16 năm lắng nghe “lời của đất” ở Hoàng thành Thăng Long

(PLO) - Suốt 16 năm, các nhà khảo cổ đã “sống cùng với đất”. Họ nghe đất kể chuyện xưa khi bóc tách từng lớp, từng lớp dữ liệu quý giá của lịch sử tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). PGS, TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học đã gọi đây là “cuộc khai quật thế kỷ” với thời gian kéo dài và một khối lượng vô cùng lớn các hiện vật, dấu tích quý giá.
Hoàng thành Thăng Long, quần thể di tích gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển kinh thành Thăng Long - Đông Kinh xưa.
Hoàng thành Thăng Long, quần thể di tích gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển kinh thành Thăng Long - Đông Kinh xưa.

Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại Trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

“Cơn địa chấn” của ngành khảo cổ học

Chia sẻ về quá trình khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long, PGS, TS Tống Trung Tín, phụ trách dự án cho biết, những nhát cuốc khai quật đầu tiên được tiến hành vào những năm 2002 đến 2004 chỉ nhằm thám sát mặt bằng cho công trình xây dựng Nhà Quốc hội. Các dấu tích đầu tiên được phát hiện đã nhanh chóng tạo “cơn địa chấn”, thu hút sự quan tâm của cả nước và được các tổ chức quốc tế cũng như UNESCO hỗ trợ.

Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945). Phát hiện đó đã cung cấp thông tin cho biết trong lòng đất Hoàng thành Thăng Long xưa, còn bảo tồn nhiều di tích, di vật quý.

Tại hội thảo “Lịch sử phát lộ Hoàng Thành Thăng Long” do Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội – L’Espace cùng Trường Viễn Đông Bác cổ tổ chức vừa qua, câu chuyện về cuộc khai quật lịch sử đã được các nhà khảo cổ kể lại với những cảm xúc như vừa trải qua hôm trước. Từ sự sững sờ trước một dải gạch thời Lý còn nguyên vẹn, một chân, hay đầu phượng thời Lý, cho đến những xúc cảm lẫn lộn khi đào lên được ngôi mộ tập thể với các di cốt bị trói gập vào nhau…

Những tháng ngày đầu tiên khai quật ở khu 18 Hoàng Diệu, mọi thứ đều ngổn ngang, thậm chí có lúc các nhà khảo cổ như “lên đồng” vì “ngẩng mặt lên thấy rắn đầy trên đầu, lật viên gạch nhiều bọ cạp ở dưới”. Nhiều nhà khảo cổ nhớ lại: “Nhìn thấy công trường mà chán, nó bề bộn, lõng bõng, bẩn thỉu, vất vả...”. 

“Sau khoảng 3 tháng khai quật, ngoài những di vật lẻ, hệ thống di tích thời Lý - Trần và thời Lê bắt đầu xuất hiện. Lúc đó chúng tôi biết mình đã gặp Hoàng thành Thăng Long “bằng xương bằng thịt”. Đến 2004, khi các hố khai quật nối liền với nhau và trở thành công trường khai quật rất lớn (18.000m2) thì nó đã trở thành một phức hệ, hệ thống các di tích, dấu tích của một hoàng cung, Hoàng Thành Thăng Long rực rỡ trong lịch sử”, TS Nguyễn Tiến Đông chia sẻ.

Suốt 16 năm, các nhà khảo cổ đã “sống cùng với đất. Họ “nghe đất kể chuyện xưa” khi bóc tách từng lớp, từng lớp dữ liệu quý giá của lịch sử. PGS, TS Tống Trung Tín đã gọi đây là “cuộc khai quật thế kỷ” với thời gian kéo dài và một khối lượng vô cùng lớn các hiện vật, dấu tích. Ông cho biết, khi bắt tay vào thực hiện, đích thân GS Trần Quốc Vượng đã xem ngày để bổ nhát cuốc đầu tiên khai quật khu di tích này. GS Trần Quốc Vượng nói với đồng nghiệp: “Mình tìm về với cội nguồn thì tổ tiên sẽ phù hộ cho mọi việc êm xuôi thôi”.

