Chật vật hành trình làm lại cuộc đời của anh thanh niên dùng ổ khóa đánh mẹ nuôi

(PLO) - Suốt buổi trò chuyện, mặt Ân buồn tênh, lặng lẽ sau tấm lưng còm của mẹ nuôi. Ân bị người xung quanh bỏ rơi, né tránh chỉ vì cái tiếng “thằng tù”, “thằng bị HIV”. Trở về từ trại giam được 6 tháng, Ân vẫn chưa tìm được việc làm. Ân quẩn quanh căn phòng chật hẹp hoặc rong ruổi với chiếc xe máy cà tàng quanh phố cho đỡ “bức bối”. 
Mẹ con bà Thơm cô đơn trong căn phòng chật hẹp vì sự kỳ thị của người xung quanh
Mẹ con bà Thơm cô đơn trong căn phòng chật hẹp vì sự kỳ thị của người xung quanh

Ám ảnh sự cô đơn 

Dù 6 tháng trôi qua kể từ ngày Nguyễn Thiên Ân (SN 1980) được TAND quận Bình Thạnh, TP HCM tuyên án tù bằng số ngày tạm giam về tội “Cố ý gây thương tích” cho người mẹ nuôi Nguyễn Thị Thơm (SN 1940), nhiều người vẫn chưa yên lòng. Bởi ngày Ân được thả, nhiều tiếng vào lời ra. Có người còn sợ Ân trở lại đường cũ mà gây ra tội cho bà Thơm. Người viết quyết định trở lại một cách bất ngờ để tìm hiểu cuộc sống của hai mẹ con họ.

Ân và bà Thơm đang cặm cụi đánh vật với mấy con cá trong căn bếp chật hẹp. Mấy con cá biển được một phụ huynh cũ khi bà Thơm còn làm giáo viên mang đến biếu. Thấy khách dựng xe trước nhà, Ân giơ tay hỏi: “Anh tìm ai?”. Tôi gọi với vào: “Bà Thơm ơi”. Nghe tiếng người quen, bà Thơm lật đật bỏ dở mớ cá trong bếp, mò mẫn tìm khăn lau tay vừa nói “mời chú vào nhà chơi”. Nói xong, bà ngồi xuống chiếc giường quen thuộc ngay cửa ra vào, miệng vẫn không dứt những câu “ấm ức” trong lòng.

“Bữa trước tuyên án xong, 1 tháng sau tôi mới nhận được bản án nên không kháng cáo. Tôi muốn kháng cáo vì con tôi nó bị oan. Ở tòa, chính ông giám định viên nói con tôi bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự mà…”, bà nói một hơi dài không nghỉ. Theo bà, Ân là đứa con ngoan, hiền. Ân đánh bà vì bị lên cơn tâm thần.

Ân lấy ghế ngồi sau lưng mẹ nuôi, lặng lẽ nghe chuyện. Trong căn phòng chật hẹp, nóng hừng hực, người con cởi trần. Khuôn mặt Ân đầy đặn, hồng hào. Ân bảo về nhà khỏe hơn, ăn được ngủ được nên tăng cân. Mỗi lần khách hỏi, Ân trả lời nhẹ nhàng, giọng buồn.

Ngày được tuyên tự do, Ân khóc vì mừng. Bà Thơm cũng khóc, nước mắt bà dường như chỉ dành cho Ân – đứa con nuôi không phải “đứt ruột đẻ ra”. Trở về trại giam Chí Hòa làm xong thủ tục, Ân bỏ lại quần áo, vật dụng cá nhân cho bạn tù, tay không bắt xe ôm về nhà. Về nhà, người con vét sạch số tiền trong túi ra trả xe ôm. “Mẹ ơi, tiền ở trong tù xui lắm. Con cho ông xe ôm hết rồi. Con không muốn quay lại đó nữa. Con ở nhà nuôi mẹ”, Ân nói.

Hai mẹ con ôm nhau khóc giữa căn phòng nhỏ bé, chật hẹp. Bà Thơm khóc vì thương con, vì uất ức, vì cho rằng con đi tù oan. Còn Ân không dám nghĩ nhiều bởi những tháng ngày trong trại giam như “liều thuốc” giúp anh hồi tỉnh.

Ân về nhà được vài ngày, bà Thơm lên cơn huyết áp phải đi viện. Ân chăm bà từng chút một. Hết bà Thơm bệnh, lại đến Ân vào Bệnh viện Tâm thần điều trị. Điều trị được 10 ngày, bác sĩ cho xuất viện về nhà điều trị ngoại trú. Hàng tháng, Ân đều phải đến tái khám và được cấp thuốc mới.

Ân trở về, căn phòng rộng 15 m2 thêm người. Nhưng sự cô đơn ám lấy hai mẹ con. Hàng xóm không ai dám đến nhà bà Thơm. Thậm chí, còn buông những lời không tốt về Ân. Họ xem Ân là một thằng tù. Thằng tù vì đánh mẹ nuôi. Mẹ còn dám đánh thì “lên cơn, nó còn sợ ai”. Người ta còn kỳ thị vì Ân là người bị nhiễm HIV. Cái tiếng ấy, không ai dám bén mảng đến gần. Người ta sợ Ân, né tránh.

Hôm Ân mới về nhà, một vài bạn tù chung phòng có đến thăm. “Có đứa tù nhà giàu, tôi thường bảo “thằng tù nghĩa hiệp”, lâu lâu nó tới thăm, nó cho thằng Ân đôi trăm. Một đứa khác, nhà có đám giỗ, đám tiệc đều kêu Ân đến. Chứ quanh xóm, người ta không thèm nhìn mặt thằng Ân”, bà Thơm kể.

