Alexandre De Rhodes - Những lần đối mặt với án tù (Kỳ 1): Giam lỏng và trục xuất

(PLO) -Ngày nay, có ai đến đất Sài Gòn hoa lệ, ghé thăm Quận 1, qua công viên 30 tháng 4 đối diện với Hội trường Thống nhất, sẽ gặp ngay con đường Alexandre De Rhodes, tên một ông Tây hẳn hoi. Nhưng, lại có nhiều dấu ấn với đất Việt lắm. 
Tượng bán thân của Alexandre De Rhodes
Tượng bán thân của Alexandre De Rhodes

Và nhà truyền giáo này, từng nhiều phen suýt bỏ mạng nơi mảnh đất nằm trên bán đảo Đông Dương. 

Theo tạp chí “Công giáo và dân tộc” số 798, ra ngày 17/31991, thì Alexandre De Rhodes được sinh ra tại vùng đất Avigon của đất nước hình lục lăng (Pháp) vào năm 1591 (có tài liệu ghi 1593). Dẫu tận nơi cựu lục địa xa xôi, nhưng cuộc đời nhà truyền giáo này, lại gắn nhiều với đất Việt.

Dấu ấn với chữ quốc ngữ

Ngày nay, dù có rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng tồn tại, phát triển trên đất nước ta, nhưng chính thức, thì có 14 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động, trong đó có Ki tô giáo. Tôn giáo ấy, du nhập vào nước ta từ khoảng giữa thế kỷ XVI nơi đất miệt biển Nam Định. Và Alexandre De Rhodes, là người đi sau trong công cuộc truyền bá tôn giáo mới vào đất Việt. Nhưng, người ta lại nhớ về ông nhiều. 

Trước hết, qua tường thuật của nghiên cứu “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam”, thiết tưởng nên nói qua một chút về vị linh mục người Pháp này. Về con đường dẫn Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ) đến với công việc truyền đạo, có thể lược thuật vài sự kiện chính trong đời ông. Ấy là năm 1612, vào tập viện Dòng Tên ở Roma.

Hai năm sau, Alexandre De Rhodes làm đơn xin đi truyền giáo. Đến năm 1618, chịu chức Linh mục. Lần đầu tiên nhà truyền giáo đến phương Đông, là vào năm 1619 với quốc gia đặt chân đến là Ấn Độ. Phải đến năm 1624, mới là lần đầu tiên, Alexandre De Rhodes đặt chân tới đất Việt, ở xứ Đàng Trong. 

Từ ấy cho tới khi mất, Alexandre De Rhodes lúc thì thực hiện việc truyền giáo ở Đàng Trong, khi ra Đàng Ngoài. Và cũng trong quãng đường xuôi Nam ngược Bắc ấy, nhiều phen, ông từng đối mặt với việc bị giam, thậm chí cả với án trảm quyết nữa. Nhưng rốt cục, sinh mạng của nhà truyền giáo người Pháp vẫn giữ được.

Cũng phải chú ý rằng buổi ấy, cho đến tận đầu thế kỷ XX, Nho giáo vẫn là tôn giáo chính thống nơi đất Việt, nên việc tôn giáo mới từ đất Tây dương với sự khác biệt về giáo lý, phong tục phương Đông, được tiếp nhận trong thái độ có lúc cởi mở, có lúc dè dặt của chính quyền. 

Với riêng Alexandre De Rhodes, bên cạnh nghiệp truyền đạo mà ông chọn cho đời mình, thì một trong những điểm mà người ta nhớ nhiều đến ông, lại ở lĩnh vực khác, đó là góp công cho sự ra đời, phát triển của chữ quốc ngữ theo ngữ hệ Latin, mà ngày nay chúng ta đang dùng.

Làm công việc truyền giáo, các giáo sĩ phương Tây khi vào đất Việt, đã cố gắng để có thể làm cho giáo dân hiểu những điều họ nói. Trên cơ sở sử dụng hệ thống chữ cái Latin, họ đã ghi âm tiếng Việt, từ đó, chữ quốc ngữ dần phôi thai ra đời. Dù là người đến sau, nhưng công lao với chữ quốc ngữ của Alexandre De Rhodes là rất lớn.

Từ điển Việt - Bồ - La
Từ điển Việt - Bồ  - La

Dẫu không phải là người tạo ra thứ chữ này, nhưng với việc xuất bản những cuốn sách Việt ngữ đầu tiên, Alexandre De Rhodes đã góp phần để thứ chữ mà ngày nay dân ta dùng được phổ biến hơn nữa. Đó là “Phép giảng tám ngày” và “Từ điển Việt-Bồ-La” được xuất bản tại Roma năm 1651,… 

Để có thể cho ra đời những tác phẩm Việt ngữ sơ khai ấy, vị linh mục này đã trải qua thời gian dài ăn cùng, ở cùng, sống cùng dân Việt, hiểu tiếng nói, phong tục, thậm chí là tiếng địa phương để có thể viết nên những tác phẩm ấy.

Trong “Hành trình và truyền giáo”, ông tâm sự khi mới tiếp xúc với ngôn ngữ mới này, thì “Tôi thú thực khi vừa mới đến xứ Nam, nghe dân bản xứ nói chuyện, nhất là phụ nữ tôi có cảm tưởng nghe tiếng chim hót. Lúc đầu tôi ngã lòng tưởng không thể nào học được tiếng nói của họ”. Ấy nhưng chỉ một thời gian ngắn, sau 4 tháng ông đã có thể giải tội, 6 tháng có thể giảng bằng tiếng Việt.

