Chuyện lạ ở nơi tự do trao đổi… vợ

(PLO) - Drokpa hay Brokpa là bộ tộc thiểu số ở Ấn Độ với khoảng từ 2.500- 5.000 người, sống tại 3 ngôi làng nhỏ Dhahnu, Darchik và Garkun trong thung lũng Dha-Hanu thuộc dãy núi Himalayas ở Ladakh, nằm giữa Jammua và Kashmir - khu vực tranh chấp biên giới giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan. Họ cũng được coi là một trong những bộ tộc hiếm hoi trên thế giới và nổi tiếng với tục trao đổi vợ.
Bộ tộc Drokpa với tục lạ trao đổi vợ.
Bộ tộc Drokpa với tục lạ trao đổi vợ.

Văn hóa độc đáo

Thung lũng Dha-Hanu cách Leh, thủ đô vương quốc Ladakh của người Himalaya cổ 163 km về phía tây nam. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà sử học đặt ra các giả thuyết chính về nguồn gốc của tộc người Drokpa. Đầu tiên, họ là những thế hệ người Drokpa là hậu duệ của những người lính thuộc quân đội của Đại Đế Alexander.

Sau cuộc chiến tranh Porus vào năm 326 trước công nguyên, họ lạc mất phương hướng để trở về Hy Lạp. Họ tới Dhahnu vì đây cũng là thung lũng màu mỡ nhất vùng Ladakh, tập trung sinh sống và phát triển thành một bộ tộc, chính là bộ tộc Drokpa nguyên bản. 

Tuy nhiên, giả thuyết này đến nay đã được nhiều nhà sử học bác bỏ, bởi theo phần lớn quan điểm của các nhà sử học, hầu hết các bộ lạc ở tiểu lục địa Ấn Độ thường là người từ khu vực khác di cư đến hoặc có thể là bộ tộc bản địa, nhưng trải qua nhiều giai đoạn thay đổi mà áp dụng các nền văn hóa khác nhau.

Họ cho rằng bộ tộc Drokpa thực chất là có nguồn gốc từ nhóm người Dards di cư từ dãy núi Hindukush (thuộc Gilgit Baltistan, nay là lãnh thổ Pakistan) hàng thế kỷ trước. Họ có đầy đủ đặc điểm của nền văn hóa Aryan (cụm từ để chỉ các dân tộc có nguồn gốc Ấn-Iran). Giả thuyết này đã được chứng minh đủ sức tin cậy cao hơn giả thuyết trên. 

Người Drokpa thừa nhận Phật giáo, nhưng nhiều phong tục của họ rất giống với Ấn Độ giáo. Giống như người Hindu, họ thờ phụng các vị thần, thích uống rượu lúa mạch, đồ trang sức và hoa. Âm nhạc và khiêu vũ cũng là một phần của văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Các thành viên của bộ tộc thường hát trong các nghi hoặc trong các sự kiện lớn. Điển hình nhất là vào dịp lễ lớn tưởng nhớ ngày con người sống tách biệt khỏi các vị thần. Tất cả mọi người trong bộ lạc tập hợp và hát hò, ăn uống và nhảy cùng nhau.

Người dân bộ tộc này sử dụng một ngôn ngữ biến thể của ngôn ngữ Shina địa phương tạo thành ngôn ngữ riêng của mình là Minaro. Tuy nhiên, người Drokpa bảo tồn nó thông qua các bài hát mà không hề có quy ước văn bản nào hết. 

Nhờ có đất đai màu mỡ và khí hậu ôn đới thuận lợi, nên người Drokpa sống dựa vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và khai thác sản vật của thiên nhiên là chính. Họ cũng chủ yếu trồng các loại rau quả vì họ là những người thuần chay trong suốt khoảng 2.200 năm tồn tại.

Bộ lạc truyền thống trồng lúa mạch, khoai tây, táo và mơ, trong khi lúa mì được giới thiệu sau đó. Do sự gia tăng nhiệt độ, anh đào, mận, nho, cà chua, bắp cải, súp lơ, bầu, ớt, đậu và đậu Hà Lan cũng được trồng mặc dù ở độ cao cao. 

Đàn ông bộ tộc Drokpa trong trang phục truyền thống rực rỡ.
Đàn ông bộ tộc Drokpa trong trang phục truyền thống rực rỡ.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, chế độ ăn của người Dropka đã có thêm sữa, trứng và thịt. Cụ thể, biến đổi khí hậu khiến mùa đông ngắn hơn, mùa hè kéo dài, cây cối mùa màng bắt đầu có dấu hiệu sâu bệnh khiến số lượng nông phẩm sụt giảm đáng kể, buộc họ phải thay đổi lối sống. 

“Khí hậu ngày càng trở nên nóng hơn, những dòng sông dần cạn, mùa đông cũng không lạnh như trước kia. Chúng tôi nhớ lại mùa đông trước kia, da thịt của chúng tôi sẽ dính chặt vào cột sắt nếu chạm vào nó bằng tay trần. Nhưng giờ chuyện đó không bao giờ xảy ra nữa”, người đàn ông tên Nima Tsering của bộ tộc Dropka nói. 

Trang phục người Dhahnu được trang trí cầu kỳ tinh tế, được thể hiện rõ qua các mùa lễ hội trong năm, đặc biệt là ngày lễ Bonano diễn ra cuối hè. Trang phục truyền thống của họ sử dụng len làm chất liệu chính. Đàn ông ở đây mặc áo len rộng cùng với quần len cạp cao. Trong khi đó, trang phục dành cho phụ nữ là những chiếc váy len được làm thủ công từ các loại vỏ, hạt và đồ trang sức bạc.

