“Dạy” bé gái cách tiêu tiền

(PLVN) - Xã Lưu Ngọc và Quang Vinh là hai xã vùng cao khó khăn của huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Phần lớn dân số tại đây là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế. Chính vì thế, suy nghĩ phổ biến ở đây là phụ nữ chỉ lo nội trợ mà không có khả năng và không thể làm kinh tế để phát triển gia đình. Làm sao để có thể thay đổi suy nghĩ này khi nó đã ăn sâu trong nhiều thế hệ người dân nơi đây?
Những bé gái hào hứng tiếp cận kiến thức bổ ích về ngân sách
Những bé gái hào hứng tiếp cận kiến thức bổ ích về ngân sách

“Gieo hạt giống” từ những bé gái

Là những người làm trong lĩnh vực tài chính, hơn ai hết, hai nhà tài trợ lâu năm của ChildFund (một mạng lưới toàn cầu gồm 11 tổ chức đang hỗ trợ cho hơn 13 triệu trẻ em và gia đình tại hơn 60 quốc gia trên thế giới) là bà Julie Nguon và ông Alexandre Poutot nhận thấy sự thiếu hiểu biết về những rủi ro liên quan tới ngân sách có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em.

Tháng 9/2018, ông bà đã cùng tổ chức ChildFund tại Việt Nam thực hiện một buổi tập huấn về quản lý ngân sách cho các em học sinh lớp 9 tại Trường PTDT Bán trú Quang Vinh – Lưu Ngọc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. 

Trước buổi tập huấn, những khái niệm về ngân sách, chi phí, tiết kiệm đều còn khá xa lạ với các em học sinh nơi đây. Gần như tất cả các em đều gặp khó khăn trong việc trả lời những câu hỏi đơn giản như ngân sách là gì, có những loại chi phí nào…

Tuy nhiên chỉ trong vòng hơn một tiếng trao đổi cùng nhau, tất cả những khái niệm ấy đã được mang tới cho các em theo cách dễ hiểu nhất. Cái nhìn tổng quan về nền kinh tế, cách tiết kiệm tiền an toàn và hiệu quả, cũng như cách quản lý ngân sách trong gia đình và trong doanh nghiệp dần hiện lên qua những hoạt động vô cùng thú vị.

Em Lèn, một học sinh tham gia khóa tập huấn chia sẻ: “Sau buổi tập huấn em đã biết ngân sách liên quan tới thu nhập và chi tiêu. Trong đó, chi phí có ba loại là cố định, biến động và không thường xuyên. Trong buổi tập huấn em quan tâm nhất tới phần tiết kiệm vì nó giúp chúng em xử lý những trường hợp khẩn cấp cần đến tiền mà trước đây chúng em không nghĩ tới”.

Ngoài em Lèn, các em học sinh tham gia buổi tập huấn cũng rất hào hứng khi được hướng dẫn cách quản lý ngân sách không chỉ trong gia đình mà còn trong các doanh nghiệp nhỏ. Đây sẽ là kiến thức vô cùng hữu ích nếu các em có ý định làm chủ doanh nghiệp của chính mình trong tương lai.

Trao quyền kinh tế cho phụ nữ

Mặc dù Việt Nam đã dần giảm được tỉ lệ đói nghèo và đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực y tế và giáo dục, nhưng vì phần lớn dân số vẫn sống phụ thuộc vào nông nghiệp nên công cuộc giảm nghèo phải đối mặt với nhiều thách thức mới bao gồm sự bất bình đẳng đang gia tăng giữa nam và nữ.

Tình hình ở Ngân Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn không phải là ngoại lệ. 87% dân số ở Ngân Sơn sống dựa vào nông nghiệp. 20% người dân ở huyện này sống dưới chuẩn nghèo. Phụ nữ chiếm một nửa số dân ở Ngân Sơn nhưng thành quả từ sự tham gia của họ vào các hoạt động kinh tế và chính trị - xã hội không thực sự rõ nét.

Kết quả khảo sát của ChildFund năm 2016 cho thấy chỉ có 11% phụ nữ ở Ngân Sơn có thể bày tỏ ý kiến của mình với chính quyền địa phương, điều này phản ánh sự tham gia hạn chế của phụ nữ trong quá trình đưa ra quyết định trong gia đình và cộng đồng.

Với mục tiêu tăng cường tiếng nói, sự tham gia và trao quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo tại bảy xã dự án của ChildFund tại huyện Ngân Sơn, từ năm 2018, ChildFund đã hỗ trợ triển khai dự án VN05-077 “Tương lai tươi sáng” tại địa phương.

Từ tháng 4/2018, chuỗi các khóa tập huấn “Giới và bình đẳng giới” là một hợp phần quan trọng của dự án, đã được tổ chức tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Các khóa tập huấn cung cấp cho đại diện của bảy xã những kĩ năng và kiến thức liên quan tới các vấn đề về giới và giúp họ truyền tải những kiến thức này tới cộng đồng.

Chị Doanh Thị Ngân, một người tham dự khóa tập huấn ở xã Thượng Ân chia sẻ: “Nhờ vào khóa tập huấn này mà chúng tôi đã biết được nhiều thông tin thiết thực về bình đẳng giới và sẽ áp dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày”. 

“Nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về bất bình đẳng giới cũng như trang bị cho người tham dự những công cụ, kĩ năng để áp dụng vào cuộc sống, chúng tôi sẽ cố gắng truyền tải kiến thức một cách phù hợp nhất với bối cảnh địa phương”, chị Phạm Thị Oanh, tập huấn viên từ thị trấn Nà Phặc cho biết. 

Vào tháng 3/2017, ChildFund tiến hành một cuộc khảo sát khác với 12 nhóm ở Hòa Bình, Cao Bằng và Bắc Kạn về vấn đề bình đẳng giới và trao quyền kinh tế. Kết quả chỉ ra rằng phần lớn người được hỏi, không kể giới tính, đều có rất ít nhận thức và hiểu biết về bình đẳng giới cũng như các luật và chính sách bảo vệ quyền phụ nữ.

Trong khi đàn ông là người có tiếng nói chủ chốt trong các vấn đề liên quan tới thu nhập thì phụ nữ lại chịu lép vế và đảm nhận các công việc chăm sóc, dọn dẹp trong gia đình.

Đọc thêm