Chuyện 'có một không hai' tại Việt Nam: Người đàn ông duy nhất hai lần được phong phò mã

Công chúa là bậc cao sang quyền quý, vì kết hôn với người có địa vị thấp hơn nên công chúa lấy chồng gọi là “hạ giá”. Bởi thế trở thành phò mã là vinh dự lớn cho các tù trưởng. Hai lần trở thành phò mã thì trường hợp Dương Tự Minh là “độc nhất vô nhị”.
Đền Đuổm - nơi thờ vị tù trưởng hai lần được phong làm phò mã dưới triều Lý.
Đền Đuổm - nơi thờ vị tù trưởng hai lần được phong làm phò mã dưới triều Lý.

Kể từ khi Lý Thái Tổ lên ngôi (trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028), đối với vùng biên viễn, nhà Lý vẫn áp dụng chính sách ràng buộc lỏng lẻo nhưng thực hiện bằng những biện pháp mềm dẻo và linh hoạt hơn. Bên cạnh việc phong chức tước, ban thưởng tiền bạc, triều đình nhà Lý còn thông qua các cuộc hôn nhân, gả công chúa cho các tù trưởng lớn có thế lực để qua vai trò của họ tập hợp cư dân thành khối thống nhất quanh nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.

Thực hiện chính sách này, nhiều công chúa đã về làm dâu miền sơn cước. Đặc biệt có trường hợp tù trưởng hai lần được vua gả con.

Ba đời kết thông gia với chúa động

Đây là chính sách rất đặc biệt của mà Lý Thái Tổ là người mở đầu bằng việc gả công chúa Đông Thiên cho Giáp Thừa Quý, Tù trưởng Động Giáp ở Lạng Châu (nay thuộc Bắc Giang và phía nam Lạng Sơn) rồi phong Thừa Qúy làm Châu mục Lạng Châu.

Sử sách chép lại, đến đầu nhà Lý, vùng giáp ranh biên giới phía bắc có nhiều khe động ở giữa hai nước Việt - Trung. Dân khe động đều là các tộc người thiểu số cư trú còn trong tình trạng bộ lạc, chính quyền hai nước chưa nắm chắc dân để bảo vệ biên cương.

Do đó, Lý Thái Tổ đã có chủ trương gả con gái (công chúa) cho các tù trưởng hay còn gọi là châu mục để làm kế thân thuộc, ràng buộc, liên kết giữa chính quyền trung ương với các châu mục, thổ ty các địa phương miền núi. Trong các châu thời ấy thì châu Lạng lớn mạnh hơn cả lại ở gần kinh kỳ Thăng Long và nằm trên đường thiên lý lên biên giới, sang Trung Quốc.

Trong Châu Lạng có động Giáp (tức là động của họ Giáp) rất to, chúa động là Giáp Thừa Quý. Vua Lý Thái Tổ đã gả con gái cho Giáp Thừa Quý, đến nay không rõ gả năm nào và công chúa tên là gì nhưng đó là điều chắc chắn vì sử sách Trung Quốc đều ghi chép điều này. Tống sử (sử nhà Tống) chép Giáp Thừa Quý lấy con gái Lý Công Uẩn.

Mộng Khê bút đàm của Thẩm Hoạt chép rõ rằng: “Động Giáp là một bộ lạc lớn. Chúa động tên là Giáp Thừa Quý lấy con Lý Công Uẩn rồi đổi ra họ Thân…”. Như vậy chứng tỏ Động Giáp này đã có thanh thế lớn mạnh từ trước nhà Lý nên đến triều vua đầu tiên nhà Lý là Lý Thái Tổ đã kén chọn chúa động làm phò mã, cho đổi sang họ Thân thể hiện sự ưu ái và coi trọng rất mực của vương triều đối với châu mục Châu Lạng cũng như vai trò vị trí quan trọng của Châu Lạng đối với quốc gia. 

Sách Mộng Khê bút đàm nói trên và Việt sử lược đời Trần nước ta còn cho biết năm 1029 Lý Thái Tông (con Lý Thái Tổ) chỉ một năm sau lên ngôi đã gả Công chúa Bình Dương cho Thân Thiệu Thái (con Thân Thừa Quý), rồi năm 1066 Lý Thánh Tông (con Lý Thái Tông) lại gả Công chúa Thiên Thành cho Thân Cảnh Phúc (con Thân Thiệu Thái). Vậy là ba đời vua đầu liên tiếp của nhà Lý đều gả công chúa cho ba thế hệ liên tục làm châu mục lạng Châu của họ Giáp/Thân.

Theo sử sách chép lại, kể từ đó các đời vua Lý tếp tục chính sách liên kết với các tù trưởng dân tộc thiểu số bằng quan hệ hôn nhân, mở rộng ảnh hưởng của triều đình lên vùng miền núi, biên viễn. Đã có ít nhất 10 công chúa gồm Đông Thiên, Diên Bình, Bình Dương, Kim Thành, Trường Ninh, Ngọc Kiều, Khâm Thánh, Thiên Thành, Thiều Dung và Thụy Thiên thành dâu miền sơn cước. Chính họ là những người làm nên lịch sử, góp phần giữ vững, tô thắm cho một dải biên cương dài rộng của đất nước.

Hai lần được phong phò mã

Công chúa là bậc cao sang quyền quý, vì kết hôn với người có địa vị thấp hơn nên công chúa lấy chồng gọi là “hạ giá”. Bởi thế trở thành phò mã là vinh dự lớn cho các tù trưởng. Chính vì vậy việc một người dân tộc thiểu số trở thành phò mã triều đình rất ít. Hai lần trở thành phò mã thì trường hợp Dương Tự Minh là “độc nhất vô nhị”.

