Dân Hà Nội phát sốt với rau mọc hoang

(PLO) - Ngày trước rau càng cua mọc hoang đầy đường. Thời nay, loại rau bờ bụi này bỗng dưng trở thành đặc sản trong các nhà hàng.

Dân Hà Nội phát sốt với rau mọc hoang
Nhiều thông tin về các loại rau bẩn, phun chất hóa học trừ sâu khiến cho các bà nội trợ e ngại, chuyển hướng săn tìm rau mọc bụi. Chính vì lẽ đó, rau bụi thời nay có giá đắt ngang với thịt, có loại còn đắt gấp 3 – 4 lần, chưa kể còn phải chờ đợi nhiều ngày mới đặt được hàng. Như cây rau sắng có giá bán khoảng từ 300.000 đến 400.000 đồng/kg, tương đương với 3-4kg thịt, thậm chí có lúc rau bán với giá 1 triệu/kg. Rau ngót rừng có giá 200.000 đồng/kg, rau chùm ngây, rau càng cua 100.000 đồng/kg là những loại rau bờ bụi đắt ngang với thịt lợn. 
Được biết, rau càng cua là thứ rau dân dã, quê mùa, mọc tự nhiên như rau sam. Thuộc nhóm cây thân cỏ, đặc tính sinh vật học rau càng cua là sống thích hợp ở những nơi ẩm ướt, dưới chân tường, trên đá. Chúng thường khai hoa vào tháng giêng hay tháng 8 âm lịch, sức sống mạnh, hạt rất nhỏ nên dễ phân tán nơi xa, khi gặp điều kiện thích hợp sẽ mọc lên cây và lan rộng ra. Do thích hợp với khí hậu vùng đất thấp, ẩm ướt nên cọng rau càng cua có thể mọc dài đến gần một gang tay. 
Cách đây 5 năm, rau càng cua còn mọc dại, nhiều người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long còn kiếm sống nhờ nghề hái rau càng cua. Cứ đến mùa mưa là nhiều người cầm theo túi nylon lớn, nhỏ các loại đi vào rừng cao su để hái rau càng cua vào mỗi buổi sáng. 
Mọi người thường hái rau trong khoảng 3 tiếng (6 - 9 giờ). Sau đó đem bán lại cho những đầu mối thu mua để họ phân phối đi các nơi. Khi đến tay người dùng, rau đã qua tay của vài người. Tuy vậy họ cũng kiếm được khá tiền, trung bình mỗi lần hái, người dân kiếm được 7 - 8kg rau càng cua, mỗi kg rau bán bán ra được 10.000 đồng.
Ngày nay, rau càng cua đã được trồng để thu hoạch, không còn là của hiếm nữa, nhưng có giá đắt ngang các loại thịt khác. Chị Hương (chủ cửa hàng rau ở Hà Nội) cho biết: “Thời nay, càng là các loại rau, củ quả dân dã khách hàng càng ráo riết săn tìm. Rau càng cua đang rất được lòng khách vì là mọc bụi ở trong miền Tây. Loại rau này khá hiếm nhưng người sành ăn vẫn phải săn cho bằng được và cất công vận chuyển ra, nhiều khi để làm quà biếu”. 
Trong ẩm thực, người ta thường luộc hoặc xào rau càng cua với tỏi, hoặc bóp xổi với tôm khô cũng rất được ưa chuộng. Các vị mặn, ngọt, chua, lẫn giòn giòn (của rau càng cua) làm thành món gỏi rất ngon. Ngoài ra, rau càng cua còn trộn chung với các loại rau khác như rau sam, rau thơm… và chấm với nước cá kho hay thịt kho. 
Chính vị chua chua của loại rau này khi chấm với nước kho mặn sẽ tạo cảm giác lạ miệng với dân thành phố. Về sau, món ăn có mặt trong các nhà hàng như một loại đặc sản. Để có món rau này trong thực đơn, một nhà hàng ở Hà Nội đã phải gửi “nàng” càng cua qua đường hàng không để ra Thủ đô chỉ trong vòng nửa ngày. 
Giá bán của món rau dại này là 128.000 đồng/đĩa. Còn nếu muốn ăn rau dại, rau rừng ở Hà Nội, khách hàng phải nhờ các cửa hàng chuyên đồ ăn của vùng miền Tây lấy hộ, để lại số điện thoại. Một số cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội cũng có nhưng hàng không thường xuyên. 
Nhiều người thấy rau càng cua đắt, khó tìm lại chuyển sang tự trồng rau để ăn và yên tâm hơn. Cũng như nhiều bà nội chợ khác, chị Nguyễn Thanh Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) không có thời gian mua sắm cho bữa ăn gia đình, ngoài những ngày cuối tuần đi siêu thị, chị thường lên mạng đặt mua rau. Dạo gần đây trên khắp diễn đàn sốt rau càng cua, chị tò mò về đặt mua thử. 
Sau đó, gia đình chị khá ưa thích loại rau này nên chị muốn tìm nguồn hàng thường xuyên. Được mách cách trồng rau càng cua, rẻ hơn nhiều lần, chị bắt đầu gieo trồng hạt giống trên sân thượng. Hạt giống của loại rau này có giá 25.000 đồng, trồng xen canh trong bồn cây cảnh, vừa tiết kiệm diện tích lại trông đẹp hơn.  
Lý do khiến loại rau này trở thành “cơn sốt” đến vậy vì nó được xem như một loại thuốc. Rau này có rất nhiều loại chất bổ khác nhau. Đặc biệt trong rau càng cua có hàm lượng Beta-caroten (tiền Vitamin A) cao hơn hẳn so với cà rốt. 
Theo Đông y, rau càng cua vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tan máu ứ, thường dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra nó còn chữa vết thương do rắn cắn, nhọt lở, chấn thương sưng đau. Người ta cũng nghiền lá ra dùng đắp để trị sốt rét, đau đầu. Dịch lá dùng uống trị đau bụng hay được vò nát đắp lên da trị phỏng da do lửa, phỏng nước sôi./.

Đọc thêm