Trên bước đường truyền giáo nơi vùng đất mới khác biệt về phong tục, tập quán, nhân chủng, tiếng nói, tôn giáo… Alexandre De Rhodes dù có lúc được chính quyền bản địa tạo điều kiện cho công cuộc khai đạo của mình, nhưng cũng từng nhiều phen phải bị giam, bị trục xuất, thậm chí có lần đối mặt với án tử nữa. 

Bị hiểu lầm và trục xuất

Buổi ban đầu, với lợi thế về kiến thức, ngôn ngữ, Alexandre De Rhodes đã được cử ra Đàng Ngoài, bấy giờ đang thuộc quyền cai quản của vua Lê, chúa Trịnh để truyền đạo. Với việc các cha truyền đạo đến Đàng Ngoài, chúa Trịnh biết rằng họ sẽ đi trên những thuyền của người Bồ, và khi thuyền người Bồ đến, thì tức là họ cũng đem theo súng ống, đạn dược,một nguồn cung cấp vũ khí tối quan trọng có thể giúp chúa Trịnh trong cuộc giao tranh với Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Thế nên, chúa Trịnh Tráng rất lấy làm hài lòng mà tiếp nhận các cha truyền đạo mới. 

Khi cùng thuyền của các thương nhân người Bồ đến Bắc Hà vào tháng 3/1627, đoàn thuyền chở Alexandre De Rhodes gặp đoàn binh thuyền của chúa Trịnh Tráng đang trên đường xuôi Nam đánh chúa Nguyễn. Cùng với lái buôn người Bồ, họ được tiếp kiến chúa Trịnh, cuộc gặp gỡ để lại ấn tượng tốt đẹp với chúa Trịnh.

Họ được phép lưu lại An Vực để chờ chúa chinh Nam trở về. Trong thời gian lưu lại đây, Alexandre De Rhodes đã có dịp truyền giáo cho một số cung nữ và các bà chúa theo vua Lê chúa Trịnh đánh Nam Hà nhưng lưu lại An Vực. 

Cuộc trừng phạt Nam Hà không thành công, chúa Trịnh rút quân về, Alexandre De Rhodes cùng đồng sự được phép ở vào Đông Kinh và ở lại giảng đạo. Theo tâm sự của chính ông trong cuốn “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài”, nhờ kiến thức về khoa học tân tiến và mới mẻ so với nhận thức đương thời, nên các cha giảng đạo được chúa Trịnh quý mến, thường xuyên gọi hầu chuyện và đàm đạo. Nhờ đó, công việc giảng đạo, truyền đạo có nhiều thuận lợi. Số giáo dân cả trong hoàng gia và ngoài nhân gian ngày một tăng. 

Phép giảng tám ngày
Phép giảng tám ngày

Ghi chép trong “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam” cho hay, sau một năm yên bình được truyền giáo. Thì những khó khăn bắt đầu xuất hiện với Alexandre De Rhodes và cộng sự của mình bởi nhiều lý do. Ấy là quy định một vợ một chồng của Công giáo không phù hợp với tục đa thê ở đất Việt.

Việc đến tai chúa Trịnh, và không lâu sau, qua một vị quan, điều cảnh báo được gửi đến với ông, rằng không được giao rảng sự cấm đoán đa thê ấy. Chúa Trịnh dần dà cũng bớt thân mật với các cha giảng đạo Tây phương. Còn trong nhân gian, thì nhiều nơi tin rằng các cha giảng là những tay phù thủy không hơn. Thêm nữa, lại có tin đồn rằng các cha giảng đạo Ki tô mật ước với chúa Nguyễn và nhà Mạc ở Cao Bằng để đánh chúa Trịnh. Thế là…

… Chúa Trịnh Tráng, lo cho sự an nguy của vùng đất mình cai quản cùng vua Lê, liền ra chỉ cấm đạo. Chúa Trịnh cấm ngặt thần dân không được đi lại với các đạo trưởng và không tin theo đạo. Sắc chỉ cấm đạo được viết trên mảnh gỗ lớn, cắm ngay trước nhà của các cha giảng đạo. Và vậy là, từ đây, Alexandre De Rhodes bị quản thúc trong 4 tháng, Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đến tháng 9/1628 việc giam lỏng được nới hơn nhưng đến cuối tháng 3/1629 thì tình hình đã khác. 

Sau khi điều tra những lời tâu về tội truyền giảng của các đạo trưởng Tây dương, chúa Trịnh biết là vu cáo, tuy nhiên, không vì thế mà chúa Trịnh có cái nhìn khác. Bởi lúc ấy chiếc thuyền buôn chở Alexandre De Rhodes vào Đông Kinh đã bị đắm ở đảo Hải Nam. Năm 1628, không thấy tàu người Bồ tới, rồi đến năm 1629 cũng vẫn bóng chim tăm cá.

Nguồn vũ khí từ người Bồ cung cấp không đến như mong muốn, chúa Trịnh liền ra lệnh trục xuất các cha giảng đạo. Cuối tháng 3/1629, cùng với những cộng sự của mình Alexandre De Rhodes xuống thuyền, bị trục xuất khỏi đất của vua Lê, chúa Trịnh. Và đây, mới chỉ là khởi đầu cho những phen bị trục xuất khác, cũng như có lần bị bắt giam tưởng chừng hồn được về với chúa khác của Đắc Lộ.

Phép giảng tám ngày

Đọc thêm