Bố chiếm đoạt gói bột ngọt, con lỡ hẹn ngành cảnh sát

(PLO) - Chỉ vì ham vui cùng bạn lên tàu “xin” gói bột ngọt (mì chính), ông Đỗ Văn Sơn (SN 1967, ngụ số 2/134 đường Hạ Lý, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) bị tuyên 3 năm tù treo về tội cướp tài sản. Gần 30 năm sau, ước mơ vào ngành công an của con trai dang dở bởi lý lịch “đen” của cha. 
Bố chiếm đoạt gói bột ngọt, con lỡ hẹn ngành cảnh sát
Gói bột ngọt “đổi” 3 năm tù treo
Cho rằng sự việc đã xảy ra hơn 30 năm, bản thân đã được xóa án tích, nhưng vì thế mà con trai không đủ điều kiện thi vào trường cảnh sát là quy định “cần xem xét lại” nên ông Sơn gọi điện đến đường dây nóng XLPL phản ánh sự việc.
Quy định của lực lượng vũ trang là như vậy, con trai ông Sơn lỗi hẹn với ước mơ cảnh sát, nhưng điều đáng trân trọng là thái độ ân hận của người cha. Câu chuyện cũng là bài học để các bậc cha mẹ tự răn dạy mình, đừng vì phạm sai lầm thời trẻ mà sau này con cái phải gánh hậu quả. 
Trong căn nhà nhỏ chưa tới 10m2 thuê cách đây hai năm để mở quán cháo dinh dưỡng. Mùi than tổ ong bên trong ngạt thở, chủ nhà phải mời khách ra phía ngoài sân nói chuyện. Gương mặt đượm buồn, ông Sơn cho biết luôn cảm thấy có lỗi với con trai. Con ông thi đủ điểm vào trường trung cấp cảnh sát, nhưng vì lý lịch bố có tiền án, mà không được theo học.
Sinh ra trong gia đình có chín anh em, ông Sơn là áp út. Nhà nghèo, lại đông anh em, nên từ khi 13 tuổi, cậu bé đã phải mưu sinh kiếm tiền giúp bố mẹ. Cứ sáng sớm, ông Sơn phải dậy từ sớm kéo xe ba gác thuê, chiều cắp sách đến lớp. Dù thân hình còi cọc, nhưng mãi thành quen, thúng than 20kg được cậu bốc lên xuống nhanh thoăn thoắt. 
Bản tính bốc đồng tuổi mới lớn, sáng mùng Một tết năm 1988, chàng trai 21 tuổi sang nhà bạn tên Hưng chúc Tết. Trong hơi men ngà ngà, anh trai của bạn rủ hai đứa em đi chơi. 
Khoảng 9h sáng, Tiến (anh trai Hưng), Hưng và Sơn lên chiếc tàu chở hàng “lượn lờ” trên sông thì gặp đoàn xà lan chở than đi ngược chiều. Nhận ra người quen trên xà lan, Tiến lái tàu đến gần.
“Lúc đó nhìn lên bàn thờ trên xà lan, tôi thấy có gói bột ngọt loại 200g, bì ngoài màu đỏ nên nói “cho xin gói trên bàn thờ”. Đám người trên xà lan không nói gì. Sau đó tôi thấy Hưng lôi ra một khẩu súng bắn chỉ thiên. Cuối xà lan, thủy thủ tháo đầu máy bỏ chạy báo cảnh sát. Còn anh Tiến lái tàu quay trở về nhà ở phố Vạn Kiếp”, ông Sơn nhớ lại.
Sau sự việc, chàng trai hàng ngày vẫn đi làm đều đặn. Bẵng đi khoảng 8 tháng, anh nhận được tin anh em Tiến - Hưng bị bắt. Đến ngày 25/11/1989, trong khi đang làm việc, chàng trai bị Công an Hải Phòng mời đến đọc lệnh bắt giữ. Lúc này, Sơn mới biết mình bị bắt vì tham gia việc chiếm đoạt gói mì chính trên xà lan trước đó. 
Bị can được tại ngoại chờ ngày xét xử. Ngày 20/3/1990, TAND TP.Hải Phòng mở phiên tòa xét xử ba bị cáo về tội cướp tài sản. Anh Sơn chịu mức án 5 năm tù giam. 