16 năm lắng nghe “lời của đất” ở Hoàng thành Thăng Long ảnh 1
Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại khu vực

Lịch sử tái hiện dưới từng lớp đất

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.

Theo các tài liệu lịch sử, kinh thành Thăng Long được xây dựng với ba vòng thành: Vòng ngoài cùng là La thành, là vòng thành nằm theo các con đường Đại Cồ Việt, Đê La Thành, Bưởi... hiện nay. Vòng thành thứ hai là Hoàng thành, giữa hai lớp thành này là nơi dân cư sinh sống, buôn bán. Lớp thành trong cùng là Cấm thành, nơi sinh sống và làm việc của nhà vua cùng hoàng tộc.

Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Toàn bộ những kiến trúc các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn như được vẽ lại dưới từng lớp đất. Các phế tích kiến trúc phát lộ tại khu di tích Hoàng thành gồm nền móng, chân cột, từng đoạn đường gạch, trụ móng sỏi hoặc gạch ngói vụn có chức năng chống lún cho những chân cột lớn. Ngoài ra, còn có hệ thống thoát nước, giếng nước, dòng sông, hồ cổ... Trong nhiều hố khai quật đã tìm thấy các dấu tích kiến trúc và di vật thuộc các thời Lý - Trần - Lê (thế kỷ XI - XVII) nằm chồng lên các di tích kiến trúc và di vật thời Tống Bình - Đại La (thế kỷ VII-IX).

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu. Bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo.

Đây cũng là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử. Là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong sự phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.

16 năm lắng nghe “lời của đất” ở Hoàng thành Thăng Long ảnh 2
Ngày 1/8/2010, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới

Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật phong phú.

Trải qua thời gian, tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía không còn nữa. Nhưng hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng cung điện lầu gác, cùng số lượng lớn các di vật độc đáo được phát hiện dưới lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành là di sản vô cùng quý giá. Nó minh chứng cho sự phát triển liên tục của kinh đô Thăng Long và lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Vào lúc 20h30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brasil, tức 6h30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. 

Hiện nay, Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là một địa chỉ mà bất cứ du khách trong và ngoài nước nào cũng mong muốn một lần ghé thăm mỗi khi có dịp tới Hà Nội. Họ đến nghe di tích “kể chuyện” ngàn năm.  Đây cũng là điểm đến của kiều bào mỗi dịp Tết đến, xuân về trong chương trình Xuân quê hương. Là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn như: Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội, Lễ hội Áo dài Hà Nội, Hội sách Hà Nội, Tết Trung thu… 

Đặc biệt, chương trình “Tết Việt” đã đưa du khách trở về miền ký ức với Tết xưa thông qua ảnh tư liệu của Bảo tàng Albert Kahn (Cộng hòa Pháp) và tranh khắc gỗ của Henri Oger với những hình ảnh gần gũi như Táo quân, dựng nêu, pháo Tết. Dịp này, ta còn có thể tìm hiểu các phong tục Tết xưa như thờ cúng tổ tiên, gói bánh chưng, bầy mâm ngũ quả, làm cỗ Tết, trang trí hoa, đào quất, xông nhà, mừng tuổi, chúc Tết, chơi tranh, du Xuân, xin chữ đầu Xuân. Ta có thể tham gia các trò chơi dân gian như đi cầu tre, kéo co, bập bênh, đánh đu, chơi goòng, ném vòng, nhảy bao bố, xem biểu diễn múa tứ linh; thú chơi tranh ngày Tết của cha ông qua các dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng…

Trong dịp Tết nguyên đán, tại Hoàng thành Thăng Long còn diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa truyền thống như lễ cúng ông Công, ông Táo; dựng cây nêu… Lễ dâng hương khai xuân có nhiều nghi lễ truyền thống và biểu diễn văn nghệ, múa rối nước, võ thuật cổ truyền phục vụ khách du xuân...

Đọc thêm