'3 số vàng' hỗ trợ trẻ em bị sàm sỡ, xâm hại

(PLVN) - Quan điểm này đã được ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) khẳng định sáng qua (2/4) khi trao đổi với phóng viên. Ông Nam cũng bày tỏ mong muốn sớm hoàn thiện những chế tài pháp luật để xử lý những cá nhân phóng viên và cơ quan báo chí trong các hoạt động tác nghiệp đã xâm phạm bí mật đời tư của trẻ em.
'3 số vàng' hỗ trợ trẻ em bị sàm sỡ, xâm hại

Cần có trách nhiệm truyền thông về Tổng đài 111

Ngày 26/3/2019, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) nhận được điện thoại của cô giáo T. tự giới thiệu là giáo viên chủ nhiệm một lớp học thuộc trường THCS ở huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang về việc một học sinh của mình nghi bị chính bố đẻ xâm hại tình dục trong nhiều năm. Sau khi có sự tham gia của Tổng đài 111, sự việc đã được sáng tỏ.

Nạn nhân là cháu L. (SN 2005), đã bị chính cha đẻ tên là Q. (SN 1976), xâm hại tình dục. Thông tin ban đầu cho biết, năm cháu L. 11 tuổi thì bố mẹ ly hôn. Theo quyết định của Tòa án, cháu L. và người anh trai ở với bố tại huyện Lục Ngạn. Người bố tên Q. đã bắt đầu thực hiện hành vi đồi bại từ khi cháu L. học lớp 4 đến nay cháu học lớp 8 là thời điểm cô giáo phát hiện sự việc.

Sau khi nhận được thông báo, nhân viên tư vấn của Tổng đài 111 đã hướng dẫn cô giáo T. từng bước để hỗ trợ cháu L. cũng như liên hệ với mẹ cháu. Sau đó, cháu L. và mẹ cháu đã được chăm sóc và bảo vệ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Bắc Giang. Hiện vụ việc đang tiếp tục được làm rõ dưới sự quan tâm, giám sát của Cục Trẻ em. 

Qua vụ việc này có thể thấy vai trò quan trọng của Tổng đài 111 trong việc bảo vệ trẻ em và góp phần đưa các vụ xâm hại trẻ em cùng thủ phạm ra ánh sáng công lý. Tuy nhiên, qua một loạt những vụ viêc xảy ra với trẻ em gần đây có thể thấy, thông tin về Tổng đài 111 chưa được nhiều trẻ em, phụ huynh, giáo viên và người dân biết đến rộng rãi.

Trao đổi với phóng viên sáng qua (2/4), ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết cần thiết phải truyền thông rộng rãi hơn nữa về Tổng đài 111 và đây là  trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành khác nhau, chứ một mình Bộ LĐTB&XH và Cục Trẻ em thì không thể làm được. 

“Sắp tới Cục Trẻ em sẽ tham mưu để Bộ LĐTB&XH chính thức có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông… với trách nhiệm của mình có thể truyền bá thông tin rộng rãi về Tổng đài 111. Để tới đây trong tất cả các trường học đều có áp phích, tờ rơi, tờ gấp thông tin về Tổng đài 111, trong các bệnh viện, các tuyến y tế cơ sở, trạm y tế, trong các thiết chế văn hóa, các rạp hát, trung tâm văn, trên các phương tiện giao thông, trong các nhà hàng, khách sạn… cũng có áp phích như vậy.

Từ những vụ việc cụ thể như vụ việc ở Bắc Giang vừa qua có thể thấy khi chúng ta có thông tin sớm đến Tổng đài 111 thì diễn tiến sẽ tích cực hơn rất nhiều. Với chức năng trách nhiệm được pháp luật quy định thì Tổng đài 111 sẽ vào cuộc rất sớm kết nối với các bên giúp việc xử lý thuận lợi hơn, đặc biệt là việc vào cuộc để bảo vệ chăm sóc nạn nhân. Chính phủ, Nhà nước đã dành cho người dân một dịch vụ như vậy trách nhiệm của chúng ta phải tuyên truyền mạnh để cho mọi trẻ em người dân đều biết đến để sử dụng rộng rãi” – ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Nhiều cơ quan truyền thông đã vô tình xâm hại trẻ em thêm một lần nữa

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho biết, bản thân ông và Cục Trẻ em rất bức xúc vì quá nhiều cơ quan truyền thông đại chúng vi phạm Luật Trẻ em, vi phạm Nghị định 56 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em khi đưa quá chi tiết những hình ảnh, những thông tin bí mật đời tư của các em khi thông tin về các vụ việc xâm hại trẻ em, đơn cử như vụ ở Chương Mỹ, Hà Nội.

Cục Trẻ em đã chính thức có công văn gửi cho Cục Báo chí, Cục Phát thanh - Truyền thông và Thông tin điện tử của Bộ Thông tin – Truyền thông để đề nghị các cơ quan này với chức năng tham mưu cho Bộ Thông tin – Truyền thông là đơn vị quản lý hoạt động báo chí có phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư nhắc nhở báo chí truyền thông về vấn đề này. Theo ông Nam, không chỉ thế mà về lâu dài cần tham mưu để hoàn thiện cụ thể hơn những chế tài về mặt pháp luật để bảo vệ trẻ em bị xâm hại.

“Sắp tới Cục Trẻ em sẽ tăng cường phối hợp để thực hiện điều này và theo đề xuất ban đầu của chúng tôi thì pháp luật cần có sự tham khảo quy định của nhiều quốc gia khác yêu cầu cơ quan báo chí tuyệt đối không đưa thông tin về nạn nhân trẻ em mà chỉ đưa thông tin về thủ phạm, nghi phạm và tiến trình tư pháp.

Báo chí Việt Nam đưa thông tin rất kịp thời nhưng nhiều tờ báo đưa quá sâu, quá cụ thể, quá rõ hình ảnh, địa chỉ  về nhân thân, cá nhân của các em bé nạn nhân, điều đó đã vô tình xâm hại các em thêm một lần nữa. Thậm chí có những cơ quan báo chí cố ý đưa như vậy để câu view, câu like giật gân.

Bộ Thông tin – Truyền thông cần sớm đề xuất  để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quyền trẻ em này. Với lương tâm và trách nhiệm xã hội của mình, các cơ quan báo chí và nhà báo cũng cần phải sớm chấn chỉnh vấn đề này”, ông Nam nêu quan điểm.  

Đọc thêm