Dương Tự Minh người dân tộc Tày, quê vùng Quán Triều, phủ Phú Lương, nơi có địa bàn rất rộng, gồm nhiều châu tương ứng với các tỉnh ngày nay là Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Tự Minh là người có sức khỏe phi thường, thông minh lại giỏi cai trị, biết thu phục lòng dân nên ông được các thổ quan, tù trưởng nể phục. Với uy tín lớn của mình, Tự Minh được triều Lý hậu đãi.

Vua Lý Thánh Tông, người mở đầu chính sách rào chắn phên dậu bằng việc gả các công chúa về miền sơn cước.
Vua Lý Thánh Tông, người mở đầu chính sách rào chắn phên dậu bằng việc gả các công chúa về miền sơn cước.

Tháng 12/1127, trước khi mất, Lý Nhân Tông xuống chiếu gả Công chúa Diên Bình cho Tự Minh. Đến đời Vua Lý Anh Tông, triều đình càng coi trọng Tự Minh. Tháng 10/1142 sau khi dẹp xong loạn Thân Lợi, Vua sai Tự Minh đến vùng Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay) để chiêu tập dân chúng, giúp dân khai khẩn ruộng hoang, phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống. Đến tháng 8/1143, Vua xuống chiếu cho Tự Minh cai quản việc công các khe động dọc biên giới đường bộ. 

Năm 1144, Tự Minh được hưởng ân sủng mà trong lịch sử chỉ duy nhất ông có đó là việc được Vua Lý Anh Tông gả Công chúa Thiều Dung và phong ông làm phò mã.  Như vậy ông hai lần được phong phò mã dưới triều Lý Nhân Tông và Lý Anh Tông.

Sử sách không ghi chép cụ thể thân thế hai công chúa chung chồng nên không biết họ là con của vị vua nào. Xét về thứ bậc trong hoàng tộc, công chúa Diên Bình là bậc bề trên, ở địa vị người bà. Còn Công chúa Thiều Dung ở vị trí người cháu. Việc hai bà cháu lấy chung một chồng nhưng cách nhau 17 năm là điều hiếm thấy trong lịch sử. Họ đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp lừng lẫy và công tích to lớn của phò mã họ Dương.

Nhà Lý sau này truy phong ông làm Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc phong là Thượng đẳng thần, còn nhân dân thì tôn ông làm Đức Thánh, xây đền thờ ông ở làng Đuổm mà sau này được gọi là đền thờ Đức Thánh Đuổm.

Giai thoại đốt chùa ép con gái lấy chồng

Tuy nhiên việc gả các công chúa về vùng cao không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chuyện kể Lý Thánh Tông vốn là vị Vua hiếm muộn, trước khi ông đi cầu tự nhiều nơi rồi gặp Ỷ Lan công chúa lấy về làm vợ mới sinh được hai con trai, con  cả là Lý Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) sau này nối ngôi. Vua có hai công chúa Từ Thục, Từ Huy.

Chịu ảnh hưởng Phật giáo nên khi chớm tuổi trưởng thành, hai công chúa Từ Thục, Từ Huy xin Vua cha xuất gia tu hành. Lý Thánh Tông cho xây dựng tại làng Đông Phù (nay xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chùa Hưng Long, còn gọi chùa Nhót cho hai con gái.

Tương truyền ban đầu hai công chúa về vùng núi Trúc Lĩnh thuộc huyện Thanh Trì mê mẩn cảnh vật nơi đấy, thấy giữa đồng nổi lên ngọn núi rất nhiều trúc, mặt tiền có thủy điều, xung quanh có nhiều gò đều chầu về núi Trúc nên hai công chúa đều xem đây là vùng đất linh, bèn dựng am trên đỉnh núi Trúc tu hành.

Sau đó thấy dân chúng nghèo khổ nên hai công chúa đã bán hết vàng bạc mua ruộng đất chia cho dân. Hai bà còn xin Vua ban hàng nghìn mẫu ruộng chia đều cho các làng thuộc vùng Nam Phù (phía Nam huyện Thanh Trì ngày nay) rồi cho dựng điền trang, hướng dẫn dân chúng khai khẩn ruộng đất, đem giống mới về gieo trồng, dạy dân làm một số nghề thủ công như làm bánh...

Tuy nhiên, do tiếp tục kế sách gìn giữ phên dậu, bảo vệ bờ cõi bằng hôn nhân mà các tiên vương đã đề ra nên Vua Lý Thánh Tông không còn cách nào khác gọi Từ Thục và Từ Huy về kinh để đi lấy chồng nơi biên cương. Hai vị ni sư trăn trở, về thì việc tu hành dang dở, không về thì mang tiếng bất hiếu, bất trung. 

Thấy các con chậm trễ, Vua  Lý Thánh Tông trong phút nóng giận đã ra lệnh đốt chùa. Hai ni sư được dân chúng rước về làng, sau lên núi Trúc Lĩnh ở. Không lâu sau Vua hối hận không ép các con nữa, ra lệnh dựng lại chùa Đông Phù, vì thế chùa còn có tên Chùa Đền, Vua cũng cho dựng thêm chùa trên núi Trúc Lĩnh và đặt tên Hưng Phúc Tự.

Sau khi hai ni sư công chúa qua đời, nhớ đến công lao của hai bà, nhân dân tổng Nam Phù gồm 9 xã Tự Khoát, Tự Trúc, Mỹ Liệt, Việt Yên, Đông Trạch, Đông Phù, Đam Uyên, Thanh Phúc và Mỹ Ái cùng dân làng dựng thêm chùa, xây đền đều tạc tượng, lập bài vị thờ phụng để tưởng nhớ ân đức “nhị vị Bồ Tát”. Hàng năm tổ chức lễ hội long trọng vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch.

(còn nữa)

Đọc thêm