Bất cập quy hoạch 'góp phần' gây ngập lụt Đà Nẵng

(PLO) - Những ngày qua, sau trận mưa liên tục được cho là “lụt lịch sử” hơn cả năm 1999, khắp TP Đà Nẵng chìm trong nước, nhiều tuyến phố phải căng dây phong tỏa cảnh báo. Nguyên nhân được Đà Nẵng lý giải do hệ thống cống xả thoát nước không thể đáp ứng được lượng mưa quá lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra, còn có những nguyên nhân sâu xa hơn trong quy hoạch phát triển đô thị...
Hình ảnh ngập lụt lịch sử tại Đà Nẵng
Hình ảnh ngập lụt lịch sử tại Đà Nẵng

Tiêu thoát nước kém, quy hoạch hạn chế

Thống kê của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng (Cty TN&XLNT), ngày 11/12, mưa lớn những ngày qua khiến Đà Nẵng có 37 khu vực ngập úng nặng, ngập sâu nhất có khu vực các đường Hải Hồ, Lý Tự Trọng, Đống Đa, Ông Ích Khiêm, Hàm Nghi (Thanh Khê và quận Hải Châu); đặc biệt phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu); trước cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh; bến xe Trung tâm thành phố; ngã ba đường Nguyễn Đức Thuận - Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn)… Ngày 10 và 11/12, tại các khực vực huyện Hòa Vang cũng cùng chung số phận với quận trung tâm, mặc dù thời tiết đã ngớt mưa, có nắng, song nước rút rất chậm.

Trước tình hình trên, Cty TN&XLNT Đà Nẵng đã huy động lực lượng tham gia khơi thông cống thoát nước, vệ sinh tại các cửa thu nước, vận hành hết công suất các trạm bơm chống ngập, mở hết các cửa phai tại các hồ điều tiết. Tuy nhiên, lượng mưa quá lớn, vượt quá tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước nên gây ngập úng nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. 

Ông Mai Mã, Giám đốc Cty TN&XLNT Đà Nẵng cho biết, hệ thống thoát nước hiện nay chỉ có thể đáp ứng lượng mưa tầm 100mm nên với trận mưa lớn hiếm có trong đêm 8 và ngày 9/12 lên đến gần 40mm nên không thể thu gom, thoát kịp. Cũng theo ông Mã, nước từ hệ thống xả này chủ yếu thoát ra sông và ra biển. Thế nhưng, lúc này, vì nước lớn nên cửa xả biển Mỹ An cũng đã bị phá hỏng, gây sạt lở.

Nguyên nhân này cũng được đại diện Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thông tin tương tự, do lượng mưa quá lớn, lại kéo dài nên dù các cửa xả đã hoạt động hết công suất cũng không thể xử lý kịp. Ngoài ra, khi đi kiểm tra thực tế tại các cống nước khu vực bị ngập, Sở Xây dựng còn ghi nhận thấy tất cả đều bị rác bịt kín khiến nước không thể tiêu thoát được.

Đáng nói, trong báo cáo chuyên đề về đô thị của Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng mới đây cũng cho rằng, công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng đến thời điểm này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo báo cáo giám sát của Ban đô thị, các hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng qua các thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh đồng bộ; nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp, thường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Nhiều dự án khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo cùng với việc san lấp ao hồ gây nên tình trạng ngập úng cục bộ. Nhiều đồ án được điều chỉnh quy hoạch khiến hiện nay chỉ còn 30 hồ trong khi trước đây có 42 hồ nằm rải rác trên địa bàn 7 quận huyện với tổng diện tích nước mặt khoảng 1,8 triệu m2, dung tích chứa tối đa khoảng 3,3 triệu m3.