Cho rằng bản án quá nghiêm khắc, bị cáo Sơn làm đơn kháng cáo. Trong phiên tòa phúc phẩm ngày 12/7/1990, TANDTC xem xét hoàn cảnh gia đình bị cáo có anh trai cả là liệt sĩ, anh trai thứ tư là thương binh, bị cáo phạm tội lần đầu nên xử ba năm tù treo. “Gói mì chính lúc đó giá chỉ khoảng 1,5 nghìn. Tuy không đồng tình với bản án, nhưng vì án treo nên tôi cũng không kêu ca gì nữa”, ông Sơn trần tình.
Cha làm, con chịu 
Năm 1992, ông Sơn lấy vợ, sinh hai đứa con. Với nghề bốc vác thuê cho các cửa hàng ăn uống trong nội thành, cuộc sống gia đình ông khá vất vả. Nhưng điều khiến ông tự hào nhất là hai con đều ngoan, học giỏi. 
Rồi lần lượt những biến cố ập đến gia đình ông, bắt đầu từ năm 2008. Lúc đó con gái lớn của ông đang học lớp 10, bống phát hiện mắc bệnh ung thư máu. “Cháu nó đang học trường năng khiếu Trần Phú, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. 
Một lần nói chuyện với tôi, nó than mệt, muốn đi khám bệnh. Khi đến bệnh viện Việt Tiệp, bác sĩ khám xong chuyển cháu lên thẳng Viện huyết học Trung ương. Sau hơn một tháng thì cháu qua đời”, ông Sơn trầm ngâm. Ngồi bên cạnh, người vợ khẽ lau nước mắt.
Mọi tình thương, hy vọng, vợ chồng ông Sơn dồn cho cậu con trai út tên Đỗ Xuân Trường. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Trường đăng kí dự thi khối A Trường Đại học Hàng Hải nhưng không đỗ. Năm 2013, Sơn ước mơ được trở thành chiến sĩ công an nên dự thi vào Học viện cảnh sát nhân dân. 
“Trước đó cháu không hề biết tôi có tiền án nên hăm hở đi khám sức khỏe. Tôi cũng nghĩ đơn giản rằng sự việc đã trôi qua nhiều năm, hơn nữa án tích đã được xóa. Lúc tôi phạm tội còn chưa sinh con, thế nên cứ chắc mẩm không ảnh hưởng đến cháu. Mắt cháu bị cận, gia đình phải đưa đi phẫu thuật tại bệnh viện mắt Hà Nội để có thể đủ tiêu chuẩn sức khỏe”, ông Sơn kể tiếp. 
Người cha ân hận vì làm lỡ ước mơ của con
Người cha ân hận vì làm lỡ ước mơ của con 
Hơn tháng sau, Trường mua hồ sơ đăng kí dự thi vào ngành cảnh sát theo đúng thủ tục. Đến giáp ngày thi, trong khi bạn bè háo hức chuẩn bị nhưng Trường vẫn chưa được giấy báo dự thi. 
“Hỏi ra tôi mới biết trong quá trình xác minh lý lịch gia đình, Trường không đủ điều kiện dự ngành công an. Gia đình phải gấp rút hoàn tất thủ tục xin thi nhờ để xét điểm vào trường khác. Lúc này cháu rất buồn. Tôi cũng không biết giải thích như thế nào, chỉ động viên con cố gắng. Năm đó con tôi đạt 20,5 điểm, đủ xét tuyển vào hệ trung cấp trường cảnh sát nhân dân”, người mẹ cho hay. 
Một năm sau, Trường thi đỗ Đại học văn hóa ngành thông tin học, hiện đang học năm thứ hai. Chàng trai vẫn ôm mơ ước phục vụ lực lượng vũ trang, viết đơn xin đi nghĩa vụ công an, nhưng vẫn không thành. 
“Hôm trước tôi nghe con tâm sự với bạn nếu được học trung cấp cảnh sát thì giờ đã ra trường rồi. Nó mê ngành công an lắm, có lần còn thấy nài nỉ mượn bạn bộ quân phục để chụp ảnh. Tôi vừa thấy thương con, vừa cảm thấy ân hận về những gì trước kia tuổi trẻ bồng bột mình làm, nay con phải lãnh hậu quả”, người cha trầm ngâm. /.

Đọc thêm