Mong có việc làm để nuôi mẹ

Căn nhà nhỏ chỉ còn hai mẹ con sống qua ngày với nhau. Ân đến bãi xe nhận chiếc xe máy cà tàng được gửi từ ngày bị tạm giam đến nay vì nhà không có chổ để. Bà chủ bãi xe thương tình không lấy tiền. Nhưng chiếc xe gần như thành đống sắt vụn. Phải mất vài tháng chắt chiu, bà Thơm mới sửa lại được cho con tạm có “cái chân mà đi”.

Mỗi ngày, Ân đi chợ về nấu cơm cho bà Thơm. Mẹ con cơm cháo qua ngày. Một mớ rau, một quả trứng hay một chút thịt cho bữa cơm nhưng sum vầy tình thương. “Ân lo hết. Tôi giờ mù, có thấy đường gì đâu. Hồi tôi bệnh, nó lo cơm nước, quần áo, dẫn tôi đi vệ sinh. Đêm hôm, tôi lên huyết áp, có con chở đi bệnh viện. Không có nó, tôi biết gọi ai, thân mù lòa nghèo khổ”, bà Thơm nói.

Mẹ con bà Thơm sống chủ yếu nhờ vào số tiền hưu 3,2 triệu đồng mỗi tháng của bà. Số tiền ấy phải chắt chiu chia trả tiền điện, nước, tiền thuốc men… Còn gạo mỗi tháng được nhà hảo tâm tài trợ 10kg. Mấy phụ huynh cũ còn nhớ tới cô giáo Thơm nên lâu lâu lại mang ít quà, thức ăn sang biếu.

Cái tủ điện thoại cũ, hơn 2 năm vắng bóng Ân đã hỏng, không còn buôn bán, sửa chữa được. Ân muốn có việc làm. Nhưng đáp lại là những cái lắc đầu. Chàng trai xin đi giao hàng, người ta đòi giấy tờ xe. Nhưng cái xe máy cà tàng đã mất giấy tờ.  Ân xin chạy xe ôm công nghệ, người ta cũng không chấp nhận.

“Xin vào làm ở tiệm điện thoại, người ta nhìn hồ sơ là “lắc đầu” ngay. Mình có tiền án, lại có bệnh HIV thì ai dám nhận. Gặp mình thì mình cũng vậy thôi. Nhưng em muốn xin việc làm để có thu nhập phụ mẹ. Lương hưu mẹ đâu có đủ dùng. Với lại ở nhà, bức bách lắm, cứ đi ra rồi đi vào. Ra đến cửa là có người nhìn. Họ cứ chăm chăm như thể mình là tội phạm. Em buồn, tủi thân lắm. Mình muốn làm lại cuộc đời như khó quá...”, Ân nói.

Bà Thơm xen ngang câu chuyện: “Hồi nó còn ở trong trại giam, hàng xóm còn đến thăm tôi. Giờ họ không thèm hỏi luôn. Mỗi ngày, hai mẹ con quẩn quanh với nhau. Hôm nào buồn quá, Ân xách xe đi. Ân xin 20 nghìn đồng uống café cho khuây khỏa đầu óc. Có hôm một mình một xe, Ân lên phố đi bộ Nguyễn Huệ dạo. Về nhà Ân kể phố xá đẹp lắm. Nó bảo “mẹ lên xe con chở ra phố chơi, người ta đi dạo vui lắm”. Nhưng tôi không đi. Tôi có thấy gì đâu, trước mặt, ngày cũng như đêm, tối hù”.

Suốt cuộc trò chuyện, Ân cứ than buồn vì thấy người xung quanh đối xử với một người vừa ra tù không được bình thường. Buồn vì cứ ru rú xó bếp với mẹ. Chàng trai cần có việc làm và nói sẽ tiếp tục đi xin.

Nguyễn Thiên Ân (SN 1980) bị nghiện ma túy nhiều năm và được cai nghiện thành công năm 2012. Ngày 17/02/2016, Ân dùng ổ khóa đánh gây thương tích cho bà Nguyễn Thị Thơm – mẹ nuôi Ân.

Theo kết quả giám định, thời điểm gây án, Ân dương tính với ma túy và bị tâm thần dạng ảo giác không có năng lực điều khiển hành vi. Ân cũng bị nhiễm HIV giai đoạn đầu. Bà Thơm bị thương tích 67%. Cơ quan điều tra quận Bình Thạnh tạm giam Ân từ ngày 17/02/2016. Tháng 10/2017, TAND quận Bình Thạnh đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm đã trả hồ sơ yêu cầu giám định tâm thần đối với Ân.

Ngày 17/04/2018, Ân được đưa ra xét xử lại và thừa nhận hành vi của mình. VKS đề nghị tòa tuyên án Ân dưới khung từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù giam. Nghị án kéo dài, đến ngày 20/04/2018, Tòa tuyên Ân 2 năm 2 tháng 3 ngày giam bằng thời hạn tạm giam. Ân được trả tự do ngay tại tòa. Trong các phiên tòa, bà Thơm đều kêu oan cho Ân. Bà Thơm cho rằng Ân bị tâm thần, không điều khiển được hành vi. Đồng thời, bà Thơm cho rằng kết quả giám định thương tích của bà không phải 67% nên đề nghị giám định lại. Tuy nhiên, Tòa không chấp nhận.

Đọc thêm