Còn nhiều nguyên nhân sâu xa

Ở góc nhìn của mình, kiến trúc sư (KTS) Hoàng Quang Huy, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho hay, không chỉ Đà Nẵng mà nhiều tỉnh miền Trung khác cũng rơi vào tình trạng ngập lụt do mưa quá lớn và kéo dài. “Đà Nẵng gần biển, lại có độ dốc rất lớn, mưa lớn tập trung nên nước ồ ạt chảy từ trên núi xuống, kết hợp với thủy triều dâng lên khiến nước bị ứ lại, không thoát kịp. Sau khi làm quy hoạch, Đà Nẵng đã giải quyết triệt để khâu thoát nước. Bình thường, nếu không có thủy triều, sông Hàn, sông Cu Đê làm nhiệm vụ thoát nước rất tốt. Còn ở đây, điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra nên đành chịu, không có cách gì khắc phục được”, KTS Hoàng Quang Huy nói. 

Dù vậy, theo ông Huy, Đà Nẵng vẫn có thể xem xét, xử lý những điểm ngập úng cục bộ. Ông ví dụ, Đà Nẵng có đoạn đường nối từ sân bay Đà Nẵng về trung tâm thành phố, trước đây trong thiết kế là cao độ ngang nhau nhưng về sau, do điều kiện kinh phí, tiết kiệm nên lúc bấy giờ thành phố quyết định làm theo độ dốc tự nhiên. Vì lẽ đó, con đường này có một đoạn chạy qua hồ thì võng xuống và thường bị ngập ở đó, không xử lý được. “Cần giao cho các cơ quan chuyên môn như Sở GTVT, Sở TN-MT, Sở Xây dựng phối hợp với các hội nghề nghiệp rà soát, xem chỗ nào bị ngập úng cục bộ, tư vấn cho lãnh đạo TP khắc phục, xử lý”, ông Huy nhấn mạnh.

Trong khi đó, KTS Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP Đà Nẵng nêu ý kiến: Các vùng trũng, công viên, ruộng và các vùng đất thấp khác trước đây vốn chứa nước tự nhiên của Đà Nẵng giờ đã đô thị hóa, san lấp bởi các dự án bất động sản, đắp cao hơn vùng nội thị Đà Nẵng nên gây ngập chủ yếu ở khu vực trung tâm.

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa cũng khiến nước mưa không có chỗ thấm làm tăng thêm lượng nước ứ đọng. Hơn nữa, Đà Nẵng còn chủ quan năm nay không có mưa, lụt lớn nữa nên việc quản lý hệ thống kênh mương, miệng xả, cống không được thông dòng. Khi lượng mưa lớn bất ngờ thì nước không thoát được. “Một sai lầm khác của quy hoạch là các tuyến đường ven bờ sông, ven hồ, ven biển nhưng lại xây dựng những con đường cao hơn đất trong thành phố khiến nước trong thành phố không thoát được. Trong khi đó, nước phải chảy ra biển, sông thông qua cống nhưng hệ thống cống nhỏ, tắc do rác thải lâu ngày không được nạo vét, khơi thông dẫn đến ngập”, ông Diệm nói.

Còn kiến trúc sư Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng) chỉ ra 3 nguyên nhân khiến Đà Nẵng ngập kỷ lục. Thứ nhất, với Đà Nẵng, đường ven biển, khu ven biển đã thành resort. Và các resort đã tính cao độ để không bị ngập nhưng không quan tâm đến cốt nền chung của cả đô thị. 

Thứ hai, quy hoạch thiếu sự kết nối giữa các dự án cho nên các đô thị hiện hữu, các đô thị cũ trước đây không bao giờ ngập nhưng khi phát triển một cách tùy tiện, thậm chí phá vỡ quy hoạch mà hệ thống thoát nước của đô thị hiện hữu lại thường tính không phải đổ ra biển, mà tính đổ ra sông. “Sông Hàn đang bị khai thác quá mức, xây dựng lấn chiếm ảnh hưởng đến sự lưu thoát của dòng chảy. Hệ thống thoát nước trong đô thị không kiểm soát được”, người này nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ ba, theo ông Trí do việc phân lô bán nền, xây dựng các dự án cao ốc, resort. Do đó, ông cho rằng vấn đề ở đây là phải tăng cường công tác quản lý đô thị, tăng cường trách nhiệm của chính quyền trước nhân dân. 

Đọc thêm