Nhưng thứ làm nên linh hồn của bộ phục trang truyền thống của người Drokpa đó chính là mũ da dê. Cái tên đã nói lên tất cả, loại mũ này được làm từ da dê sau khi đã qua công đoạn xử lý mùi và làm khô hoàn toàn. Chúng còn được trang trí vô cùng đẹp từ các loại hoa, vỏ sò, đồng xu. Cùng với mũ, thì chiếc áo choàng có đính lông dài lướt thướt của người dân ở bộ tộc này cũng thể hiện một nét văn hóa rất riêng biệt, đặc trưng.

Đời sống tinh thần của người Drokpa cũng vô cùng phong phú. Họ sống chan hòa với thiên nhiên như bao bộ tộc thiểu số, tách biệt với nền văn minh loài người khác trên thế giới. Thi thoảng họ sum họp hát hò với nhau, ca hát ngay cả khi đang làm việc trên cánh đồng hoặc hái táo, thu hoạch nho. Đặc biệt lý thú là bạn có thể bắt gặp hình ảnh các cô gái Drokpa tụm lại chỉnh trang chiếc mũ cầu kỳ sặc sỡ của mình.

Tục cũ trong thời hiện đại

Trong nhiều thế kỷ, Drokpa đã không quan tâm đến quy tắc trong kết hôn giữa nam và nữ. Người chồng có quyền trao đổi vợ tự do với người khác mà không cần để ý tới mối quan hệ hôn nhân và chỉ lưu truyền văn hóa trao đổi vợ trong cộng đồng khi không có người ngoài. 

Đặc biệt, trong nghi lễ truyền thống Bonano, tất cả đàn ông và phụ nữ trong bộ tộc đều nhảy múa tưng bừng trong ba ngày liên tiếp để ăn mừng sự kiện quan trọng nhất trong năm của mình. Nhiều nhóm đàn ông và phụ nữ đứng xếp thành hàng nhảy múa rồi hôn nhau một cách tự nhiên, không cần quan tâm đến tình trạng hôn nhân của mình cũng như đối phương. 

Phụ nữ bộ tộc Drokpa trong trang phục truyền thống rực rỡ.
Phụ nữ bộ tộc Drokpa trong trang phục truyền thống rực rỡ.

Thậm chí họ còn mặc cả với nhau trước khi đưa ra quyết định. Những người vợ không được quyền lên tiếng và đều phải nghe theo chồng. Một số người vợ còn bị chồng mình “cắt cử” đến nhà người đàn ông khác nhiều tuần liền, trong khi vợ của người đàn ông đó thì lại đến nhà mình, đóng thế vai mình để làm vợ và ăn ngủ cùng chồng mình. Để duy trì dòng máu thuần chủng, họ chỉ kết hôn với người trong bộ tộc. 

Có thể nhiều người cho rằng những người phụ nữ trong bộ tộc Drokpa có vẻ như phải chịu khá nhiều thiệt thòi so với tiêu chuẩn của những người phụ nữ hiện đại. Nhưng khi được hỏi họ lại cho rằng đó là điều rất bình thường và coi việc đổi vợ là một giá trị truyền thống của bộ tộc mình cần được bảo tồn. 

Tuy nhiên, kể từ khi bị chính quyền nghiêm cấm, tục này bị hạn chế hơn. Người Drokpa chỉ lưu truyền văn hóa hôn và trao đổi vợ trong cộng đồng và khi không có người ngoài. “Chúng tôi không biết xấu hổ là gì. Nhưng dần dần chúng tôi nhận thức được nó trái với quy chuẩn đạo đức, nên bắt đầu từ bỏ văn hóa, truyền thống và phong tục của chúng tôi”, người đàn ông tên Tashi của bộ tộc nói.  

Người Drokpa khác biệt hoàn toàn với người Tạng-Miến cũng sống tại Ladakh cả về diện mạo, văn hóa, ngôn ngữ và cách tổ chức xã hội. Ngoại hình của người Dropka cũng rất đặc biệt nổi bật. Khác hoàn toàn với những tộc người khác sống ở Ladakh, gương mặt thanh tú, làn da mịn màng, sống mũi cao, đôi mắt màu xanh lá cây với hốc mắt sâu, tóc và chân mày dày, đen láy.

Đàn ông thì môi dày, mũi cao, chân mày rất rậm, đôi mắt to rất đặc trưng. Ngoài ra, cư dân ở bộ tộc này còn có vóc dáng cao ráo. 

Để duy trì dòng máu thuần chủng của bộ tộc, họ chỉ kết hôn với người trong tộc. Thậm chí, trong cộng đồng người Drokpa, anh trai chủ yếu chia sẻ vợ của mình với những người em trai nhằm ngăn chặn việc tranh chấp thừa kế. 

Ngày nay, ngôi làng của bộ tộc Drokpa trên dãy núi Himalayas thu hút rất đông du khách và các nhà nghiên cứu. Do vậy, nhiều người dân địa phương dựa vào du lịch tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình họ vào mùa hè. 

“Hiện tại, chúng tôi thu 5 USD đối với mỗi du khách muốn chụp ảnh và mặc trang phục truyền thống của người Drokpa. Bạn sẽ phải trả nhiều hơn nếu muốn quay video”, Thinley Aryan, một thành viên của bộ tộc Dropka, cho biết.

Đọc thêm