Bệnh viện mất an ninh chẳng kém bến xe

(PLO) - Ngày càng nhiều các vụ gây rối, truy sát, trộm cắp, phá hoại của công xảy ra ở các bệnh viện (BV). Nghiêm trọng và đáng lo hơn là tình trạng bắt cóc trẻ sơ sinh, đe dọa nghiêm trọng tính mạng con người, gây mất trật tự và làm đình trệ hoạt động BV, bất an trong đời sống xã hội...
Ảnh đạo chích được dán ở BV Bạch Mai để nhân dân cảnh giác.
Ảnh đạo chích được dán ở BV Bạch Mai để nhân dân cảnh giác. 
Báo động đỏ...
Theo thông tin từ Phòng PA 83 Công an TP.Hà Nội, lợi dụng tình trạng người bệnh tập trung đông về khám, chữa bệnh các bệnh viện Hà Nội, các hoạt động trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn bán ma túy, khám chữa bệnh trái phép, bán máu, mua trẻ em... diễn ra khá phổ biến. Không ít sai phạm y tế cũng diễn ra gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự BV như vụ “ăn bớt” vắc xin ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội; “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoài Đức và ném xác bệnh nhân (BN) phi tang của chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường... 
Nhức nhối, bức xúc, làm cơ quan chức năng đau đầu và dư luận quan tâm trong suốt thời gian qua còn phải kể đến vụ người em trai do bị ảnh hưởng bởi ma túy đá đã lẻn vào phòng bệnh cắt chân chị gái xảy ra cách đây không lâu tại BVĐK Xanh pôn...
Đáng quan tâm là tình trạng mất an ninh như vậy không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà các TP lớn đều gặp phải.
Mỗi nơi “chữa” một kiểu…
Trước thực tế này, mỗi nơi lại có một giải pháp khác nhau, Bác sĩ Dũng - Giám đốc BVĐK Thống Nhất, Đồng Nai cho hay, Ban Giám đốc đã giải thể đội bảo vệ BV, ký kết hợp đồng với một công ty bảo vệ chuyên nghiệp trực ở các “điểm nóng” về mất trật tự như cổng ra vào, phòng cấp cứu, cấp phát thuốc… Cùng với đó, BV cũng lập bãi giữ xe thông minh, lắp đặt camera ở các khoa, phòng, cổng ra vào… Để làm được điều này, ông Dũng cho hay, lãnh đạo phải  “lao tâm khổ tứ”, chi phí một khoản kinh phí không nhỏ của BV vào đó.
Để trấn an dư luận cũng như tạo điều kiện cho các nhân viên y tế yên tâm làm việc, ông Nguyễn Văn Dung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho hay, các cơ sở y tế trên địa bàn tùy theo khả năng, điều  kiện của mình đã phải tìm mọi cách để cứu mình. Nơi thì củng cố, bổ sung thêm lực lượng bảo vệ, vệ sỹ… (có cơ sở phức tạp như BVĐK Đống Đa đã phải thiết lập cả phòng trực riêng cho các chiến sỹ công an); hệ thống đường dây nóng (ĐDN) cũng được thành lập tại các BV; nơi thì phải bỏ tiền thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để bảo đảm trật tự xung quanh khu vực BV… Siết chặt các quy định về thời gian thăm nom BN; kiểm soát chặt chẽ tình trạng an ninh trong BV, hạn chế tình trạng cò mồi móc nối với nhân viên y tế; coi trọng công tác tuyên truyền, cảnh báo… 
Phải đổi mới toàn diện hệ thống khám chữa bệnh
Theo TS Trần Tuấn - GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng, BV là môi trường cần sự an ủi, động viên, chia sẻ của con người. BV cũng là ngôi nhà chung mà ai cũng có thể đến… Chính vì vậy, kẻ gian dễ dàng lọt vào để lừa lọc, làm mất trật tự khu vực BV. Và tình trạng mất an ninh trật tự trong BV là một biểu hiện cụ thể, hậu quả trực tiếp của tình trạng xuống cấp đạo đức của xã hội. 
Cũng theo TS Trần Tuấn, an ninh BV là an ninh tập thể và rất khó giải quyết. Càng không thể giải quyết được khi con người vô cảm với xã hội, thời cuộc và chính bản thân mình.  “Gốc gác vấn đề vẫn là câu chuyện về hệ thống. Không giải quyết từ gốc “bài toán hệ thống” thì vấn đề quá tải,  quản lý nhân sự, “áo công, ruột tư” sẽ khiến bất kể các kế hoạch nào đưa ra để “tăng cường an ninh” đều sẽ thất bại. Bởi an ninh đâu chỉ là theo dõi, lắp đặt camera và luật thật nặng, khi tâm tư “mất tiền oan, chết oan” còn nặng trong đầu, đánh giá chuyên môn không được thực hiện công khai, minh bạch...” - ông Tuấn nói.

Đọc thêm