồng đều về mức hỗ trợ; chưa có cơ chế khuyến khích dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững; công tác điều tra, rà soát, tổng hợp đối tượng thụ hưởng chính sách ở một số địa phương còn thiếu chính xác dẫn đến thực hiện chính sách không hiệu quả; mức hỗ trợ còn thấp nên tác động của chính sách chưa cao...

Do đó, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan cần xác định tăng cường việc rà soát, phân công nghiệm vụ rõ ràng trong quá trình thực thi chính sách; quyết liệt trong việc chuyển đổi các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tạo cơ hội cho đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống; liên thông tốt hơn như cơ sở hạ tầng kết hợp với phát triển kinh tế, chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với việc làm.

Đồng thời, tăng cường thực hiện cơ chế xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để huy động tối đa tất cả các nguồn lực cho giảm nghèo, An sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Riêng về chính sách Bảo hiểm xã hội, cần sớm thực hiện chính sách hỗ trợ người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số có thể dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách.

Cùng với đó, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác điều tra, rà soát, tổng hợp đối tượng thụ hưởng chính sách đảm bảo chính xác, tạo điều kiện thực hiện chính sách hiệu quả hơn; xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, An sinh xã hội và hệ thống cơ sở dữ liệu về dân tộc thiểu số.

Đọc thêm